Triển vọng cho sáng kiến hòa bình eo biển Hormuz

Trong bối cảnh cả Mỹ và Iran đều không có triển vọng đối thoại với nhau, Iran đang tìm kiếm một giải pháp toàn cầu, trong đó có sự ủng hộ từ các quốc gia như Nga, Nhật Bản… Mới đây nhất, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) được tổ chức tại thủ đô Yerevan của Armenia, ngày 1-10, cuộc hội đàm của Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Iran Hassan Rouhani được xem là động thái thể hiện sự củng cố cho triển vọng về sáng kiến hòa bình eo biển Hormuz (HOPE).

Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc hội đàm ngày 1-10. Ảnh: AFP

Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc hội đàm ngày 1-10. Ảnh: AFP

Theo người phát ngôn của chính quyền Nga Dmitry Peskov, không chỉ thảo luận về sáng kiến hòa bình eo biển Hormuz của Iran, Tổng thống Putin và Tổng thống Rouhani còn luận bàn về số phận của Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) mà Mỹ đã rút khỏi từ năm ngoái như một hành động “châm ngòi” cho sự rối ren, bất ổn tại Trung Đông thời gian qua.

Với động thái mới của Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cũng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng tại tuyến hàng hải vận chuyển tới 80% lượng dầu nhập khẩu của nước này. Truyền thông Nhật Bản cho hay, Bộ trưởng Taro Kono và Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami đã lần đầu tiên điện đàm, trong đó có trao đổi về sáng kiến HOPE. Gần đây, Nhật Bản có những động thái “nghiêng” về phía Iran thông qua cuộc hội đàm của Thủ tướng Shinzo Abe với Tổng thống Rouhani bên lề kỳ họp lần thứ 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Mỹ những ngày qua. Đặc biệt, trong chuyến thăm Iran hồi tháng 6, Thủ tướng Abe còn khẳng định, Nhật Bản sẵn sàng góp sức “giảm nhiệt” căng thẳng tại khu vực này.

Kế hoạch tạo lập “liên minh hy vọng” của Tổng thống Rouhani được thiết kế nhằm củng cố “nội lực” và sự đoàn kết của các quốc gia trong khu vực vùng Vịnh, thay vì phải “nhờ” tới sự can thiệp từ bên ngoài.

Theo Tổng thống Rouhani, để làm dịu căng thẳng tại vùng Vịnh thì chỉ có sự đoàn kết của các nước trong khu vực mới thực sự là giải pháp quyết định cho an ninh và hòa bình. Sự “góp mặt” của các thế lực bên ngoài khu vực đều mang lại những bất ổn.

Mỹ đang thiết lập một liên minh nhằm bảo vệ tuyến vận tải 40% lượng dầu mỏ của thế giới là eo biển Hormuz cũng như các vùng biển khác tại vùng Vịnh Persian. Tuy nhiên, tham vọng áp đảo của Mỹ chưa đạt được khi các đồng minh như Pháp, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Hàn Quốc, Iraq... đều từ chối tham gia, còn Iran luôn coi mình mới là “người bảo vệ” khu vực này xuyên suốt quá trình lịch sử.

Trong khi cả 2 bên đều kêu gọi giải pháp hòa bình đa phương, thì vẫn diễn ra sự chia rẻ sâu sắc giữa các quốc gia trên thế giới. Những động thái “khiêu khích” liên tiếp giữa 1 bên là Iran và 1 bên là Mỹ cùng các nước đồng minh ở châu Âu đang khiến căng thẳng Mỹ - Iran leo thang ngày càng nghiêm trọng.

Sáng kiến HOPE của Tổng thống Rouhani được giới chuyên gia nhận định là hành động tạo dựng liên minh đối trọng với liên minh của Mỹ. Điều này sẽ giúp 2 phe cân bằng hơn về tiềm lực, nhưng cũng có thể sẽ khiến tiến trình hòa đàm tiếp tục “bế tắc” khi cả 2 bên khó tìm được lý do để “nhún nhường”.

Sách lược lôi kéo thêm đồng minh của cả 2 bên đang thực hiện có thể sẽ ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh trực diện giữa Mỹ và Iran. Tuy nhiên, khi căng thẳng chưa có “hồi kết”, những hành động đáp trả bằng vũ lực có thể gia tăng ở Yemen, Lebanon, Syria... - vùng chiến sự giữa những lực lượng có “bàn tay” hậu thuẫn của 2 quốc gia này.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/trien-vong-cho-sang-kien-hoa-binh-eo-bien-hormuz/