Triển lãm 'Vẽ cái mông lung': Một gợi ý để tránh 'sinh sản vô tính nghệ thuật'

Sau gần 1 năm xuất bản cuốn sách 'Vẽ cái mông lung', họa sĩ Đặng Huy Quyển đã ra mắt triển lãm tranh chính thức đầu tiên tại Hà Nội ngày 21.7.2018. Triển lãm gồm 50 tranh sơn dầu sáng tác trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, là một phần nhỏ trong sự nghiệp 60 năm cầm cọ của ông...

Triển lãm “Vẽ cái mông lung” diễn ra từ 21.7 - 21.8.2018. Địa điểm: Tầng 3, Indochina Plaza, 241 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.

Triển lãm “Vẽ cái mông lung” diễn ra từ 21.7 - 21.8.2018. Địa điểm: Tầng 3, Indochina Plaza, 241 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.

1. Như diễn giải của họa sĩ trong cuốn sách, “Vẽ cái mông lung” không đi vào mô tả hiện thực như hiện thực mắt ta nhìn thấy, mà là: Tôi ngấm dần suốt sáu mươi năm cái sự thật thà ấy và nhận ra một điều: Cái thật thà bên ngoài đó không phải là “nó”, thách đố của người nghệ sĩ là tìm cách nói đúng về “nó”.

Với điểm nhìn đó, Đặng Huy Quyển không vẽ những bức tranh theo lối ưa nhìn chỉ để “thỏa mãn mỹ cảm” mà muốn người xem cùng “vận động” suy ngẫm với mình. Tranh của ông không dễ xem hoặc nói cách khác là “kén người xem”. Tạo hình tranh của Đặng Huy Quyển thấm đậm tinh thần ước lệ của hai loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống là tuồng và chèo, do ông sớm được tiếp xúc từ ngày nhỏ. Tuy nhiên do đặc điểm loại hình khác nhau, nghệ thuật sân khấu ước lệ bằng hành động còn tranh thể hiện ước lệ bằng hình ảnh, chi tiết. Với cảm hứng từ dân gian, một số hình ảnh, chi tiết Huy Quyển sử dụng như tượng đình chùa, tranh - tích dân gian được ước lệ một lần nữa mang ý niệm của tác giả và hơi thở đời sống đương đại.

2. Việc tìm cách thể hiện khác biệt để gây ấn tượng thị giác mạnh luôn là nhu cầu tất yếu của bất kỳ một họa sĩ nào, nghệ sĩ là người luôn khao khát cái mới, không thích lặp lại người khác cũng như lặp lại chính mình. Tuy nhiên kết quả đến đâu lại phụ thuộc vào tài năng, sự khổ luyện, trải nghiệm, tri thức của mỗi người.

Đặng Huy Quyển đã vẽ hơn 700 bức tranh, trong đó có hai bức khổ lớn: Bức “Nhân sinh” dài 65m, khổ 1,2m và bức “Dải thời gian” cao 50m, rộng 1,75m.

Trong quá trình khám phá bản thể và vạn vật thông qua hội họa, họa sĩ đã trải qua nhiều giai đoạn vẽ khác nhau. Tiếp nối dòng chảy “Nhân sinh” và “Dải thời gian” là “Sóng và Khí”, “Không gian siêu thực”... Đặng Huy Quyển có thể vẽ kỹ như vẽ hiện thực, thậm xưng bằng lối biểu hiện hay tạo ra các ảo giác siêu thực... nhưng điều hay nhất là ông không bị lệ thuộc, chi phối bởi giới hạn của trường phái riêng biệt nào. Theo Đặng Huy Quyển, quan niệm về mỹ thuật từ trước đến nay bị giới hạn ở chỗ cho rằng phong cách chính là ngoại hình, là cách vẽ tranh, trong khi thực ra phong cách phải được tạo ra từ ý niệm của chính người nghệ sĩ. Và người ta cũng chắc chắn “vẽ theo một phong cách để người khác dễ nhận ra”, thực chất người khác có thể nhận ra ngay cả khi họa sĩ dùng nhiều bút pháp vẽ khác nhau. “Giống như nước, ở các trạng thái tồn tại khác nhau (rắn, lỏng, khí) trong những điều kiện khác nhau, dù dưới dạng đóng băng, chất lỏng hay hơi nước thì bản chất của nước vẫn không đổi. Nếu anh chỉ vẽ theo một trường phái, là một toa tàu lắp vào, anh sẽ bị chính trường phái đó bó hẹp. Kết quả là anh dễ bị sinh sản vô tính trong nghệ thuật”.

Có thể coi bút pháp vẽ là “hình thức bề ngoài giống như áo mặc theo mùa, tùy từng đề tài mà có cách “mặc” phù hợp. Tránh một bút pháp vẽ mọi đề tài, cùng một áo mặc tất cả các mùa”.

Với lối tư duy này, có ý kiến đã nhận định: Đặng Huy Quyển là một họa sĩ mà tranh vẽ của ông thuộc trường phái nghệ thuật ý niệm (Conceptual art), nghệ thuật siêu hình (Metaphysical art).

Tất nhiên, để đi được đường dài theo hướng này, người họa sĩ cần phải chuẩn bị tâm thế, bản lĩnh nghề nghiệp vững chắc. “Anh phải có đủ bút lực và trí lực, thành thạo kỹ thuật, am hiểu các trường phái, phải tu nghiệp bền bỉ ít nhất hai chục năm”, họa sĩ Đặng Huy Quyển cho biết. Bởi “nếu anh có ý tưởng, nhưng không có phương tiện hoặc phương tiện què quặt thì đi vào vẽ tranh sẽ phải bẻ bút ngay”. “Tranh vẽ ý niệm đòi hỏi nhận thức, nhập thể từng đề tài, đòi hỏi nhiều năng lượng, nhuần nhuyễn về kỹ thuật để giải quyết mà anh không đủ bản lĩnh, anh thấy nó “ồn ào” thì không thể vẽ được”.

HẢI AN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/trien-lam-ve-cai-mong-lung-mot-goi-y-de-tranh-sinh-san-vo-tinh-nghe-thuat-625636.ldo