Triều Tiên chuyển hướng chính sách sang phát triển kinh tế

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đang chuyển hướng trọng tâm chính sách sang thúc đẩy nền kinh tế ốm yếu của nước này.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong phiên họp toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền, ông Kim Jong-un đã cam kết tập trung thúc đẩy nền kinh tế đồng thời ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân, đóng cửa một bãi thử hạt nhân quan trọng.

Các động thái này có thể đánh dấu sự điều chỉnh chiến lược sau khi các lệnh trừng phạt nặng nề của cộng đồng thế giới đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Triều Tiên, làm suy yếu sự ủng hộ của người dân và sự trung thành của tầng lớp giàu có và quyền lực, đồng thời gây mâu thuẫn ngoại giao với Trung Quốc - nước bảo trợ kinh tế chủ chốt của Triều Tiên.

Cho Bong-hyun, một nhà nghiên cứu cao cấp làm việc tại Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc, phát biểu với phóng viên hãng tin Yonhap rằng nếu vấn đề đảm bảo an ninh được thảo luận trong cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ, vấn đề còn lại của ông Kim Jong-un là xây dựng nền kinh tế, thực hiện mục tiêu mà ông đã tuyên bố là đưa Triều Tiên trở thành một nước có kinh tế hùng mạnh vào năm 2020. Nhà lãnh đạo này dường như đã quả quyết rằng thành tựu kinh tế có thể giúp ông giữ chế độ ổn định và "làm đẹp" hình ảnh của ông ở nước ngoài.

Nền kinh tế Triều Tiên đã tiếp tục suy yếu khi nước này sa vào các chương trình tên lửa và hạt nhân, điều dẫn đến các lệnh trừng phạt cứng rắn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như các lệnh trừng phạt riêng của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác.

Đặc biệt là, việc Bắc Kinh thực thi tích cực các lệnh trừng phạt của HĐBA đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Triều Tiên, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên.

Theo các nhà quan sát, các lệnh trừng phạt làm cạn kiệt kho tiền mặt của chính quyền Kim Jong-un cũng như đe dọa ảnh hưởng tới sự điều hành đất nước.

Theo Park Won-gon, chuyên gia về an ninh làm việc tại trường Đại học Toàn cầu Handong, do các lệnh trừng phạt, kho ngoại tệ cạn kiệt và tình hình có thể đã ảnh hưởng tới sự trung thành của tầng lớp giàu có và quyền lực ở Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un có thể phải vét nốt kho tiền mặt để chi cho việc quản lý nhà nước và điều này làm ông lo ngại.

Các lệnh trừng phạt được cho là dẫn tới sự suy giảm mạnh kim ngạch thương mại, nguồn thu từ các phi vụ giao dịch bất hợp pháp với nước ngoài, cũng như nguồn kiều hối từ xuất khẩu lao động khi các công nhân Triều Tiên không được phép gia hạn thời gian làm việc ở nước ngoài. Theo trang web về các lệnh trừng phạt trên toàn cầu, các dự án kinh tế trước đây của ông Kim Jong-un đã "chết yểu".

Tháng 6/2012, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra sáng kiến cải cách, cho các doanh nghiệp nhà nước có sự tự chủ lớn hơn, cho phép các doanh nghiệp này được lựa chọn mặt hàng sản xuất, giá cả, số lượng và phương thức tiếp thị.

Người nông dân cũng được phép giữ lại số nông sản dư thừa. Đến tháng 5/2013, ông Kim đã “chỉ định” nhiều đặc khu kinh tế, tìm cách thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, Nga và các nước khác. Sau đó, vào tháng 5/2014, ông đã tiến hành các biện pháp nhằm nới lỏng sự kiểm soát của nhà nước đối với các nhà máy và cửa hàng.

Tuy nhiên, việc tất cả các biện pháp này chưa mang lại kết quả hữu hình phần lớn do các lệnh trừng phạt nặng nề đã được thông qua để “đáp trả” các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa của Triều Tiên, trong đó có vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và cũng là lần thử vũ khí hạt nhân mạnh nhất hồi tháng Chín năm ngoái.

