Triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích với việc giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay

Triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích Việt Nam được thể hiện một cách giản dị, mộc mạc qua những câu truyện kể của bà, của mẹ và được người dân truyền từ đời này qua đời khác. Thông qua những câu truyện đó ta thấy được những tư tưởng, quan điểm, triết lý của người Việt về con người, cuộc sống, mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, xã hội. Những triết lý giản dị của truyện cổ tích không chỉ đem lại niềm vui, tinh thần lạc quan, niềm tin vào cuộc sống mà còn có vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân sinh quan tích cực cho thế hệ trẻ hiện nay.

Triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích là hệ thống những tư tưởng, quan niệm của con người Việt Nam về cuộc sống, số phận của con người, về các giá trị của con người trong cuộc đời được thể hiện qua những câu truyện cổ tích. Triết lý nhân sinh của truyện cổ tích chứa đựng hệ giá trị văn hóa, nhân văn cốt lõi của dân tộc. Vì vậy, nó có tác dụng giáo dục con người, đặc biệt là thế hệ trẻ hướng tới hành vi, thái độ đạo đức phù hợp với chuẩn mực, có lối sống trong sáng, lành mạnh từ đó hình thành được nhân sinh quan tích cực.

Triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích giúp thế hệ trẻ hình thành nhân sinh quan tích cực trong mối quan hệ giữa con người với gia đình và cộng đồng

Mối quan hệ giữa những con người trong một gia đình. Mối quan hệ giữa những con người trong một gia đình được truyện cổ tích đề cập ở nhiều khía cạnh. Như mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái chủ yếu xoay quanh vấn đề chữ hiếu. Chữ hiếu được nhắc đến ở đây là việc con cái phải có trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ già. Trong một số truyện cổ tích (Cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày; Tiếc gà chôn mẹ), hay vấn đề quan hệ giữa người con gái đi lấy chồng với bố mẹ đẻ (Sự tích cái khăn tang) đều nhằm giáo dục tấm lòng hiếu thảo của phận làm con đối với bố mẹ, những người sinh thành và nuôi dưỡng mình.

Hay những câu truyện cổ tích về tình nghĩa anh, chị em ruột thịt (Cây khế, Sự tích trầu cau, Sọ sừa) mang ý nghĩa giáo dục về tình yêu thương của anh chị em trong một gia đình. Ngoài ra, truyện cổ tích còn đề cập cả vấn đề giáo dục đạo lý vợ chồng trong gia đình. Trong truyện cổ tích tình nghĩa vợ chồng chung thủy sẽ luôn vượt qua mọi khó khăn, cách trở, bền vững cùng không gian và thời gian. Đó là nàng Tô Thị (Sự tích đá Vọng Phu), là người vợ mòn mỏi tìm chồng trên đảo hoang (Sự tích con sam), là người vợ đảm đang yêu chồng tìm cách dạy chồng trở thành người lương thiện (Gái ngoan dạy chồng)… Xoay quanh mối quan hệ giữa những con người trong gia đình, triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích giúp thế hệ trẻ có cái nhìn đúng đắn, có những bài học về sự đối nhân xử thế đối với các thành viên trong gia đình, từ đó phát huy được các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống. Triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích Việt Nam về mối quan hệ giữa con người và gia đình chứa đầy đủ những giá trị truyền thống lâu đời của gia đình Việt Nam. Đồng thời cũng giúp hình thành những tư tưởng tiến bộ giúp các thành viên trong một gia đình hiện đại có sự gắn kết chặt chẽ hơn.

