Triết lý nhân sinh, triết lý sống và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, trong bản văn Di chúc 1000 từ để lại, triết lý nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là triết lý sống và hành động, triết lý ở đời và làm người, kết hợp nhuần nhuyễn chất dân gian và trí tuệ bác học, truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế ở tầm thời đại.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Triết lý Hồ Chí Minh là sự biểu hiện tư tưởng của Người. Cùng với tư tưởng còn là đạo đức và phong cách rất nổi bật và đặc sắc của Người. Cô đọng và hàm súc, giản dị mà sâu sắc, đời thường mà vĩ đại.

Suốt đời nghĩ về nhân dân

GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận trung ương - khẳng định: Triết lý nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tinh thần chủ động, tỉnh táo, sáng suốt nhận rõ cái hữu hạn của đời người để sống hết mình và khi từ biệt thế giới này không có điều gì hối hận.

Ông Bảo cho biết, trong bản viết đầu tiên, tháng 5.1965, với tuổi 75, Người tự thấy mình “đã là lớp người xưa nay hiếm”, đúng như Đỗ Phủ, nhà thơ nổi tiếng đời nhà Đường đã nói “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Nói tới sự ra đi của một bản thể hữu hạn, Người tỏ rõ sự thanh thản “ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm mấy tháng nữa”.

Người không hề nói một từ nào trong Di chúc về cái chết. Người gọi cái kết cục tất yếu ấy của đời người bằng lời lẽ chủ động “Tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”. Người chủ động “để lại mấy lời này” để “đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”.

Ngày 10.5.1969, trong lần sửa cuối cùng, Người lại có cách diễn đạt khác, thừa nhận một thực tế “sức khỏe có kém so với vài năm trước đây” nhưng “tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt”.

79 tuổi, Người vẫn không nghĩ tới tuổi già. Trước đó, lúc 78 tuổi, Người vẫn làm thơ nói về bản thân mình trong tư thế ung dung, chủ động, sáng suốt của một con người suốt đời hành động.

“Trong lời văn của Người, Người đã không còn nhắc đến sự sống mà chỉ còn nỗi lo toan phục vụ đối với cách mạng - tổ quốc - nhân dân mà Người hết lòng yêu thương, phục vụ, dâng hiến. Người nuối tiếc, không phải được sống lâu hơn như lẽ thường tình ở đời mà là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa...

GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương. Ảnh Trần Vương

Tinh thần lạc quan trong triết lý sống

Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cũng khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiêu biểu cho tinh thần lạc quan, luôn hướng tới tương lai tươi sáng và triển vọng tốt đẹp. Người làm chủ hoàn cảnh, vượt lên hoàn cảnh.

Viết Di chúc vào dịp sinh nhật, cho nên, Người vui chứ không buồn, bởi sự sống vượt lên cái chết, sự sống mạnh hơn cái chết. Đó không chỉ là tinh thần lạc quan trong triết lý sống và hành động của Người mà còn thực sự là bản lĩnh văn hóa của Hồ Chí Minh.

Nhất quán như thế nên trong Di chúc, Người luôn khẳng định: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” (bản viết tháng 5.1965).

Triết lý nhân sinh, triết lý sống và hành động trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện cô đúc trong một tư tưởng lớn, cũng là mối quan tâm thường trực suốt đời người: “Trước tiên nói về Đảng” và “Đầu tiên là công việc với con người”.

Nhắc lại những sự kiện này để thấy sự nhất quán trong tư tưởng và sự thiết thực trong hành động của Người, suốt đời chăm lo tới cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.

VƯƠNG TRẦN (GHI)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/triet-ly-nhan-sinh-triet-ly-song-va-hanh-dong-cua-chu-tich-ho-chi-minh-734151.ldo