Triển vọng gọi vốn ngoại của ngân hàng Việt

Hoạt động gọi vốn ngoại được dự đoán là sôi động hơn khi EVFTA đã được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua được kỳ vọng sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam trong đó có lĩnh vực ngân hàng.

Sức khỏe của các ngân hàng ngày càng được cải thiện là sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn: internet

Sức khỏe của các ngân hàng ngày càng được cải thiện là sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn: internet

Trong thời gian qua, ngân hàng là một trong những lĩnh vực được các nhà đầu tư (NĐT) ngoại quan tâm và đầu tư nhiều nhất. Điển hình là Hana Bank đã mua 15% cổ phần của BIDV, mới đây nhất là Ngân hàng Aozora của Nhật Bản đang muốn mua 10% cổ phần của OCB.

Chia sẻ thêm với phóng viên về đối tác chiến lược, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, thời điểm này các ngân hàng Việt Nam rất cần những NĐT dài hạn, trường vốn với nguồn lực đầu tư mạnh sẵn sàng khi ngân hàng cần triển khai chiến lược kinh doanh. “Hiện tại OCB chỉ còn chờ NHNN phê duyệt là hoàn tất thương vụ bán cổ phần với Aozora và ngân hàng tiếp tục tìm kiếm đối tác ngoại mới để sử dụng hết 10% room ngoại còn lại của ngân hàng”, lãnh đạo OCB cho hay.

Có thể thấy, việc hoàn tất bán cổ phần cho Aozora của OCB chỉ còn là vấn đề thời gian. Hiện nay, giá cổ phiếu OCB được thỏa thuận trên thị trường OTC dao động vào khoảng 14.000 - 16.000 đồng/cổ phiếu. Nếu chiếu theo giá này, Aozora sẽ phải bỏ ra ít nhất 1.200 tỷ đồng để sở hữu 86,8 triệu cổ phần của OCB. Nhưng theo tiết lộ của lãnh đạo OCB, giá bán cổ phần cho NĐT này khá tốt, rất có thể số tiền ngân hàng thu về sẽ cao hơn con số tính toán sơ bộ trên.

Theo đánh giá chung của giới chuyên môn, ngân hàng hiện là số ít các ngành được các NĐT nước ngoài quan tâm. Đại diện một quỹ đầu tư tiết lộ, trong hơn 1 năm qua, quỹ này nhận được nhiều đề nghị của các NĐT ngoại muốn mua cổ phần ngân hàng trong nước.

Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Trung tâm phân tích CTCK Dầu Khí (PSI) cho biết, các NĐT ngoại đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến cổ phiếu ngân hàng, thể hiện các mã cổ phiếu nhóm ngành này thu hút dòng tiền lớn từ các NĐT ngoại như BID, VPB, STB... Lý do cổ phiếu nhóm ngành này tạo sức hút lớn đối với NĐT ngoại là do yếu tố kinh tế Việt Nam vẫn là một điểm sáng của khu vực, nhu cầu bán cổ phần để tăng vốn của các ngân hàng, triển vọng kinh doanh ngân hàng tốt hơn, NHNN đưa ra lộ trình chặt chẽ đối với tất cả các hoạt động ngân hàng nhất là sở hữu chéo, tỷ lệ sở hữu cổ đông lớn, nhiều ngân hàng áp dụng yêu cầu chuẩn mực Basel II... khiến các NĐT yên tâm hơn về tính minh bạch, năng lực tài chính của các ngân hàng Việt Nam ngày càng tốt hơn. Từ đó họ gia tăng đầu tư vào các ngân hàng.

Đồng tình như vậy, song TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV còn chỉ ra thêm các nguyên nhân khác đó là việc Chính phủ tuyên bố không cấp phép lập mới các ngân hàng có vốn nước ngoài đến hết năm 2020, đồng thời theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, Nhà nước giảm dần tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng quốc doanh chỉ nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; lựa chọn cổ đông chiến lược có uy tín trên thị trường, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị...

