Triển vọng lớn từ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) được cho sẽ giúp các nước thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng công bằng, nhanh chóng giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, than đá để mở rộng sang các nguồn năng lượng sạch và có khả năng tái tạo. Quá trình chuyển đổi này không chỉ là hành động ứng phó biển đối khí hậu mạnh mẽ, giới hạn mức ấm lên toàn cầu, mà còn giúp nền kinh tế phát triển, tạo ra các việc làm có kỹ năng mới, giảm ô nhiễm, tạo dựng một tương lai tươi sáng và bền vững hơn.

Một trang trại năng lượng mặt trời ở Nam Phi. Ảnh: Afrik21

JETP được xây dựng dựa trên Quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII) của Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) do Anh khởi xướng nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Trọng tâm của JETP là đảm bảo quá trình chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch được công bằng. Mô hình JETP đã được giới thiệu lần đầu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11-2021.

Nam Phi xung phong

Nam Phi là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 13 thế giới. Nước này dựa vào than đá để cung cấp 70% nguồn năng lượng. Trong nỗ lực hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng ở các nền kinh tế mới nổi, Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết với Chính phủ Nam Phi thỏa thuận JETP trị giá 8,5 tỉ USD nhằm mục đích đẩy nhanh việc loại bỏ dần hoạt động sản xuất điện bằng than của quốc gia châu Phi này, khuyến khích dòng đầu tư năng lượng sạch đồng thời giải quyết các mối quan tâm xã hội liên quan.

Là một phần của thỏa thuận JETP, Chính phủ Nam Phi và Nhóm đối tác quốc tế (IPG) đồng ý xây dựng kế hoạch đầu tư để xác định các dự án khử cacbon quan trọng. Tuy nhiên, trong khi kế hoạch đầu tư này quyết định việc phân bổ vốn cho JETP thì giá trị tiềm ẩn của nó nằm ở những cải cách tương ứng mà Nam Phi phải thực hiện để tối đa hóa tác động của thỏa thuận. Những cải cách này có khả năng nâng tầm quan hệ đối tác từ việc cấp vốn cơ sở hạ tầng một lần thành kênh đầu tư bền vững cho khu vực tư nhân và đã mang về thành công, đặc biệt là trong việc tự do hóa thị trường phát điện của Nam Phi. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hồi tháng 8-2021 thông báo rằng ngưỡng mà các công ty có thể tự sản xuất điện mà không cần giấy phép sẽ tăng từ mức 1 megawatt lên mức 100 megawatt. Kể từ khi được áp dụng, sự thay đổi này đã thúc đẩy sự phát triển của các dự án có tổng công suất khoảng 4,5 gigawatt, gồm 2 dự án năng lượng mặt trời với công suất 100 megawatt.

Một cải cách khác là đề xuất thành lập cơ quan điều hành hệ thống độc lập Nam Phi nhằm tạo ra thị trường phát điện cạnh tranh. Dù văn bản luật vẫn chưa được hoàn thiện nhưng nếu thành công, kế hoạch này sẽ phá vỡ thế độc quyền của công ty điện lực công cộng Nam Phi Eskom trên thị trường điện, từ đó làm tăng niềm tin của nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch của Nam Phi.

Ngoài ra, gói tài trợ của JETP cũng tạo cơ hội cho các ngân hàng phát triển đa phương cũng như các tổ chức tài chính thử nghiệm các cơ chế tài chính mới, từ đó có thể giảm thiểu rủi ro cho các khoản đầu tư năng lượng sạch và hy vọng sẽ thu hút các nhà phát triển cho các dự án chuyển đổi cần thiết.

Song, JETP có vẻ không đủ để chuyển đổi ngành năng lượng của Nam Phi khỏi than đá. Dù JETP trị giá 8,5 tỉ USD nhưng Eskom ước tính rằng nước này sẽ cần tới 27 tỉ USD để bắt đầu chuyển đổi khỏi than đá trong những năm tới.

Indonesia hưởng ứng

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) hồi giữa tháng 11 ở Bali, chính phủ nước chủ nhà Indonesia và lãnh đạo các nước đối tác đã cùng nhau tham dự công bố thỏa thuận JETP mới do Indonesia đề xuất.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau lễ công bố JETP mới, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết: “Đối tác này nhằm hỗ trợ mục tiêu tham vọng của Indonesia về ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm các đầu tư từ đối tác quốc tế trong đó huy động 20 tỉ USD cho Indonesia trong 3-5 năm tới”.

