Triều Tiên, địa chỉ đầu tư mới?

Sau buổi hội đàm lịch sử Mỹ - Triều vừa qua, Triều Tiên trở thành một điểm đến đầu tư được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Công nhân Triều Tiên làm việc trong khu công nghiệp Kaesong thuộc sở hữu của Hàn Quốc năm 2013.

Miền đất sôi động

Theo giới phân tích, vô số cơ hội mở ra cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Triều Tiên khi nước này tiến hành quá trình phi hạt nhân hóa. Khi đó, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng và truyền thông tại Triều Tiên sẽ rất lớn. Đây là cơ hội kiếm tiền của các nhà thầu, các nhà cung ứng nước ngoài.

Về địa lý, Triều Tiên nằm ở vị trí đắc địa, ở giữa chuỗi cung ứng châu Á bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là một điểm cộng của Triều Tiên trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

“Sẽ có nhiều khoản đầu tư hấp dẫn đổ vào thị trường Triều Tiên”, Peter Ward, một nhà nghiên cứu tại trường Đại học Quốc gia Seoul, người đã có nhiều năm nghiên cứu về Triều Tiên nói.

Đa phần người dân nước này còn nghèo, nhưng ngược lại họ được đào tạo và chi phí nhân công ở mức thấp hơn rất nhiều so với các nước láng giềng. Đây là những lợi thế có thể biến Triều Tiên trở thành một trung tâm sản xuất điện tử, dệt may tiềm năng, theo một số chuyên gia phân tích.

Đất nước này còn nhiều mỏ khoáng sản lớn chưa được khai thác như vàng, sắt, quặng và nhiều mỏ khoáng sản quý hiếm khác, có giá trị lên tới 6.000 tỉ đô la Mỹ, theo con số ước tính năm 2013 của Viện Tài nguyên Triều Tiên tại Seoul (Hàn Quốc). Ngoài ra, còn nhiều mỏ dầu và khí gas ở vùng biển phía Đông và Tây của nước này mà vẫn chưa có con số ước tính về giá trị.

“Khu vực Đông Bắc Á có thể trở thành một địa điểm sôi động của thế giới”, Masaaki Kanno, nhà kinh tế trưởng của Sony Financial Holdings Inc, nói với Bloomberg.

Dòng vốn đầu tư chảy vào Triều Tiên ngừng lại từ năm 2006 khi Liên hiệp quốc áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với quốc gia này vì hành động xây dựng kho vũ khí hạt nhân. Năm 2016, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào Triều Tiên chỉ vỏn vẹn 93 triệu đô la Mỹ so với 12 tỉ đô la Mỹ tại Hàn Quốc.

“Triều Tiên giống như Trung Quốc vào những năm 1980”, Jim Rogers, thuộc Rogers Holdings Inc nói với Bloomberg. “Đây có thể sẽ là đất nước sôi động nhất thế giới trong 20 năm tới. Mọi thứ ở Triều Tiên đều là cơ hội”.

Vậy dòng tiền sẽ chảy theo cách nào? Theo giới phân tích, các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ là những đơn vị tiên phong đầu tư. Những quỹ này sẽ đầu tư thông qua con đường không chính thức, tức đổ tiền vào cổ phiếu của các công ty có khả năng cao sẽ hợp tác kinh doanh với Triều Tiên khi nước này tiến hành phi hạt nhân hóa trên bán đảo.

Hyundai và các tập đoàn kinh tế khác của Hàn Quốc có thể sẽ thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư trong những tuần tới. Theo New York Times, cổ phiếu của các công ty Hàn Quốc như Posco, nhà sản xuất thép của Hàn Quốc; SK Innovation, một công ty lọc dầu; và các hãng hàng không Hàn Quốc đã tăng giá trong tuần qua. Những công ty này được cho là sẽ hưởng lợi lớn khi Triều Tiên mở cửa.

Không chỉ công ty của Hàn Quốc, các gã khổng lồ Nhật Bản như Mitsubishi hay Komatsu; các công ty niêm yết của Trung Quốc cũng thuộc tầm ngắm của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong thời gian tới.

