Triều Tiên có vũ khí làm tan chảy 'liên minh bọc sắt': Mỹ có đổi San Francisco lấy Seoul?

Gần như mọi lần quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á - Triều Tiên - thử tên lửa đạn đạo hoặc vũ khí hạt nhân, Mỹ và Hàn Quốc đều ra thông báo tái khẳng định về sức mạnh liên minh 'bọc sắt' của họ. Nhưng khi Bình Nhưỡng đã đạt đến khả năng làm 'tan chảy sắt' và hứa hẹn sẽ gửi thêm nhiều món quà sau khi thử bom nhiệt hạch (bom H) vào sáng 3/9, cuộc chơi có thể sẽ thay đổi.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un kiểm tra một thiết bị nhiệt hạch do nước này sản xuất. Ảnh: Reuters

Ông Colin Kahl, một Cố vấn An ninh Quốc gia trong chính quyền Tổng thống Barack Obama, chia sẻ trên Twitter rằng khả năng Triều Tiên tấn công lục địa Mỹ bằng một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) gắn bom nhiệt hạch “phá hủy được một thành phố” sẽ kiểm tra độ bền của liên minh Mỹ - Hàn Quốc như chưa từng có trước đây bằng cách đặt ra một câu hỏi khó: Liệu Mỹ có đổi San Francisco lấy Seoul hay không?

Nhiều thập kỷ nay, Mỹ đã ngăn không để Hàn Quốc và Nhật Bản phát triển vũ khí hạt nhân thông qua việc cam kết đáp trả các vụ tấn công từ Triều Tiên bằng trả đũa hạt nhân nếu cần thiết. Tuy nhiên hiện nay, nếu Triều Tiên tấn công, Mỹ không thể bắn phá Bình Nhưỡng mà không lo sợ nguy cơ bị mất một thành phố. Trong khi lực lượng hạt nhân của Mỹ có thể cản trở Triều Tiên và mọi quốc gia khác tấn công nước này, Hàn Quốc lại dựa vào chính sách ngăn chặn mở rộng.

“Ngăn chặn mở rộng về cơ bản là sự sẵn lòng của chúng ta để bảo vệ các đồng minh nước ngoài khỏi bị tấn công, ngay cả khi đối với khả năng kẻ tấn công có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ”, Joel Wit - cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ và là người sáng lập trang web 38 North chuyên phân tích về tình hình Triều Tiên – cho biết.

Tờ Business Insider dẫn lời ông Wit cho hay, Mỹ nên “tiếp tục nỗ lực để trấn an và bênh vực các đồng minh” và chúng ta sẽ bảo vệ họ nếu điều đó đồng nghĩa với một cuộc tấn công hạt nhân vào đất Mỹ, nhưng Tổng thống Donald Trump đã không thực sự làm điều đó.

Phản hồi về mối nghi ngại này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố một bản thông báo nêu rõ bộ này sẽ tăng cường các cuộc gặp gỡ với Nhóm Cố vấn và Chiến lược Ngăn chặn Mở rộng – nhóm đảm trách củng cố liên minh. Tuy nhiên tại Hàn Quốc, người dân lo ngại Triều Tiên đã đạt được một mục tiêu quân sự chính: tách Mỹ khỏi Hàn Quốc để nước này có thể chiến đấu với một nước riêng rẽ.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14. Ảnh: Reuters

“Điều người dân Hàn Quốc lo ngại nhất là liệu rằng Mỹ có bảo vệ Hàn Quốc trong khi lục địa Mỹ bị đe dọa (bởi tên lửa Triều Tiên). Nếu bạn xem xét điều ông Trump nói hiện nay, câu trả lời dường như là không”, Shin Hee-seok, một sinh viên tốt nghiệp ngành luật quốc tế tại Đại học Yonsei của Hàn Quốc chia sẻ với hãng tin AP. “Trong khi đó vẫn là một quan điểm ngoài lề, một số người Hàn Quốc đang xem xét liệu chúng ta có nên tự xây dựng ngăn chặn hạt nhân của riêng mình. Nếu Mỹ không phải một đồng minh đáng tin cậy, Hàn Quốc phải nghĩ về Kế hoạch B”.

Seoul đã tiến bộ nhiều trong việc phát triển tên lửa và điều chỉnh lại các hiệp định kiểm soát tên lửa với Washignton để cho phép các loại bom lớn hơn và mạnh hơn. Thêm vào đó, Tổng thống Trump đã nhiều lần bày tỏ nghi ngờ về quan hệ của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản, và thậm chí nuôi dưỡng ý tưởng của các quốc gia phát triển vũ khí hạt nhân.

Ông Wit cảnh báo về “tình trạng chia rẽ chiến lược” tiềm tàng, trong đó Hàn Quốc và Nhật Bản quyết định rằng họ có thể tin tưởng Mỹ và “các lợi ích của họ được phục vụ tốt hơn bằng cách xây dựng vũ khí hạt nhân riêng”.

Theo giới chuyên gia về vũ khí hạt nhân, càng nhiều quốc gia sở hữu chúng thì thế giới này càng trở nên nguy hiểm. “Nếu Hàn Quốc và Nhật Bản đạt được những ngăn chặn hạt nhân của riêng họ, điều này sẽ gửi đi một tín hiệu vô cùng nguy hiểm tới các đồng minh của chúng ta ở Trung Đông”, Kingston Reif – người phụ trách chính sách giải trừ quân bị và giảm đe dọa tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí từng nói với Business Insider, “Đó sẽ là một sự phát biển bất ổn đáng kinh ngạc”.

Cựu cố vấn an ninh Colin Kahl kêu gọi Mỹ tái khẳng định cam kết của nước này để bảo vệ Hàn Quốc bất cứ giá nào, đồng thời cho rằng ông Trump không nên tiếp tục các mối đe dọa và bực bội như trước đây gây mất uy tín của Mỹ tại khu vực.

Tuy nhiên nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể gây chia tách giữa Washington và các đồng minh châu Á, nó sẽ là một chiến thắng không thể tin nổi cho Bình Nhưỡng, đồng thời chứng minh với thế giới rằng các quốc gia ngoài vòng pháp luật có thể sử dụng sức mạnh hạt nhân cũng như tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Ngày 5/9 tức hai ngày sau vụ thử bom nhiệt hạch, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Han Tae-song cho biết nước này mới đây đã "gửi một món quà" tới Mỹ và sẽ tiếp tục có những hành động tương tự. Phát biểu tại diễn đàn Hội nghị Giải trừ Quân bị do LHQ bảo trợ tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Han nhấn mạnh: "Những biện pháp tự vệ gần đây của Triều Tiên là một món quà gửi tới không ai khác ngoài Mỹ. Washington sẽ tiếp tục nhận được thêm nhiều gói quà từ Triều Tiên, chừng nào họ còn tiếp tục những hành động khiêu khích liều lĩnh và tìm cách gây sức ép với Bình Nhưỡng một cách vô ích".

Về phía Mỹ, Nhà Trắng dẫn lời Tổng thống Trump thông báo Mỹ sẵn sàng sử dụng đầy đủ đủ tiềm lực và kho vũ khí hạt nhân để chống lại Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa tới Washington và các đồng minh. Ông đồng thời cho biết đang xem xét cắt đứt quan hệ thương mại với bất cứ quốc gia nào làm ăn kinh tế với Triều Tiên, sau khi nước này tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Hoàng Trang/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/trieu-tien-co-vu-khi-lam-tan-chay-lien-minh-boc-sat-my-co-doi-san-francisco-lay-seoul-20170906165910946.htm