Triều Tiên đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc, Trung Quốc sợ bị đẩy ra ngoài?

Trung Quốc lo ngại Triều Tiên sẽ ra khỏi quỹ đạo trong bối cảnh Bình Nhưỡng chuẩn bị tham dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều và hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đồng minh lâu năm

Trung Quốc và Triều Tiên tự hào có một mối quan hệ gần gũi nhiều năm qua. Hơn 130.000 binh sĩ của Trung Quốc, bao gồm cả con trai của Chủ tịch Mao Trạch Đông đã hi sinh khi bảo vệ Triều Tiên trong cuộc chiến 1950 – 1953.

Trong khi Bình Nhưỡng phụ thuộc vào Bắc Kinh để được hỗ trợ thương mại và ngoại giao, các chuyên gia cho rằng chính phủ Triều Tiên không thực sự hài lòng khi phải đóng vai “người em” của Trung Quốc. Bây giờ, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chuẩn bị xuất hiện trên trường ngoại giao quốc tế, dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bắc Kinh lại lo ngại Bình Nhưỡng di chuyển khỏi quỹ đạo và tự mình đứng vững, CNN đánh giá.

Ông Kim Jong-un sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh với ông Moon Jae-in và ông Donald Trump. Ảnh: CNN

Trong khi việc Trung Quốc gây áp lực kinh tế là yếu tố quan trọng khiến ông Kim chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, Bắc Kinh lo rằng Bình Nhưỡng có thể đồng ý với một thỏa thuận mang Triều Tiên đến gần hơn với những đối thủ cũ và xa hơn đồng minh truyền thống.

Tong Zhao, chuyên gia chính sách hạt nhân tại Trung tâm chính sách toàn cầu Tsinghua Carnegie cho biết: "Thậm chí đã có mối lo lắng cực đoan trong cộng đồng chiến lược Trung Quốc rằng Mỹ sẽ chấp nhận một thỏa thuận, coi Triều Tiên là đồng minh của họ, hoặc ít nhất cũng là một quốc gia thân thiện".

Mối lo ngại này đã trở thành nguy cơ vì mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đụng độ với Bắc Kinh trong thương mại.

Còn lại gì trong quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên?

Trong hơn nửa thế kỷ, quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên vẫn được duy trì tốt đẹp. Tuy nhiên, việc Bình Nhưỡng thúc đẩy chương trình vũ khí hạt nhân dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un đã làm thay đổi sự cân bằng đó, tạo ra bóng ma của một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Đây là điều mà Bắc Kinh không hề mong muốn.

"Trung Quốc luôn muốn duy trì mối quan hệ bình thường và ổn định với Triều Tiên. Trung Quốc không có bất đồng với Triều Tiên trong bất kỳ lĩnh vực nào ngoại trừ hạt nhân", ông Zhao nói. "Trung Quốc phải phản ứng mạnh mẽ với sự gia tăng phát triển hạt nhân của Triều Tiên, Bắc Kinh phải tham gia với cộng đồng quốc tế, áp đặt các biện pháp trừng phạt thực sự ảnh hưởng đến Bình Nhưỡng".

Dưới áp lực quốc tế, Trung Quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt với Triều Tiên từ cuối năm 2017. Đáp lại, ông Kim Jong-un cũng xử lý một số quan chức chủ chốt có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, bao gồm cả người chú Jang Song-thaek.

Ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh hồi cuối tháng 3. Ảnh: Bussiness Insider

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã hành động nhanh chóng để khẳng định lại chính mình. Vào cuối tháng 3/2018, ông Kim đã đến Bắc Kinh - chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi lên nắm quyền cách đây 7 năm.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã bày tỏ sự tôn trọng đối với Trung Quốc bằng cách đi đến thủ đô Bắc Kinh để tìm kiếm lời khuyên. Đáp lại, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phần nào nhắc nhở thế giới rằng Trung Quốc vẫn là một nhà ngoại giao quan trọng để giải quyết vấn đề trên bán đảo.

Duyeon Kim, một thành viên cấp cao tại Diễn đàn tương lai bán đảo Triều Tiên ở Seoul nhận xét: "Trung Quốc không thích bức tranh hiện tại của 2 miền Triều Tiên và Trung tâm Mỹ mà không có Bắc Kinh”.

Áp lực tối đa vẫn sẽ được tiếp tục?

Vào năm 2017, Trung Quốc đã thông qua các biện pháp trừng phạt khó khăn nhất của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng. Sau đó, Bắc Kinh lo sợ nền kinh tế Triều Tiên sụp đổ sẽ tạo ra làn sóng người tị nạn chạy trốn qua biên giới.

Hồi tuần trước, khi Triều Tiên tuyên bố sẽ đình chỉ tất cả hoạt động thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa, một số nhà quan sát Trung Quốc coi đây là cơ hội để giãn các lệnh trừng phạt.

Trung Quốc có thể sẽ nới lỏng lệnh trừng phạt với Triều Tiên. Ảnh: CNN

Ngay sau thông báo đó, một bài viết trên Thời báo Hoàn cầu nêu rõ quan điểm như sau: "Nếu Washington vẫn muốn ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân với áp lực tối đa, nó sẽ gây nguy hiểm, và cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc đều không đồng ý với cách tiếp cận như vậy. Tiếp tục gây áp lực có lẽ sẽ báo trước một cuộc khủng hoảng dữ dội hơn nữa".

"Cộng đồng quốc tế nên khuyến khích Triều Tiên bằng cách dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt và nối lại một số trao đổi ngoại giao, cho Triều Tiên thấy lợi ích to lớn của việc được cộng đồng quốc tế ủng hộ và tầm quan trọng của việc từ bỏ vũ khí hạt nhân đối với an ninh", bài bình luận cho biết thêm.

"Chúng tôi tin rằng tất cả các nghị quyết nên được thực hiện và các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên không nên chỉ bao gồm các biện pháp trừng phạt mà còn cả các biện pháp khuyến khích nhân bản hóa cũng như thúc đẩy hòa bình, ổn định trên bán đảo", Thời báo Hoàn cầu khẳng định.

Về phần mình, Nhà Trắng khẳng định rằng Mỹ sẽ không đàm phán với bất kỳ nhượng bộ nào cho đến khi Triều Tiên có những bước cụ thể để tháo dỡ chương trình hạt nhân và tên lửa.

Ngoài ra, rõ ràng là chính phủ ông Tập Cận Bình không mong muốn Mỹ đóng vai trò trung tâm giải quyết vấn đề an ninh tại khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là vào thời điểm mà mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington căng thẳng.

Bà Kim, một nhà phân tích cho biết: "Nếu Trung Quốc không hài lòng với kết quả của 2 hội nghị thượng đỉnh, họ có thể dễ dàng làm gián đoạn nỗ lực của Mỹ bằng cách gia tăng trừng phạt với Triều Tiên”.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo CNN)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/trieu-tien-dam-phan-voi-my-va-han-quoc-trung-quoc-so-bi-day-ra-ngoai-a227617.html