Thách thức không ít

Tuy nhiên, theo giới phân tích, hoạt động đầu tư tại Triều Tiên cũng có nhiều thách thức. Nền kinh tế của Triều Tiên vẫn còn ở quy mô rất nhỏ, chỉ bằng một nửa quy mô của thành phố lớn thứ sáu của Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của Triều Tiên như điện, nước, viễn thông vẫn còn kém phát triển. Đặc biệt, nước này thiếu một cơ chế cơ bản để các công ty nước ngoài giải quyết tranh chấp trong kinh doanh.

Trước đó, nhiều công ty Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đầu tư tại Triều Tiên và rất nhiều trong số đó đã phải chứng kiến rủi ro.

Chẳng hạn, tập đoàn Xiyang đã ký một hợp đồng hợp tác vào năm 2007 để thành lập một liên doanh với Chính phủ Triều Tiên. Liên doanh mới này có nhiệm vụ xử lý 500.000 tấn quặng sắt mỗi năm. Năm năm sau, Bình Nhưỡng chấm dứt thỏa thuận và cắt hoàn toàn việc tiếp cận điện, nước và thông tin liên lạc với nhà máy này.

Khu công nghiệp Kaesong do Hyundai xây dựng ở Triều Tiên giáp biên giới Hàn Quốc hơn 10 năm trước. Trong khoảng thời gian đó, khu công nghiệp này đã hai lần đóng cửa. Hai năm trước, Triều Tiên còn phong tỏa tài sản tại khu công nghiệp này. 123 công ty hoạt động tại đây cho biết, họ đã thiệt hại tổng cộng 1,3 tỉ đô la Mỹ.

Thụy Điển cũng là một ví dụ. Nước này vẫn đang chờ Triều Tiên thanh toán 1.000 chiếc sedan Volvo được vận chuyển sang Triều Tiên vào những năm 1970. Một công ty viễn thông khổng lồ của Ai Cập đang kinh doanh ở Triều Tiên cũng không thể chuyển lợi nhuận của mình về nước.

“Rào cản lớn nhất đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài là hệ thống pháp lý tại đây”, JR Mailey, một điều tra viên liên quan tới các vụ gian lận và tham nhũng ở Triều Tiên, nói.

Cho dù thế nào, một số công ty vẫn nhìn Triều Tiên như mảnh đất đầy hứa hẹn. Gần ba phần tư doanh nghiệp Hàn Quốc sẵn sàng đầu tư vào Triều Tiên một khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, theo một cuộc khảo sát 167 công ty Hàn Quốc do Maeil Business Newspaper công bố tuần trước.

Hyundai đã lên kế hoạch mở cửa khu công nghiệp Kaesong. Khu công nghiệp mới sẽ bao gồm một khu vực công nghệ có sức chứa 2.000 công ty và 600.000 nhân viên, theo trang web của công ty. Khu phức hợp thậm chí còn có một sân golf.

Các tập đoàn bao gồm Hyundai Group, Lotte, và KT đã thiết lập một nhóm công tác đặc biệt (task force) có nhiệm vụ nghiên cứu cơ hội kinh doanh ở Triều Tiên. Trong một cuộc khảo sát gần đây của Liên đoàn doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc, 96% trong tổng số 101 công ty Hàn Quốc đã bày tỏ quan tâm đến việc trở lại đầu tư tại Gaeseong.

Không chỉ Hàn Quốc, nhiều công ty châu Âu cũng bày tỏ quan tâm tới thị trường này. Paul Tjia, người sáng lập của GPI Consultancy, công ty tư vấn thông tin cho các nhà đầu tư khi hoạt động ở nước ngoài, cho biết ông rất lạc quan. “Chúng tôi đang nhận được nhiều câu hỏi hơn của các doanh nghiệp châu Âu về Triều Tiên”, Tjia nói. Ông cho biết thêm là ông đang lên kế hoạch tổ chức một hội thảo giới thiệu tiềm năng đầu tư vào thị trường Triều Tiên trong tháng 9 tới.

Trúc Diễm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/274081/trieu-tien-dia-chi-dau-tu-moi-.html