Mối quan hệ giữa con người với cộng đồng xã hội. Điểm nổi bật nhất trong triết lý nhân sinh về mối quan hệ với cộng đồng được thể hiện trong truyện cổ tích là tinh thần yêu nước, tính cố kết cộng đồng. Tinh thần yêu nước là truyền thống quý báu lâu đời của dân tộc ta. Lòng yêu nước mãnh liệt của dân tộc Việt Nam không tự nhiên mà có, nó được hình thành qua lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Để chống lại thiên tai, địch họa cùng các cuộc xâm lăng của ngoại bang nhân dân ta đã hình thành nên tính cố kết cộng đồng chặt chẽ, thể hiện rõ ràng trong các câu truyện cổ tích thời kỳ đầu dựng nước. Như truyện “Con rồng cháu tiên”, - câu truyện này giúp giáo dục cho thế hệ trẻ lòng tự tôn dân tộc, tự hào về nòi giống rồng tiên của mình. Lòng yêu nước còn tạo nên ý chí đấu tranh kiên cường cho dân tộc trước những cuộc xâm lăng của ngoại bang. Các hình tượng người anh hùng dân tộc xuất hiện trong các câu truyện cổ như Thánh Gióng, Yết Kiêu… chính là những hình tượng bất hủ góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ Việt Nam tinh thần yêu nước, tinh thần quả cảm quyết hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc. Trong truyện cổ tích Việt Nam, tính cố kết cộng đồng được biểu hiện rất rõ ràng qua từng câu chuyện. Các thành viên trong cộng đồng có sự đoàn kết giúp đỡ nhau, có tính tập thể rất cao. Đây cũng là một triết lý rất có giá trị đối với việc giáo dục thế hệ trẻ trong mối quan hệ với cộng đồng.

Triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích giúp thế hệ trẻ nâng cao sự tự ý thức, tự rèn luyện bản thân

Triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích Việt Nam có ý nghĩa quan trọng dối với việc rèn luyện bản thân của mỗi con người, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, nó khuyên con người biết sống nhân nghĩa, yêu lao động và lạc quan trước cuộc đời.

Truyện cổ tích luôn nhắc nhở con người sống có tình nghĩa, có trước sau. Đây là một triết lý nổi bật của truyện cổ tích Việt Nam. Có rất nhiểu truyện cổ tích như (Sự tích chim quốc; Bán tóc đãi bạn; Sự tích trầu cau…) khuyên răn con người phải sống trung thực (Thạch sanh; Cây khế...), sống nhân hậu, thương người (Sự tích con khỉ; Tấm Cám…), sống tự lập (Sự tích dưa hấu, Sự tích bánh chưng, bánh dày...), sống khoan dung độ lượng (Sọ dừa, Thạch sanh…). Trong truyện cổ tích, mảng đề tài ca ngợi lối sống trọng tình nghĩa gần như chiếm vị trí chủ đạo. Hình tượng con người tốt bụng, hiếu thảo, trọng tình trọng nghĩa, có ý thức cộng đồng được thể hiện trong truyện cổ tích Việt Nam đã để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc về đạo làm người.

Những tư tưởng nhân nghĩa là truyền thống tốt đẹp của dân tộc đồng thời cũng là những giá trị mà con người phải hướng đến để tự hoàn thiện bản thân. Để giáo dục thế hệ trẻ về cái thiện, cái tốt, đẩy lùi cái xấu, cái ác, đồng thời, giúp họ tự nhận thức và rèn luyện nhân cách của bản thân mình thì truyện cổ tích là một giải pháp hiệu quả và thiết thực. Qua truyện cổ tích, những truyền thống nhân văn, nhân nghĩa của dân tộc được tác giả dân gian khéo léo lồng ghép để giáo dục người nghe. “Cần cù, giản dị, hài hòa, ngay thẳng, thủy chung, đôn hậu, trọng nhân nghĩa, ghét gian tà, yêu cộng đồng, lạc quan yêu đời, đó là những nét đặc sắc trong tính tình của người Việt mà văn học dân gian là tấm gương sáng”(1). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nhận xét: “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa”.

