Triển vọng khai thông Dòng chảy phương Bắc 2

Ðức và Phần Lan vừa 'bật đèn xanh' cho phép xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2, mở đường cho việc triển khai thêm đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu mà không cần trung chuyển qua lãnh thổ U-crai-na. Tuy nhiên, động thái nêu trên có thể vấp phải sự phản đối của Mỹ và một số nước Ðông Âu, vốn lo ngại dự án sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng từ Nga.

Lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang châu Âu tiếp tục tăng trong những năm gần đây. Ảnh Sputnik

Lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang châu Âu tiếp tục tăng trong những năm gần đây. Ảnh Sputnik

Hai ngày sau khi Chính phủ Ðức cho phép bắt đầu xây dựng dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, ngày 12-4 vừa qua, Phần Lan cũng chính thức cấp giấy phép xây dựng cho dự án. Thủ tướng Ðức A.Méc-ken khẳng định, Dòng chảy phương Bắc 2 có mục đích kinh tế đơn thuần, không liên quan các vấn đề chính trị. Ðường ống dự kiến đi qua vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của năm nước, gồm Nga, Phần Lan, Thụy Ðiển, Ðan Mạch và Ðức, giúp đưa khí đốt từ Nga trực tiếp tới Ðức thông qua biển Ban-tích, mà không cần trung chuyển qua lãnh thổ U-crai-na. Ðối với nhiều nước Liên hiệp châu Âu (EU), dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hứa hẹn bảo đảm nguồn cung khí đốt từ Nga được thông suốt, mà không phụ thuộc tình trạng quan hệ giữa Mát-xcơ-va và Ki-ép. Trong đó, Ðức được xem là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất, bởi khi dự án hoàn thành, Béc-lin có thể gia tăng vị thế tại châu Âu, với tư cách là quốc gia phân phối năng lượng của Nga tại EU. Vì vậy, mặc dù vấp phải sự phản đối của một số quốc gia và đảng phái trong nước, dự án vẫn được Chính phủ Ðức “bật đèn xanh”.

Ðối với Nga, việc thực thi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ góp phần khẳng định vai trò và tầm ảnh hưởng của “xứ sở bạch dương” tại châu Âu, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế nước này. Mặc dù trong những năm gần đây, Mát-xcơ-va đang tích cực đa dạng hóa nền kinh tế nhưng với việc sở hữu trữ lượng khí đốt dồi dào, xuất khẩu năng lượng tiếp tục chiếm vị trí không nhỏ trong nguồn thu ngân sách. Vì vậy, việc củng cố thị trường tiêu thụ năng lượng rộng lớn tại châu Âu là một trong những mục tiêu quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế của Nga.

Tuy nhiên, việc triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vấp phải sự phản đối của một số quốc gia. Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Ðức Méc-ken hôm 10-4 vừa qua, Tổng thống U-crai-na P.Pô-rô-sen-cô kêu gọi Béc-lin xem xét lại lập trường về dự án khi cho rằng, việc trung chuyển khí đốt Nga vào EU qua U-crai-na có lợi hơn, vì hệ thống vận chuyển khí đốt của U-crai-na có thể được hiện đại hóa dễ dàng, với giá thành rẻ. Các chuyên gia nhận định, không khó để lý giải phản ứng của Ki-ép. Nếu dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành, vai trò truyền thống của U-crai-na, như một quốc gia trung chuyển chính cho hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu, sẽ bị suy yếu. Năm 2017, hơn 93 tỷ m3 khí đốt đã được vận chuyển từ Nga sang châu Âu qua lãnh thổ U-crai-na. Ngoài ra, đối với U-crai-na, việc triển khai dự án còn gây ảnh hưởng nền kinh tế nước này. Dự án thành công đồng nghĩa việc Nga sẽ dần giảm lượng khí đốt vận chuyển đến châu Âu qua lãnh thổ U-crai-na, khiến Ki-ép mất khoảng hai tỷ USD/năm lệ phí trung chuyển. Ðây là con số không hề nhỏ, trong bối cảnh U-crai-na đang gánh chịu nhiều thiệt hại do cuộc xung đột ở miền đông.

Ngoài ra, Mỹ cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong việc tẩy chay dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Bên cạnh mối lo dự án có thể khiến châu Âu phụ thuộc nguồn cung năng lượng từ Nga, Mỹ đang nuôi tham vọng mở rộng thị trường xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng sang “lục địa già”. Các nước Ba Lan, Xlô-va-ki-a và một số nước Ðông Âu khác cũng kịch liệt phản đối với lý do, dự án có thể gây bất ổn địa chính trị tại khu vực Trung và Ðông Âu.

Các nhà quan sát nhận định, bất chấp những mâu thuẫn hiện nay, việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sẽ giúp châu Âu có nguồn cung ổn định với mức giá hợp lý, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho khu vực. Vượt qua hai rào cản lớn là Ðức và Phần Lan, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hiện chỉ cần sự chấp thuận của Ðan Mạch và Thụy Ðiển, để có thể triển khai. Sự ủng hộ của Ðức, quốc gia đầu tàu EU, được hy vọng sẽ tạo tác động tích cực đối với những quyết định sắp tới của Ðan Mạch và Thụy Ðiển.

HIẾU THIỆN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/36113802-trien-vong-khai-thong-dong-chay-phuong-bac-2.html