Triết lý của doanh nhân xuất gia 77 tuổi 'tái sinh' Hãng hàng không Japan Airlines

Khi vẫn còn thuộc sở hữu Nhà nước, Hãng hàng không Nhật Bản (Japan Airlines) không phải chịu áp lực của thế giới bên ngoài nên đã mắc phải một số 'thói quen' xấu. Sau khi tư nhân hóa, họ thiếu bản năng sinh tồn trong thị trường mở và kinh nghiệm cần thiết để xử lý khủng hoảng bất ngờ. Nhưng may mắn, Japan Airlines được lôi lên từ đáy vực và 'tái sinh' nhờ một nhà sư, một doanh nhân với triết lý quản lý độc đáo.

Japan Airlines đã mở rộng nhiều đường bay quốc tế hơn kể từ khi được vực dậy sau phá sản

Những năm 1980, Japan Airlines là hãng hàng không với 5 năm liên tiếp dẫn đầu thế giới về số lượng vận tải hành khách và hàng hóa, đỉnh cao là đội máy bay Boeing 747 lớn nhất trong ngành công nghiệp này. Nhưng sau đó, mọi chuyện xảy ra đã trở thành một ví dụ kinh điển về những gì có thể xảy ra đối với một hãng hàng không. Sau khi tư nhân hóa, Japan Airlines vấp phải liên tiếp vấn đề trong nội bộ cũng như các chuỗi sự kiện toàn cầu và bị chìm trong khối nợ 2,32 nghìn tỷ Yên, gấp hơn 100 lần trị giá tài sản được định giá của nó.

Japan Airlines đã buộc phải để 100 chiếc máy bay ngừng hoạt động và cắt giảm gần 50 tuyến bay sau khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản năm 2010, là vụ phá sản lớn nhất ngoài ngành tài chính ở Nhật Bản. Giữa lúc đó, vị cứu tinh của Japan Airlines đã xuất hiện - đó là nhà sư Kazuo Inamori (77 tuổi), người trở thành Chủ tịch và Giám đốc điều hành của hãng khi chưa hề có kinh nghiệm trong ngành hàng không. Và như có một phép màu, ông đã biến Japan Airlines thành hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất thế giới trong vòng 2 năm.

Hậu quả của đầu tư ngoài ngành

Ông Hiroshi Sugie, cựu phi công của Japan Airlines trong gần 40 năm, nhớ lại thời kỳ khủng hoảng của hãng nổ ra khi ban quản lý mở rộng các kế hoạch đầy tham vọng và đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành, chẳng hạn như khách sạn Essex House ở Manhattan, New York được Japan Airlines mua lại vào giữa thập kỷ 1980 với giá 190 triệu USD, sau đó chi tiếp 100 triệu USD cho việc cải tạo. “Ngay cả các phòng lúc nào cũng kín khách trong vòng 30 năm thì tiền thu về vẫn là không lợi nhuận”, ông Sugie nói.

“Ưu tiên hàng đầu và quan trọng nhất của ông Kazuo Inamori là phúc lợi cho nhân viên, và đây là triết lý quản lý của ông. Bên cạnh đó, ông cũng vô cùng kỹ tính với các số liệu. Đây là những lý do căn bản khiến công ty có thể thay đổi nhanh chóng. Gốc rễ là vấn đề bộ não và cam kết”.

Ông Hideo Seto (Nguyên Chủ tịch Tập đoàn Sáng kiến Doanh nghiệp Nhật Bản)

Danh mục tài sản của hãng ngày càng tăng ngay trước khi nền kinh tế Nhật Bản bị chao đảo khiến cho Japan Airlines rơi vào khủng hoảng. Năm 1992, công ty thua lỗ 53,8 tỷ Yên sau khi tư nhân hóa hoàn toàn vào năm 1987. Đó cũng là lần đầu tiên trong 7 năm thua lỗ, Japan Airlines phải cắt giảm lực lượng nhân công và bán một số tài sản, bao gồm cả khách sạn Essex House.

Nhưng đầu tư vào quá nhiều lĩnh vực vượt quá năng lực cốt lõi chỉ là vấn đề đầu tiên mà Japan Airlines gặp phải. Một loạt biến cố trên toàn cầu sớm khiến các hãng hàng không lâm vào cảnh khó khăn: Đó là cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, rồi năm 2003, nổ ra chiến tranh Iraq và sự bùng phát của Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Khi số lượng hành khách liên tục sụt giảm, biên độ lợi nhuận vốn nhỏ bé của JAL bị xóa sạch. Bên cạnh cú sốc từ bên ngoài, hãng hàng không này cũng phải cạnh tranh gay gắt với All Nippon Airways để tăng thêm doanh thu ở thị trường nội địa.

Ông Kazuo Inamori là người đã xuất gia theo đạo Phật năm 1997

Nợ nần dẫn đến phá sản

Trong một thỏa thuận sáp nhập vào năm 2002, Japan Airlines đã mua lại hãng hàng không lớn thứ 3 của Nhật Bản - Japan Air System - chuyên bay các tuyến đường ngắn địa phương. Nhưng hội đồng quản trị đã không nhận ra rằng bước đi đó chỉ thêm tốn kém và thiếu hiệu quả. Khi khai thác những tuyến bay nội địa ngắn, những chiếc máy bay lớn như 747 lại cũng không phù hợp nên rất nhiều chuyến bay của họ trống ghế.

“Đột nhiên có thêm các dòng máy bay của hãng khác, chẳng hạn (như McDonnell Douglas hay Airbus) có nghĩa là bạn phải có thêm nhiều phụ tùng và phi hành đoàn. Ở Nhật Bản, phi hành đoàn không được cấp phép bay nhiều loại máy bay khác nhau. Vì vậy, khả năng tráo đổi máy bay hay phi hành đoàn khi cần thiết là không thể”, Philip Zerrillo, Giáo sư ngành marketing thuộc trường Đại học Quản lý Singapore (SMU) nhận định.