Hầu hết những câu truyện cổ tích Việt Nam đều thể hiện tinh thần hăng say lao động, tình yêu lao động của con người. Và cũng nhờ có lao động mà các nhân vật trong truyện cổ tích có thể chiến thắng được cái ác, cái xấu. Thông qua truyện cổ tích, cha ông ta đã ca ngợi truyền thống cần cù, yêu lao động của nhân dân ta. Đó cũng chính là vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của người lao động. Tình yêu lao động xuất phát từ cuộc sống khó khăn, đói khổ, hay từ trong bất hạnh, khổ đau nó thể hiện cho ý chí, niềm tin của con người. Triết lý này đã khích lệ thế hệ trẻ giúp họ hiểu được vai trò to lớn của lao động với cuộc sống, những giá trị thiết thực mà chỉ có lao động mới có được. Thúc đẩy tinh thần tìm tòi, sáng tạo trong lao động, sản xuất của giới trẻ.

Ngày nay trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước rất cần có sự tham gia của thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Chỉ có tự giác, tích cực, sáng tạo trong lao động sản xuất mới có thể giúp thế hệ trẻ Việt Nam bắt kịp với sự phát triển của thế giới. V.I. Lênin đã từng nói: “Lôi cuốn mọi người tham gia lao động - là một trong những vấn đề quan trọng và khó khăn nhất của chủ nghĩa xã hội”(2). Triết lý này không chỉ có giá trị lý luận mà còn có giá trị thực tiễn rất lớn, với thế hệ trẻ ngày nay tự ý thức về vai trò của lao động, cũng như sự sáng tạo và tự giác trong lao động là vô cùng quan trọng. Đồng chí Lê Duẩn từng nói: “Lao động trong tập thể là quyền lợi và nghĩa vụ cao quý nhất, là nền tảng của đạo đức mới, là nguồn gốc cuộc sống phong phú về vật chất và tinh thần, là động lực phát triển của chủ nghĩa xã hội”(3).

Không chỉ mang đến những triết lý giáo dục cho thế hệ trẻ về tình yêu, sự sáng tạo trong lao động mà truyện cổ tích còn giúp xây dựng quan điểm sống tích cực, sống lạc quan, có niềm tin vào cuộc sống. Lạc quan luôn là tinh thần xuyên suốt các câu truyện cổ tích Việt Nam. Tinh thần lạc quan, ánh sáng hy vọng được chiếu rọi qua các truyện cổ tích mang vẻ đẹp khỏe khoắn, thể hiện ý chí và nghị lực, thể hiện niềm tin mạnh mẽ của con người. Tư tưởng này được thể hiện rõ nhất thông qua triết lý nhân quả. Trong triết lý nhân quả - triết lý phổ biến trong tư duy người Việt xưa đã chỉ ra rằng con người chỉ cần cố gắng, sống lương thiện, có ích thì kết quả tốt đẹp sẽ đến với họ. Đây cũng chính là lý do mà trong hầu hết truyện cổ tích Việt Nam cái thiện đều thắng cái ác, chính thắng tà, người làm việc ác thì phải chịu đền tội, người hiền lành lương thiện được hưởng hạnh phúc dài lâu. Mặc dù đây không hẳn là điều sẽ diễn ra trong thực tế cuộc sống của chúng ta nhưng triết lý này đã thể hiện một tinh thần nhân đạo cao cả, hướng thế hệ trẻ đến những điều tốt đẹp, xây dựng niềm tin, ước mơ cao đẹp, trong sáng về cuộc sống.

Triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích còn giúp giáo dục thế hệ trẻ phải nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường sống của mình.

Một trong những triết lý nổi bật trong truyện cổ tích đó chính là triết lý về mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên. Thông qua các câu truyện cổ tích, các tác giả dân gian đã đưa ra triết lý về vai trò quan trọng của tự nhiên đối với cuộc sống của con người và thấy cần phải sống hài hòa, hòa hợp với tự nhiên.

