Triệu hồi – trách nhiệm chủ động của Nhà sản xuất

Sau loạt bài đăng về chủ đề Triệu hồi xe trên ĐS & PL, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tranh luận cho rằng, triệu hồi theo quan điểm tích cực, thể hiện rõ trách nhiệm của nhà sản xuất đối với khách hàng về những vấn đề chưa hoàn hảo đối với sản phẩm của mình.

Nhà sản xuất đồng hành cùng người tiêu dùng trong suốt vòng đời sản phẩm

Không phải chỉ riêng ngành xe hơi, tại rất nhiều ngành nghề khác, các hành động dịch vụ và các chương trình triệu hồi sản phẩm vẫn diễn ra thường xuyên. Người tiêu dùng tại các thị trường phát triển đã quen với các hoạt động này và họ coi đó là trách nhiệm chủ động của nhà sản xuất nhằm chăm sóc khách hàng tốt hơn và ngày càng hoàn thiện chất lượng sản phẩm của mình. Người tiêu dùng, khi được thông báo sở hữu sản phẩm nằm trong diện ảnh hưởng của chương trình, thường hợp tác tích cực với các nhà sản xuất để khắc phục các vấn đề của sản phẩm với chi phí thuộc về nhà sản xuất và hệ thống đại lý của họ.

Đặc biệt trong ngành công nghiệp ô tô, với gần 30.000 chi tiết linh kiện tích hợp cùng nhiều công nghệ hiện đại được cung cấp bởi hàng ngàn nhà cung cấp trên một chiếc xe, việc phát hiện ra các vấn đề hoặc khả năng xảy ra rủi ro là việc làm nghiêm túc và thể hiện trách nhiệm cao nhất trong suốt vòng đời sản phẩm. Các hoạt động triệu hồi vẫn thường diễn ra ở mức khu vực hoặc toàn cầu.

Khách hàng được thông báo cụ thể, cơ quan chức năng của Nhà nước giám sát

Trả lời câu hỏi của PV: “Trong năm 2016, Ford Việt Nam 5 lần triệu hồi xe với số lượng khá lớn. Đánh giá của hãng về vấn đề này?” Đại diện Ford Việt Nam cho biết: “Triệu hồi theo quan điểm tích cực, thể hiện rõ trách nhiệm của nhà sản xuất đối với khách hàng về những vấn đề chưa hoàn hảo đối với sản phẩm của mình. Triệu hồi có thể được tiến hành bởi bất cứ nhà cung cấp nào, tại bất cứ lĩnh vực sản phẩm nào. Triệu hồi có thể liên quan đến lỗi sản phẩm, cũng có thể có những lỗi chưa xảy ra, nhưng nhà sản xuất đánh giá có khả năng xảy ra lỗi sau này và tiến hành triệu hồi sửa chữa như một biện pháp ngăn ngừa. Cũng có chương trình triệu hồi để tăng hài lòng khách hàng, ví dụ năm 2016, Ford có tiến hành chương trình triệu hồi thay thế tài liệu hướng dẫn sử dụng cho xe Ranger và Everest”.

Ngoài ra, Ford Việt Nam cũng cho rằng, các vấn đề được tìm ra có thể xuất phát từ khâu Quản lý Chất lượng ngay trong dây chuyền sản xuất, hoặc từ các phản hồi thực tế của khách hàng hay các kiểm định với nhà cung cấp. Ngay khi phát hiện vấn đề, tập đoàn Ford đã chủ động tiến hành các hành động dịch vụ cần thiết, miễn phí cho người sử dụng xe để khắc phục các vấn đề này. “Chúng tôi hy vọng mang lại sự hài lòng cao nhất cho khách hàng tại mọi thị trường mà Ford kinh doanh”. Lãnh đạo Ford Việt Nam cho hay.

Khi được hỏi rằng có một số khách hàng cảm thấy lo âu khi xe bị triệu hồi, đại diện của Ford cho biết rằng tất cả các chương trình triệu hồi là để ngăn ngừa hư hỏng có thể xảy ra và hãng sẽ chịu hoàn toàn chi phí. Cũng giống như con người muốn khỏe mạnh thì cần tập thể dục, ăn uống điều độ và khám sức khỏe định kỳ, chiếc xe hơi cũng cần người sở hữu chăm sóc đầy đủ, định kỳ theo đúng chỉ dẫn. Tất cả các khách hàng có xe trong diện ảnh hưởng sẽ được hãng liên lạc và gửi thông báo cụ thể về chương trình để được đảm bảo quyền lợi của mình.

Được biết, lượng xe thuộc diện chịu ảnh hưởng của các chương trình triệu hồi của Ford tại Việt Nam là do hãng chủ động thông báo và được phê duyệt bởi Cục Đăng Kiểm Việt Nam. Tất cả thông tin chi tiết của chương trình đều được thông báo đến toàn bộ hệ thống đại lý trên toàn quốc để sẵn sàng đón tiếp khách hàng.

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/trieu-hoi-trach-nhiem-chu-dong-cua-nha-san-xuat-a178767.html