Triển vọng từ vaccine ngừa ung thư mới

Lĩnh vực chế tạo vaccine ngừa ung thư trong những năm qua đã đạt được nhiều bước tiến mới.

Hình minh họa.

Tại diễn đàn công nghệ tương lai diễn ra ở Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố rằng: "Các nhà khoa học Nga sắp phát triển được vaccine ung thư và thế hệ thuốc điều hòa miễn dịch mới sẽ sớm có mặt để cung cấp cho bệnh nhân".

Thực tế cho thấy, hơn một nửa số trường hợp ung thư ở Nga được phát hiện ở giai đoạn đầu, thời điểm thuận lợi nhất cho việc chẩn đoán. Những tiến bộ về y học ở Nga cho thấy công nghệ y sinh đã có nhiều bước tiến đột phá và ngày càng biến những ý tưởng như trong phim khoa học trở thành hiện thực.

Tuy Nga chưa công bố vaccine sẽ có hiệu quả với loại ung thư nào, tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm lúc này hiệu quả vaccine cá nhân hóa như kỳ vọng mà Tổng thống Putin hướng tới.

Tiến sĩ Lê Thái Minh Duy - Trợ lý giáo sư Ngành công nghệ sinh học nano, Đại học Hanyang, Seoul, Hàn Quốc - cho biết: "Vaccine ung thư là phương pháp điều trị ung thư có tiềm năng lớn bằng việc kích thích hệ miễn dịch nhận diện và tấn công tế bào ung thư. Có nhiều loại vaccine ung thư khác nhau đã được phát triển, loại đầu tiên là vaccine phòng ngừa, những vaccine này nhằm mục đích ngăn ngừa ung thư phát triển ở những người khỏe mạnh, bằng cách nhắm mục tiêu vào các virus hoặc các yếu tố gây ung thư. Ví dụ vaccine HPV giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung ở người. Loại thứ hai là vaccine điều trị, những vaccine này được thiết kế để điều trị bệnh ung thư bằng cách tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các tế bào ung thư… Loại thứ ba là vaccine cá nhân hóa còn được gọi là vắc xin tân kháng nguyên, những loại vaccine này được điều chỉnh phù hợp với những loại ung thư cụ thể của từng người. Chúng được thiết kế để nhắm đến các đột biến hoặc các protein đặc biệt hiện diện trên bề mặt của tế bào ung thư. Do dự đột biến của tế bào ung thư nên rất khó để một loại vaccine có thể dùng để điều trị nhiều loại ung thư khác nhau cùng một lúc. Tuy nhiên, phương pháp vaccine cá nhân hóa có thể được dùng để điều chỉnh để điều trị từng loại ung thư cụ thể của từng người bệnh".

Hiện nay, ngoài Nga, một số quốc gia, công ty trên thế giới đang phát triển vaccine ngừa ung thư. Vào năm 2023, chính phủ Anh đã ký thỏa thuận với công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức để triển khai các thử nghiệm lâm sàng nhằm cung cấp phương pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa với mục tiêu mang lại lợi ích cho 10.000 bệnh nhân vào năm 2030.

Tiến sĩ Minh Duy cho biết thêm: "Các nghiên cứu mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã giúp các nhà khoa học hiểu về các đột biến tốt hơn, từ đó có thể thiết kế các phương pháp vaccine ung thư hiệu quả trong tương lai. Tuy nhiên, để có thể đưa những phương pháp vaccine ung thư này đại trà đến người dân thì còn cần nhiều nghiên cứu phía trước. Những nghiên cứu phải được đánh giá hiệu quả an toàn trên diện rộng với số lượng bệnh nhân hồi phục cao, dễ thực hiện và không tốn nhiều chi phí".

Các nghiên cứu về vaccine ung thư chưa bao giờ bị gián đoạn trong 30 năm qua. Khi tỷ lệ mắc bệnh ung thư ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia, những thành tựu dù là chỉ ở thử nghiệm giai đoạn đầu cũng khiến cộng đồng quốc tế vô cùng quan tâm.

(VTV.vn)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/trien-vong-tu-vaccine-ngua-ung-thu-moi/d202402222141128.htm