Nguồn tài chính cho JETP mới với Indonesia kết hợp từ các khoản viện trợ không hoàn lại, các khoản vay ưu đãi, các khoản bảo lãnh, đầu tư công và tư…của các thành viên IPG do Mỹ và Nhật Bản dẫn dắt và từ Liên minh Tài chính Glasgow vì Net Zero. Ở giai đoạn đầu, Mỹ và Nhật Bản là những nước tài trợ chính.

Là một trong 10 quốc gia phát khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới, Indonesia đặt mục tiêu ngừng sử dụng than đá vào năm 2035 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này. JETP được coi là một cam kết chính trị lâu dài giữa Chính phủ Indonesia và IPG. Là một phần của thỏa thuận, Indonesia cam kết đảm bảo giảm lượng khí thải từ ngành điện của nước này bắt đầu từ năm 2030. Được biết, Indonesia đã đẩy mạnh mục tiêu ngành sản xuất điện phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đất nước “vạn đảo” Indonesia có dân số đông thứ 4 thế giới với 274 triệu người. Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á với GDP đạt khoảng 1.290 tỉ USD, đứng hàng thứ 17 thế giới. Tỷ lệ sử dụng than đá tại các nhà máy điện ở nước này chiếm 56%.

Cả Nam Phi và Indonesia đều có tiềm năng về năng lượng mặt trời và gió đáng kể. Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế đánh giá Nam Phi có thể cung cấp 49% lượng điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, trong khi Indonesia có thể đạt được mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo 31% vào thời điểm đó.

Cơ hội lớn cho Việt Nam ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Ngày 14-12, các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế (IPG), bao gồm Liên minh châu Âu, Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã thông qua Tuyên bố Chính trị về Quan hệ đối tác về Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) ở Việt Nam. Việt Nam là quốc gia thứ ba triển khai JETP, sau Nam Phi và Indonesia.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng đại diện các đối tác quốc tế trong buổi lễ Thông qua Tuyên bố Chính trị JETP Việt Nam tại Brussels, Bỉ, ngày 14-12. Ảnh: Bộ TN&MT

Trọng tâm của JETP là đảm bảo quá trình chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch diễn ra công bằng, không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu mà còn đảm bảo một tương lai thịnh vượng, giảm tác động của ô nhiễm, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như tạo việc làm mới. Điều quan trọng là các thành phần trong xã hội đều được tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh, ở tất cả các giai đoạn và không ai bị bỏ lại phía sau.

JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu tham vọng về đạt phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, đẩy nhanh tốc độ đạt đến đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. JETP ban đầu sẽ huy động 15,5 tỉ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3-5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam hướng tới một số mục tiêu: 1) đưa thời điểm đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến ở Việt Nam từ năm 2035 thành năm 2030; 2) giảm phát thải đỉnh của ngành điện tối đa là 30% đến năm 2030, từ 240 triệu tấn CO2 xuống 170 triệu tấn CO2; 3) giảm công suất điện than của Việt Nam từ mức 37 GW theo kế hoạch hiện tại xuống còn 30,2 GW; 4) đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo để năng lượng tái tạo chiếm 47% tổng lượng điện được tạo ra đến năm 2030 (so với tỷ trọng hoạch định hiện nay là 36%).

Những đóng góp ban đầu cho JETP Việt Nam bao gồm 7,75 tỉ USD cam kết từ IPG, Ngân hàng Phát triển châu Á và Tập đoàn Tài chính Quốc tế. Bên cạnh đó là cam kết huy động và tạo điều kiện thuận lợi cho khoản đầu tư đối ứng từ tư nhân trị giá 7,75 tỉ USD từ một nhóm tổ chức tài chính tư nhân tham gia trong giai đoạn đầu do Liên minh Tài chính Glasgow vì Net Zero điều phối.

Trong vòng 12 tháng tới, Việt Nam sẽ làm việc với các nước đối tác để xây dựng và thông qua Kế hoạch huy động nguồn lực của JETP Việt Nam; kế hoạch này sẽ tạo điều kiện thực hiện tài trợ và chiến lược của JETP.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/trien-vong-lon-tu-doi-tac-chuyen-doi-nang-luong-cong-bang-a154734.html