Triều Tiên công khai 'đường đi nước bước', Mỹ-Hàn Quốc đau đầu vì 'nước cờ cũ' chẳng còn hay!

Triều Tiên đã tuyên bố các vũ khí hạt nhân của nước này không còn là thứ có thể đem ra đàm phán. Do vậy, nếu cứ đưa việc đàm phán ra để 'nói chuyện' với Bình Nhưỡng, Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ chỉ nhận lại cái 'lắc đầu'.

Chủ tịch Kim Jong Un chỉ ra rằng kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên chỉ là “vũ khí răn đe và sau cùng”, được phát triển để “ngăn chặn chiến tranh hạt nhân cũng như bảo vệ an toàn và sự tự tôn của đất nước”. (Nguồn: Yonhap)

Chủ tịch Kim Jong Un chỉ ra rằng kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên chỉ là “vũ khí răn đe và sau cùng”, được phát triển để “ngăn chặn chiến tranh hạt nhân cũng như bảo vệ an toàn và sự tự tôn của đất nước”. (Nguồn: Yonhap)

Vũ khí răn đe và sau cùng

Một ngày trước Lễ kỷ niệm 74 năm thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố, các vũ khí hạt nhân của nước này không còn là thứ có thể đem ra đàm phán.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời Chủ tịch Kim Jong Un nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Phiên họp thứ 7 Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên (Quốc hội) XIV ngày 8/9: “Việc ban hành luật về chính sách đối với lực lượng hạt nhân, khẳng định vị thế quốc gia hạt nhân là không thể đảo ngược”.

Chủ tịch Kim Jong Un chỉ ra rằng kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên chỉ là “vũ khí răn đe và sau cùng”, được phát triển để “ngăn chặn chiến tranh hạt nhân cũng như bảo vệ an toàn và sự tự tôn của đất nước”.

Bình Nhưỡng khẳng định các đòn trừng phạt của Mỹ sẽ chỉ càng củng cố hơn quyết tâm của chính phủ Triều Tiên trong việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Ông Kim Jong Un khẳng định, “cả thế giới cũng như bầu không khí chính trị và quân sự tại Bán đảo Triều Tiên trước hết cần phải thay đổi” nếu các bên khác muốn Bình Nhưỡng điều chỉnh chính sách hạt nhân.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phát triển và thử nghiệm các chương trình hạt nhân và tên lửa chừng nào Mỹ và Hàn Quốc còn duy trì chính sách phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID) trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo tin từ KCNA về việc ban hành luật mới, các lực lượng hạt nhân Triều Tiên rõ ràng không còn chỉ là dự phòng và triển khai cho mục đích phòng vệ. Bằng việc xác định các lực lượng hạt nhân là “nhân tố chính trong lực lượng quốc phòng”, Triều Tiên đã mở rộng các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân.

Luật mới nêu 5 điều kiện để triển khai lực lượng này, trong đó có khả năng đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong Un chỉ đạo lực lượng này thực hiện tấn công phủ đầu.

"Kiên nhẫn chiến lược" hay "điều chỉnh và thực tế"

Theo The Diplomat, việc Chủ tịch Kim Jong Un củng cố lực lượng hạt nhân khiến mọi người nghĩ tới 2 kịch bản khả thi đang dần thành hình: sẽ không có thêm bất kỳ cuộc đối thoại liên Triều nào trong nhiệm kỳ của Tổng thống Yoon Suk Yeol và đối đầu trực diện Mỹ-Triều sẽ gia tăng.

Tháng trước, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol công bố “sáng kiến táo bạo” để buộc Bình Nhưỡng có những bước đi tiến tới phi hạt nhân, bà Kim Yo Jong, người em gái quyền lực của Chủ tịch Kim Jong Un đã gay gắt chỉ trích chính sách này.

Ông Yoon Suk Yeol mới lên nắm quyền được 4 tháng, song dường như Bình Nhưỡng đã loại trừ mọi khả năng giao thiệp với Seoul trong nhiệm kỳ 5 năm của ông.

Xu hướng gần đây của Chủ tịch Kim Jong Un với các hành động chủ yếu nhằm vào Mỹ cũng cho thấy dường như ông không quan tâm đến chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Chủ tịch Triều Tiên đã đề cập ngắn gọn kế hoạch 5 năm nhằm hiện đại hóa quân đội đầy táo bạo, trong đó có việc phát triển các vũ khí hạt nhân mới và tiên tiến. Khi quân đội Triều Tiên đạt được các mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch, Kim Jong Un sẽ có thể đảm bảo nhiều lựa chọn hạt nhân hơn, những lựa chọn thậm chí sẽ trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Mỹ.

Về phần mình, Washington dường như có lập trường duy trì hiện trạng của Bán đảo Triều Tiên. Washington đã không thể tham gia vào các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng kể từ năm 2019, dù chính quyền đã thay đổi vào năm 2021.

Tổng thống đương nhiệm Joe Biden từng đảm nhiệm vai trò Phó Tổng thống dưới thời chính quyền ông Barack Obama, chính sách của ông về Triều Tiên nhiều khả năng sẽ là phiên bản cập nhật của phương pháp tiếp cận “kiên nhẫn chiến lược” đã được sử dụng trước đó.

Nhà Trắng nhấn mạnh cách tiếp cận “điều chỉnh và thực tế” của Tổng thống Biden đối với Triều Tiên là cách tiếp cận mới, được triển khai sau quá trình xem xét chính sách kéo dài nhiều tháng.

Tuy nhiên, thật khó để tìm ra sự khác biệt giữa cách tiếp cận của ông Biden và ông Obama, nhất là khi đặt vào bối cảnh các vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong năm nay và các cuộc đàm phán hạt nhân đang đình trệ.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine và cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc, Bình Nhưỡng đã tăng cường mạnh mẽ quan hệ với Bắc Kinh và Moscow nhằm làm suy yếu đòn bẩy của Washington trong khu vực.

Trong khi hai đồng minh tập trung vào các vấn đề an ninh, Kim Jong Un có thể muốn phô diễn các vũ khí hạt nhân tân tiến hơn nhằm hạn chế lệ thuộc vào ảnh hưởng của Bắc Kinh và Moscow trong các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời trở thành đối thủ trực tiếp trước Mỹ.

(theo The Diplomat)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trieu-tien-cong-khai-duong-di-nuoc-buoc-my-han-quoc-dau-dau-vi-nuoc-co-cu-chang-con-hay-197888.html