Triển vọng thu hút đầu tư tại Đông - Nam Á

Theo kết quả khảo sát mới đây của Diễn đàn Tài chính châu Á (AFF), Đông - Nam Á là điểm đầu tư tốt nhất trong năm 2019, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều rủi ro từ các cuộc chiến thương mại. Hiện các nước trong khu vực Đông - Nam Á đang tích cực triển khai những sáng kiến để tháo gỡ lực cản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2019.

Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ô-tô của Nhật Bản đặt ở thành phố Lem Cha-bay, Thái-lan.

Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ô-tô của Nhật Bản đặt ở thành phố Lem Cha-bay, Thái-lan.

Truyền thông Trung Quốc dẫn kết quả khảo sát của AFF cho biết, Đông - Nam Á đã vượt Trung Quốc trở thành điểm đầu tư mang lại lợi nhuận tốt nhất trong năm 2019. Cụ thể, 39% số người được hỏi xem Đông - Nam Á là khu vực đầu tư tốt nhất, trong khi đó, có 35% số người được hỏi lựa chọn Trung Quốc và 16% chọn Mỹ. Trong số các nước ASEAN thì Việt Nam, Indonesia và Singapore là những quốc gia được giới đầu tư hết sức quan tâm. Theo Chủ tịch Công ty kiểm toán PwC phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương R.Chao, căn cứ kết quả khảo sát trên nhóm các giám đốc điều hành của thế giới, năm 2019, Việt Nam được nhận định là điểm đến đầu tư hàng đầu trong khu vực châu Á.

Giới chuyên gia kinh tế đánh giá, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể mở ra cơ hội cho nền kinh tế Đông - Nam Á. Sự thay đổi môi trường kinh doanh quốc tế đang đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch đầu tư của doanh nghiệp các nước, trong đó có Nhật Bản, vào khu vực Đông - Nam Á. Theo Phó Chủ tịch điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Y.Xa-tô, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty Nhật Bản nhưng vẫn gián tiếp gây ra những tác động tiêu cực như gây tâm lý bất ổn, giảm triển vọng lợi nhuận… Đây chính là yếu tố thúc đẩy sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của Nhật Bản sang các thị trường ổn định ở khu vực Đông - Nam Á. Xu hướng dịch chuyển nêu trên của Nhật Bản được nhận định sẽ duy trì trong những năm tới.

Bên cạnh những cơ hội, năm 2019, các nền kinh tế Đông - Nam Á phải đối mặt nhiều thách thức lớn, như ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED)… Đó là chưa kể, trong năm nay, tại Đông - Nam Á sẽ diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng như tổng tuyển cử ở Thái-lan, bầu cử tổng thống ở Indonesia… Kết quả các cuộc bầu cử này có khả năng ảnh hưởng đến ngành du lịch và tâm lý các nhà đầu tư trong khu vực. Bởi vậy, các nền kinh tế khu vực cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng để chống chọi những ảnh hưởng tiêu cực trong tương lai.

Biện pháp quan trọng giúp các nước Đông - Nam Á đương đầu những lực cản kinh tế trong năm 2019 là ưu tiên triển khai Tầm nhìn Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 (AEC 2025) và hoàn tất quá trình đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là những yếu tố giúp các nền kinh tế khu vực có sức bền và dễ dàng chống chọi các thách thức. Bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN giữa tháng 11-2018 ở Singapore, các thành viên ASEAN nhấn mạnh việc thúc đẩy hoàn tất tiến trình đàm phán RCEP vào năm 2019, đồng thời nêu rõ, việc các nước đạt được một thỏa thuận trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hứng chịu những “cơn gió ngược” là yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào nửa đầu năm 2019 tại một số nước tham gia RCEP có thể ảnh hưởng đến thời gian hoàn tất đàm phán hiệp định này.

Mặc dù đối mặt nhiều rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, kế hoạch tăng lãi suất của FED…, thời gian tới, khu vực Đông - Nam Á vẫn được coi là một điểm đầu tư đầy triển vọng của các nhà đầu tư trên thế giới. Việc các nước trong khu vực quyết tâm thúc đẩy sáng kiến kết nối kinh tế sẽ là “chìa khóa” giúp khu vực này vượt qua những rào cản, tận dụng tốt các cơ hội của mình.

BẢO BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/39213902-trien-vong-thu-hut-dau-tu-tai-dong-nam-a.html