Triển vọng xanh hóa nền kinh tế từ hydro ở châu Á

'Hydro xanh để khử carbon cho các gã khổng lồ công nghiệp châu Á' là tên báo cáo gần đây của tổ chức theo dõi sử dụng năng lượng hiệu quả toàn cầu (GEI). Theo đó, GEI nhấn mạnh vai trò quan trọng của hydro xanh trong việc giúp các nền kinh tế lớn nhất châu Á gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Bồn chứa khí hydro tại khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh: THX

Các tác giả của báo cáo cho rằng, áp dụng công nghệ hydro xanh có thể cắt giảm đáng kể lượng khí thải trong các ngành công nghiệp quan trọng, thông qua thay thế các quy trình truyền thống nặng khí thải carbon bằng quy trình chạy bằng năng lượng tái tạo. Báo cáo kêu gọi các nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan trong ngành, nhà đầu tư và các tổ chức tư vấn đẩy nhanh việc áp dụng sản xuất hydro xanh và máy điện phân, vạch ra các chiến lược nhằm thúc đẩy một hệ sinh thái hỗ trợ cho việc sản xuất và sử dụng hydro xanh trên toàn bộ các ngành công nghiệp châu Á.

Tại Ấn Độ, với cam kết độc lập về năng lượng vào năm 2047 và đạt mức khí thải CO2 bằng 0 vào năm 2070, hydro được xem là loại năng lượng đầy hứa hẹn của nước này với tốc độ tăng trưởng sản lượng khí hydro hàng năm dự kiến là 16%.

Hàn Quốc với tham vọng lớn hơn khi mục tiêu đưa khí hydro chiếm 1/3 tổng số năng lượng sản xuất vào năm 2050, biến loại khí này trở thành nguồn năng lượng lớn nhất của xứ sở kim chi. Trong năm tài khóa 2021, chi tiêu cho các dự án hydro của Chính phủ Hàn Quốc đạt tổng cộng gần 702 triệu USD, cùng với 2,3 tỷ USD nữa được bơm vào thị trường xe điện chạy bằng pin nhiên liệu hydro cuối năm 2022. Nếu thành công, hydro có thể mang lại cho đất nước Hàn Quốc 43.000 tỷ won (34,9 tỷ USD), khoảng 2% GDP quốc gia cũng như tạo ra 420.000 việc làm mới.

Theo báo cáo do Văn phòng bằng sáng chế châu Âu và Cơ quan Năng lượng quốc tế công bố, Nhật Bản đứng đầu thế giới khi chiếm 24% số đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến hydro trên toàn thế giới từ năm 2011 đến năm 2020. Báo cáo nhấn mạnh vị trí của Nhật Bản là nhà đổi mới về hydro với lợi thế công nghệ khi nước này phát triển và áp dụng các công nghệ mới đi trước thời đại. Tháng 6-2023, Chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi Chiến lược hydro nhằm xác định 9 công nghệ chủ chốt, bao gồm pin nhiên liệu và thiết bị điện phân nước. Tokyo đã quyết định đầu tư hơn 15.000 tỷ yen (98,8 tỷ USD) trong 15 năm tới nhằm mục đích tăng mức sử dụng hydro lên 12 triệu tấn mỗi năm vào năm 2040.

Với Trung Quốc, việc mở rộng sử dụng hydro xanh, amoniac và ethanol sẽ rất quan trọng để Trung Quốc đạt được mức cắt giảm sâu lượng khí thải carbon, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng trong nước. Các chuyên gia nước này tin rằng, hydro xanh, ethanol và amoniac có thể là chìa khóa thành công của các mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Chi phí sản xuất hydro xanh của Trung Quốc đang giảm do đột phá công nghệ ngày càng tăng, trong khi đầu tư lớn hơn để hỗ trợ đổi mới công nghệ có thể giúp giảm thêm chi phí sản xuất.

Theo báo cáo, nếu các quốc gia trên cam kết toàn tâm với mục tiêu khí thải CO2 bằng 0, thị trường máy điện phân thiết yếu để sản xuất hydro xanh có thể mở rộng lên 180 tỷ USD vào năm 2050. Điều này sẽ dẫn đến sự tăng trưởng đáng kể với tốc độ hàng năm dự kiến là 12% từ năm 2030 đến năm 2040.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trien-vong-xanh-hoa-nen-kinh-te-tu-hydro-o-chau-a-post735893.html