Ahn Chan-il, Viện trưởng Viện thế giới nghiên cứu Triều Tiên, phát biểu với hãng tin Yonhap rằng đúng là ông Kim Jong-un đã có những nỗ lực cải cách, song chỉ là nói nhiều mà làm ít. Với việc một số lượng lớn doanh nghiệp nhà nước không thể hoạt động bình thường, nhiều công dân nước này phải dựa vào các thị trường chợ đen để sinh sống. Nói một cách đơn giản, hệ thống kinh tế nhà nước của Triều Tiên thực sự đã bị tê liệt và giờ đây ông Kim Jong-un tìm cách vực dậy nó.

Hiện chưa rõ mô hình phát triển nào sẽ được lựa chọn để đưa Triều Tiên thoát khỏi vùng lầy kinh tế, song ông Ahn Chan-il lưu ý rằng nhà lãnh đạo Kim jong-un có thể cố theo đuổi sự kết hợp các mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam, Cuba và Trung Quốc.

Chuyên gia này nói ông Kim có thể tìm kiếm mô hình kết hợp các mặt tốt của các hệ thống xã hội chủ nghĩa khác, điều có thể giúp ông duy trì hệ thống chính trị của mình... và có thể áp dụng với thực trạng kinh tế hiện nay của Triều Tiên.

Tuyên bố của ông Kim Jong-un về một sự chuyển hướng chính sách được đưa ra sau khi ông thăm Trung Quốc và hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi cuối tháng trước, chuyến ra nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi nắm quyền lực vào cuối năm 2011.

Trong chuyến thăm này, ông đã dừng chân ở khu công nghệ cao Zhongguancun để tìm hiểu sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc và đây là lý do tại sao một số nhà quan sát cho rằng ông Kim có thể xem xét mô hình kinh tế của Trung Quốc.

Với việc nhà lãnh đạo này đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, ngày càng có nhiều người lạc quan thận trọng cho rằng ông có thể tìm cách đưa chính mình trở thành người khởi xướng công cuộc mở cửa và cải cách ở Triều Tiên – kiểu như Đặng Tiểu Bình, người đi tiên phong trong cải cách kinh tế ở Trung Quốc hồi cuối thập niên 1970.

Một số nhà phân tích cho rằng dựa trên tư tưởng cho rằng Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội cần tư bản để thúc đẩy nền kinh tế, Đặng Tiểu Bình đã đưa Trung Quốc vào con đường phát triển kinh tế và đặt nền tảng cho mô hình xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc. Và ông Kim Jong-un có thể bắt chước cách làm này.

Nhà nghiên cứu Cho Bong-hyun phân tích thêm: “Với Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng ở vị trí trung tâm và lãnh đạo, cường quốc châu Á này đã phát triển kinh tế chỉ trong một thời gian ngắn trong khi vẫn duy trì được hệ thống chính trị.” Đây có thể là một điều mà Triều Tiên có thể học tập.

Tuy nhiên, vấn đề bây giờ là phải có một động lực từ bên ngoài để giữ nhà lãnh đạo Triều Tiên đi đúng con đường cải cách và mở cửa. Cheong Seong-chang, một học giả lâu năm tại Viện Sejong, nói: “Việc Kim Jong-un có thể trở thành Đặng Tiểu Bình của Triều Tiên hay không phụ thuộc vào cách thức cộng đồng quốc tế, trong đó có Hàn Quốc và Mỹ, sẽ đảm bảo an ninh của Triều Tiên và mở các cơ hội cho sự phát triển kinh tế của nước này ra sao”.

Trong khi đó, một số nhà quan sát cho rằng quyết định ngày 20/4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un tìm cách trở thành một nhà nước xã hội chủ nghĩa “bình thường” trong đó đảng cầm quyền đóng một vai trò hoạch định chính sách cơ bản.

Trong kỷ nguyên của Kim Jong-il, người cha quá cố của ông Kim Jong-un, các tướng lĩnh quân đội có ảnh hưởng lớn tới các quyết sách do chính sách tiên quân của ông, thứ được xem là một phần của chiến lược biện minh cho việc huy động quân lính cho các công việc không phải của quân đội, như xây dựng.

Kể từ khi nắm quyền năm 2011, ông Kim Jong-un đã đặt lại đảng cầm quyền vào vị trí trung tâm trong các công việc của nhà nước trong một nỗ lực làm giảm bớt ảnh hưởng của các tướng lĩnh quân đội bảo thủ và tạo sự linh hoạt hơn cho việc quản lý nhà nước của nhà lãnh đạo trẻ tuổi này./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/trieu-tien-chuyen-huong-chinh-sach-sang-phat-trien-kinh-te/82878.html