Giới tự nhiên đóng một vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống con người, đây là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống và sự tồn tại của con người. Khi sản xuất vật chất còn chưa phát triển thì sự tác động của tự nhiên tới cuộc sống con người là rất lớn. Triết lý này đã được các tác giả dân gian thể hiện qua một số truyện cổ tích (Sự tích quả dưa hấu; Sự tích trầu cau,..). Đặc biệt, trong giai đoạn đầu của xã hội loài người khi sản xuất vật chất chưa phát triển thì vai trò của tự nhiên đối với con người là rất to lớn. Tự nhiên không chỉ mang lại những điều kiện thiết yếu cho cuộc sống của con người mà tạo cơ sở để con người có thể phát triển sản xuất, từ đó thỏa mãn những nhu cầu vật chất thiết yếu của mình.

Bên cạnh việc chỉ ra vai trò quan trọng của tự nhiên với cuộc sống của con người, các tác giả dân gian còn đưa ra triết lý sống hài hòa với tự nhiên thông qua những câu truyện cổ tích. Do điểm đặc thù là các nhân vật tiêu biểu trong truyện cổ tích Việt Nam hầu hết đều sống bằng nghề nông, hoặc làm những công việc có mối quan hệ gắn bó mật thiết với tự nhiên nên triết lý này càng được thể hiện một cách sâu đậm và sinh động. Con người cũng cảm nhận được sự đa dạng, phong phú của tự nhiên qua hàng trăm các câu truyện kể về sự tích các loài vật, các giống cây (Sự tích con muỗi, Sự tích con trâu, Sự tích cây sầu riêng, Sự tích cây vú sữa...). Những triết lý nhân sinh về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên trong truyện cổ tích đã góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ thấy được vai trò quyết định, mối quan hệ khăng khít, cũng như sự ảnh hưởng to lớn của môi trường tới cuộc sống của con người, từ đó xây dựng ý thức bảo vệ môi trường sinh thái xung quanh mình.

Những triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích Việt Nam là những tư tưởng nhân sinh được đúc rút ra từ thực tiễn cuộc sống xã hội, từ thực tế hoạt động lao động sản xuất của người Việt Nam trong quá trình lịch sử của mình. Chính vì vậy nó chứa đựng những giá trị hết sức sâu sắc. Trong giai đoạn hiện nay khi mà những giá trị truyền thống ngày càng bị mai một, những quan điểm, quan niệm xấu, tiêu cực ngày càng ảnh hưởng đến con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, thì những triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích lại có giá trị rất lớn trong việc giáo dục nhân sinh quan tích cực cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay. Nó góp phần giúp cho họ có cái nhìn đúng đắn trong mỗi quan hệ với giới tự nhiên, gia đình, cộng đồng, xã hội, với chính bản thân họ.

Nếu chúng ta biết vận dụng một cách phù hợp những giá trị triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích Việt Nam vào việc giáo dục nhân sinh quan tích cực cho thế hệ trẻ ngày nay thì có thể giúp cho họ có cái nhìn sâu sắc hơn về thực tại cuộc sống. Để cho thế hệ trẻ có thể phát triển một cách toàn diện, hài hòa như lời chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn trong di chúc của mình: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “ hồng” vừa “ chuyên”./.

Tài liệu tham khảo

(1). Nguyễn Khánh Toàn (1979) “Bài tựa sách tổng tập văn học Việt Nam”, tạp chí văn học, số 1, tr.3

(2). V.I. Lênin (1970), Toàn tập, tập 32, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.498

(3). Lê Duẩn (12/2/1974), Giai đoạn mới của cách mạng và nhiệm vụ của công đoàn (Bài nói của đồng chí Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam tại đại hội công đoàn Việt Nam, lần thứ ba, báo Nhân Dân).

Nguyễn Thị NgọcĐại học Y Hà Nội

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/van-hoa-xa-hoi/2018/51267/triet-ly-nhan-sinh-trong-truyen-co-tich-voi-viec-giao-duc.aspx