Những gì công ty cố gắng gỡ rối lúc đó là vay mượn. Nhưng ngay sau đó, khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Năm 2010, Japan Airlines phá sản, buộc phải cắt giảm 15.700 việc làm, tương đương tới 30% quỹ tiền lương, nhận một khoản cứu trợ cuối cùng là 900 tỷ Yên và được xóa một số khoản nợ, với điều kiện phải cơ cấu lại.

Với quan điểm, tiền ném ra để sửa sai sẽ không bao giờ là đủ nếu không có ai đó đủ năng lực để “thay máu” Japan Airlines, Tập đoàn Sáng kiến Doanh nghiệp Nhật Bản (Etic), đơn vị được ủy thác cơ cấu lại JAL đã tìm một mẫu nhà quản lý mới. “Các hãng hàng không vận hành theo phong cách quản lý bán Nhà nước. Vì vậy, nhà lãnh đạo mới phải đưa ra thứ phá vỡ khuôn mẫu đó. Chúng tôi cần một nhà lãnh đạo kiểu khác, người có thể tạo ra giá trị mới, có quyền năng và muốn tốt cho mọi người”, cựu Chủ tịch Ủy ban Etic Hideo Seto giải thích.

Triết lý và giải pháp của doanh nhân xuất gia

Nhân vật được tìm ra là ông Kazuo Inamori, người sáng lập Tập đoàn đa ngành Kyocera, nhà cố vấn có quyền hạn cao nhất của Hãng cung cấp dịch vụ mạng viễn thông KDDI . “Nếu không thay đổi cách suy nghĩ, các nhà quản lý của Japan Airlines thậm chí còn không quản lý nổi một cửa hàng tạp hóa”, ông Inamori đã thẳng thắn nhận định như vậy.

Ông Inamori, xuất gia theo đạo Phật vào năm 1997, là người nổi tiếng trong các thử thách kinh doanh và đặt mọi người lên trước lợi nhuận, một triết lý mà tỷ phú này thể hiện bằng cách không nhận lương tại Japan Airlines. “Việc tôi làm không lương đã ảnh hưởng đến nhân viên. Họ có thể thấy rằng tôi đã hết mình để xây dựng lại công ty như thế nào, mặc dù trước đây tôi không có mối liên quan nào với Japan Airlines”, ông nói với South China Morning Post vài năm sau đó.

Để gỡ rối cho Japan Airlines, ông Inamori đã sử dụng hệ thống quản lý Amoeba mà ông đã áp dụng với Kyocera. Thay vì các quyết định luôn áp đặt từ trên xuống, lực lượng lao động của hãng hàng không được chia thành các đơn vị nhỏ, mỗi đơn vị có một nhà lãnh đạo được phân quyền ở một mức độ tự do nhất định. Ông Inamori đã xem xét kỹ lưỡng con số của từng bộ phận và sự dịch chuyển của các con số mỗi tháng, nếu không có sự cải thiện nào, nguyên nhân và giải pháp được đặt ra.

Không còn phải che giấu hiệu suất kém trong hệ thống phân cấp cứng nhắc, Japan Airlines vẫn ưu tiên hàng đầu là chất lượng dịch vụ khách hàng và an toàn trong khi chi phí đã được cắt giảm. Trong năm tài chính 2011-12, Japan Airlines được công nhận là hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất thế giới. Lợi nhuận của nó là 186,6 tỷ yên, đúng như một phép lạ. Tại đợt chào bán cổ phiếu công khai đầu tiên vào tháng 9-2012, Japan Airlines đã thu được 663 tỷ USD tại Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo - IPO lớn thứ hai trên toàn thế giới vào năm đó sau Facebook. Công ty đã mua lại máy bay mới dòng Boeing 787 tiết kiệm nhiên liệu hơn và mở thêm nhiều đường bay hơn như Bắc Mỹ, Trung Đông, châu Phi và Trung Á.

Hoàn thành việc sắp xếp lại nhân sự và giải quyết vấn đề tài chính, ông Inamori đã rời khỏi hội đồng Japan Airlines năm 2013 và trở thành cố vấn danh dự của hãng vào năm 2015. Hiện tại, hãng đang phải đối mặt với thách thức từ các hãng hàng không giá rẻ trên các chuyến bay đường dài và trung bình nhưng Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 hứa hẹn mang đến cho họ cơ hội tăng doanh thu. Và điều quan trọng là, nhịp tăng trưởng đều sẽ vẫn giữ cho hãng hoạt động ổn định trước những khó khăn mới.

Ông Kazuo Inamori là người sáng lập Tập đoàn đa ngành Kyocera, nhà cố vấn có quyền hạn cao nhất của Hãng cung cấp dịch vụ mạng viễn thông KDDI. Nổi tiếng trong các thử thách kinh doanh nhưng cũng là người xuất gia theo đạo Phật vào năm 1997, ông Inamori luôn đặt mọi người lên trước lợi nhuận - một triết lý được tỷ phú này thể hiện bằng cách không nhận lương tại Japan Airlines. Điều kỳ diệu xảy ra khi chỉ trong vòng 2 năm sau khi nhận lời trở thành Chủ tịch và Giám đốc điều hành của hãng hàng không Japan Airlines mặc dù chưa hề có kinh nghiệm trong ngành này, ông Kazuo Inamori đã biến Japan Airlines thành hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất thế giới.

Yến Chi (Theo Channel News Asia)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/triet-ly-cua-doanh-nhan-xuat-gia-77-tuoi-tai-sinh-hang-hang-khong-japan-airlines/794195.antd