Triều đại Marcos cha sụp đổ như thế nào?

ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Ông Ferdinand Marcos Jr, con trai của nhà độc tài quá cố Ferdinand Marcos Sr, vừa đắc cử tổng thống thứ 17 của Philippines và điều này gợi nhớ về triều đại Marcos Sr đầy tai tiếng tại quốc gia Ðông Nam Á này.

Ông Marcos Sr năm 1982. Ảnh: Getty Images

Ông Marcos Sr năm 1982. Ảnh: Getty Images

Marcos cha sinh năm 1917. Ông tự nhận mình là “người lính anh hùng có nhiều chiến công nhất Philippines” trong Thế chiến thứ 2 được Chính phủ Philippines và quân đội Mỹ trao tặng. Tuy nhiên, nhiều người Philippines và quân đội Mỹ cho rằng tuyên bố của ông Marcos Sr là sai sự thật. Sau chiến tranh, ông Marcos Sr trở thành luật sư phục vụ trong Hạ viện rối đến Thượng viện Philippines (giai đoạn 1949-1965). Ông đắc cử tổng thống thứ 10 của Philippines năm 1965 sau khi đánh bại Tổng thống đương nhiệm Diosdado Macapagal. Vào thời điểm đó, GDP của nền kinh tế Philippines đứng hàng thứ 7 châu Á và hàng thứ 30 trên toàn cầu.

Nhiều lĩnh vực kinh tế của Philippines khi ấy nằm dưới quyền kiểm soát của giới tinh hoa truyền thống và lãnh chúa phong kiến, những người nắm giữ quyền thế từ thời chiếm đóng của Tây Ban Nha và Mỹ. Trong khi đó, Marcos Sr, vốn có kỹ năng hùng biện sắc sảo, cam kết làm thay đổi “bộ mặt kinh tế” và quyền lực chính trị nhằm mang lại sự phát triển nhanh, công bằng hơn cho đất nước. Vì thế, ông đã nhanh chóng thu hút những nhà quản lý kinh tế mới và sớm đào tạo ra “những nhà kỹ trị” trên lĩnh vực công nhằm điều chỉnh lại lĩnh vực tư vốn đang thống lĩnh nền kinh tế. Trọng tâm của chính sách này là nhà nước mạnh tay vay vốn đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính sách này đã giúp kinh tế Philippines duy trì đà tăng trưởng trong nhiệm kỳ đầu của ông Marcos Sr. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách của Chính phủ Philippines giai đoạn 1965-1969 cao hơn 70% so với giai đoạn 1961-1965.

Dẫu vậy, để có thể trở thành tổng thống đầu tiên của Philippines đắc cử nhiệm kỳ 2, ông Marcos Sr tiếp tục khởi xướng chương trình hiện đại hóa nâng cao hiệu suất nền kinh tế bằng các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhờ các khoản vay nước ngoài lãi suất thấp. Các cơ sở hạ tầng này đã nhanh chóng hoàn thành, nhưng những nguồn chi tiêu công lớn cũng kéo theo tình trạng thâm hụt ngân sách cao, lạm phát phi mã và nợ công tăng, dẫn đến các cuộc biểu tình chống chính phủ gay gắt.

Do đó, ông Marcos Sr đặt Philippines vào tình trạng thiết quân luật vào tháng 9-1972 trong khi nhiệm kỳ thứ hai (cũng là nhiệm kỳ cuối cùng theo quy định) của ông sắp kết thúc. Tình trạng thiết quân luật được chính thức phê chuẩn năm 1973 thông qua một cuộc trưng cầu dân ý được cho là gian lận. Có hàng người chỉ trích bị bắt giữ, tra tấn và thủ tiêu. Hiến pháp mới cũng được thông qua cho phép ông Marcos Sr ứng cử tổng thống vô hạn định.

Sau khi trấn áp phe đối lập và giới truyền thông bằng thiết quân luật, ông Marcos Sr tái đắc cử nhiệm kỳ 3 trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1981. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế đầu năm 1983 và vụ ám sát thượng nghị sĩ sống lưu vong vừa trở về nước Benign “Ninoy” Aquino Jr đã thổi bùng cơn giận dữ của công chúng. Thế nên cuộc “Cách mạng Quyền lực Nhân dân” nổ ra vào tháng 2-1986 và ông Marcos chấp nhận từ bỏ quyền lực và cùng gia đình sang Hawaii (Mỹ) sống lưu vong.

Góa phụ của cố thượng nghị sĩ Aquino Jr là bà Corazon “Cory” Aquino được chọn làm tổng thống thay thế.

Riêng ông Marcos qua đời năm 1989.

Chính sách chuyển đổi kinh tế trọng tâm từ lĩnh vực tư sang công bằng những khoản vay lớn từ bên ngoài dù làm thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng và thúc đẩy kinh tế trong một thời gian nhưng cũng gây ra nhiều hậu quả. Nợ nước ngoài của Philippines từ mức 4,1 tỉ USD năm 1975 lên 8,2 tỉ chỉ sau 2 năm. Khi các thể chế tài chính quốc tế kiểm soát chặt tín dụng và tăng lãi suất, chính quyền ông Marcos Sr phải vay ngắn hạn với lãi suất cao để trả nợ và nhập khẩu. Tổng nợ của nước này đến năm 1982 lên tới 24,4 tỉ USD. Giai đoạn 1978-1991, nợ của Philippines cao hơn 200% giá trị xuất khẩu. Nền kinh tế nước này suy giảm đến 7,3% trong năm 1984 và 1985. Điều đáng nói ở đây là vay nợ nhiều được cho “góp phần” làm giàu cho ông Marcos Sr và gia đình cùng các thế lực “tư bản thân hữu” trung thành với ông ta.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/trieu-dai-marcos-cha-sup-do-nhu-the-nao-a146840.html