Triệu phú 'chân đất' ở Bàn Đạt

Với khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, gia đình ông Đỗ Hữu Luyện, sinh năm 1969, ở xóm Việt Long, xã Bàn Đạt (Phú Bình) đã xây dựng thành công mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng, rừng (V.A.C.R).

Bà Đặng Thị Bằng (vợ ông Đỗ Hữu Luyện) chăm sóc đàn trâu, bò sinh sản được nuôi theo hình thức nhốt chuồng.

Khi chúng tôi đến thăm gia đình ông Luyện cũng vừa lúc ông đi cắt cỏ cho trâu, bò về. Thoạt nhìn người đàn ông đội chiếc mũ lưỡi trai, mặc bộ quần áo lao động đã cũ, ngồi trên chiếc xe trâu, chúng tôi không nghĩ đó là hình ảnh "triệu phú" mà người dân kể.

Vừa bốc những bó cỏ trên chiếc xe xuống, ông Luyện vừa phấn khởi khoe: “Gia đình tôi hiện nuôi 100 con lợn thịt, 12 con lợn lái, 14 con trâu, bò sinh sản và 4.000 con gà. Ngoài ra, gia đình tôi còn trồng 2ha rừng, cấy 1 mẫu lúa, trồng 1 mẫu cỏ voi và 6 sào ao nuôi cá. Mỗi năm, gia đình bán ra thị trường khoảng 16 tấn lợn hơi, 5 tấn gà, 7 con trâu, bò...”.

Để có được thu nhập thường xuyên như ngày hôm nay, vợ chồng ông Luyện đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Nhấp xong chén trà ấm, ông Luyện cho biết: Năm 1991, sau khi lập gia đình, ra ở riêng, vợ chồng tôi được bố mẹ cho 2ha đất để phát triển sản xuất. Vợ chồng tôi đã đầu tư chăn nuôi gà, lợn và cấy lúa, trồng ngô. Tuy nhiên, do đầu tư số lượng ít nên thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Để có thêm thu nhập, vợ chồng tôi đã làm thêm đủ thứ nghề từ đi xây, phụ hồ cho đến hái chè thuê.

Bước ngoặt đã đến với gia đình ông vào năm 2005, khi phong trào chăn nuôi gà đồi trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ, vợ chồng ông Luyện đã vay mượn anh em, bạn bè để đầu tư chăn nuôi gà thả đồi với số lượng lớn với trên 1.000 con gà/lứa. Ông Luyện nhớ lại: Thời điểm ấy, do chưa có kinh nghiệm, không biết cách phòng dịch, nên khi xuất hiện dịch cúm gà, vợ chồng tôi đã mất trắng cả trăm triệu đồng. Phải mất một thời gian dài vừa làm, vừa học, vừa tự rút kinh nghiệm, mô hình mới ổn định và đem lại hiệu quả.

Sau nhiều năm chăn nuôi gà, tích lũy được ít vốn liếng, cuối năm 2018, vợ chồng ông Luyện đã quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi 20 con lợn nái, 70 con lợn thịt và 14 con trâu, bò sinh sản. Ngoài ra, vợ chồng ông còn trồng 2ha keo và mượn thêm 8 sào ruộng của người dân trong xóm để cấy 1 mẫu lúa và trồng 1 mẫu cỏ Voi làm thức ăn cho trâu, bò, cá. Mỗi năm, gia đình ông Luyện thả trên 20 triệu đồng tiền cá giống, với các loại cá chủ yếu là trê ta, trắm cỏ, rô phi...

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình V.A.C.R rộng hơn 5ha, ông Luyện cho biết: Việc đa dạng các mô hình kinh tế cũng khá vất vả nhưng các mô hình lại hỗ trợ lẫn nhau. Ruộng vườn cung cấp thức ăn cho chăn nuôi gia súc, gia cầm, ngược lại chuồng lại cung cấp phân bón cho việc trồng cỏ, cấy lúa. Ao cung cấp nước tưới cho cây trồng, ngược lại các loại cây trồng như ngô, cỏ Voi có thể tận dụng làm nguồn thức ăn cho cá. Từ mô hình V.A.C.R đã mang lại cho gia đình tôi doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 500-600 triệu đồng.

Chia sẻ về mô hình hình kinh tế của gia đình ông Luyện, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Bàn Đạt,cho biết: Anh Luyện là một trong những nông dân làm kinh tế giỏi điển hình của xã. Từ mô hình kinh tế của gia đình anh Luyện, chính quyền xã đã cùng với các xóm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân trong xã cùng học hỏi và áp dụng. Qua đó, trên địa bàn xã đã có hàng trăm hộ mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cấy lúa, trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi trâu, bò theo hướng vỗ béo, sinh sản với số lượng trên 500 con...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202311/trieu-phu-chan-dat-o-ban-dat-be7110b/