Hoạt động gọi vốn ngoại được dự đoán là sôi động hơn khi EVFTA đã được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua được kỳ vọng sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam trong đó có lĩnh vực ngân hàng. Theo cam kết, đối với lĩnh vực ngân hàng, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD EU nâng mức nắm giữ cổ phần lên 49% vốn điều lệ tại 2 NHTMCP của Việt Nam… Do cam kết trên không áp dụng với 4 ngân hàng quốc doanh là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank nên đây là cơ hội để các NHTMCP nhỏ Việt Nam hút vốn ngoại.

Trên thực tế, các ngân hàng Việt, so với ngân hàng các nước trong khối ASEAN và khu vực châu Á, còn nhỏ cả về quy mô vốn liếng cũng như tổng tài sản. Với việc cho phép nước ngoài nắm giữ 49% cổ phần một ngân hàng nội sẽ tạo cú hích cho giá cổ phiếu ngân hàng, giúp cho ngân hàng huy động nguồn vốn quan trọng gia tăng năng lực tài chính, để đáp ứng quy định ngày càng khắt khe từ NHNN và nâng tầm lên ngang hàng khu vực.

Hiện theo quy định tại Luật Các TCTD hiện hành, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ, một tổ chức sở hữu không quá 15% vốn điều lệ. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại các ngân hàng là 30%. Trường hợp quy định tại EVFTA có thể cho phép room ngoại của các TCTD châu Âu tại 2 NHTMCP Việt Nam được vượt khỏi mức trần quy định hiện hành.

Tuy nhiên, ngân hàng cổ phần nào sẽ đáp ứng được tiêu chí để các TCTD châu Âu nâng room ngoại lên 49%, phía EU sẽ xem xét và phía Việt Nam là Bộ Tài chính và NHNN sẽ cân nhắc. Như vậy, ngân hàng nào được chọn nới room ngoại của các TCTD châu Âu lên 49% vẫn còn là ẩn số. Nhưng theo dự đoán của giới chuyên môn, ngân hàng đó phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn cao, chẳng hạn, việc hoàn tất cả 3 trụ cột của Basel II có thể là một trong những điểm cộng lớn; hoặc ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn, nợ xấu thấp, lợi nhuận cao... cũng là tiêu chí lựa chọn...

TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia ngân hàng đánh giá, triển vọng hút vốn ngoại đối với ngân hàng Việt mở ra khi EVFTA được ký kết. Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, EU có những quy định rất khắt khe về đầu tư, nhất là đầu tư từ EU ra nước ngoài, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Cho nên, lợi thế đầu tiên từ hiệp định này chính là bảo hộ đầu tư. Lợi thế này có thể làm cho dòng tiền đầu tư từ EU vào Việt Nam mạnh hơn, bao gồm cả FDI và FII, trong đó có đầu tư về công nghệ mới, công nghệ cao, huy động vốn từ châu Âu thông qua các quỹ đầu tư của Việt Nam cũng hấp dẫn hơn nhờ các quy định bảo hộ đầu tư khá chặt chẽ và an toàn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ngân hàng như tác động đến dòng ngoại tệ, tỷ giá hối đoái, lãi suất, dịch vụ thanh toán, chuyển tiền...

Hiệp định cũng mở ra cơ hội các quỹ đầu tư của EU trực tiếp đầu tư vào hệ thống ngân hàng như: mở chi nhánh, mua cổ phần... Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Nghĩa, mảng đầu tư trực tiếp này chỉ là tiềm năng, có thể chưa sôi động trong ngắn hạn, bởi vì châu Âu đã áp dụng khá đầy đủ quy định của Basel II, thậm chí cả Basel III. Mặt khác, họ cũng có khuynh hướng tái cấu trúc lại các tập đoàn tài chính, các NHTM lớn theo hướng không mở rộng quy mô mà chủ yếu tăng chất lượng tài sản để tránh những xung đột pháp lý, xung đột lợi ích, có thể dẫn tới khủng hoảng.

Theo Nguyễn Vũ/thoibaonganhang.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/trien-vong-goi-von-ngoai-cua-ngan-hang-viet-319224.html