Triều Tiên đủ sức chế tạo 7 quả bom hạt nhân mỗi năm

Triều Tiên đủ khả năng chế tạo 7 quả bom hạt nhân mỗi năm và sẽ làm chủ khả năng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân vươn tới Mỹ trong một thập kỷ tới, Giáo sư người Mỹ nhận định.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Giáo sư Siegfried Hecker, thuộc trường Đại học Stanford (Mỹ) là một trong số những nhà khoa học quốc tế hiếm hoi được trực tiếp khảo sát cơ sở hạt nhân phức hợp Yongbyon của Triều Tiên năm 2010.

Ông Hecker nói lần thử hạt nhân thứ 5 tuần trước của Bình Nhưỡng rất đáng lo ngại. "Không chỉ vì khả năng cụ thể mà Bình Nhưỡng muốn chứng tỏ, mà đây là một phần trong nỗ lực xây dựng kho vũ khí hạt nhân”.

“5 lần thử hạt nhân của Triều Tiên trong 10 năm qua, mỗi lần đều cảnh báo những mối đe dọa ngày càng to lớn hơn. Bình Nhưỡng hoàn toàn có đủ khả năng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân vươn đến Mỹ trong vòng một thập kỷ tới nếu không bị kiềm chế”.

Giáo sư Hecker nhận định, Triều Tiên đủ khả năng sản xuất 7 quả bom hạt nhân mỗi năm tại cơ sở phức hợp Yongbyon. Với nguyên liệu plutonium và uranium làm giàu hiện tại, Bình Nhưỡng có thể chế tạo tối đa 20 quả bom hạt nhân.

"Sau 2 lần thử nghiệm thành công liên tiếp trong năm nay, chúng ta phải thừa nhận rằng Triều Tiên đã thiết kế và phát triển đầu đạn hạt nhân, với khả năng đưa vào đầu đạn tên lửa tầm ngắn và tầm trung", ông Hecker nói.

Giáo sư Siegfried Hecker, đến từ Đại học Stanford (Mỹ).

Vấn đề đáng lo ngại là sau hàng loạt những vụ thử tên lửa, hạt nhân, Bình Nhưỡng có thể đánh giá sai tình hình và quá tự tin đến mức làm thay đổi cán cân an ninh trong khu vực.

“Khả năng Triều Tiên sở hữu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, tầm bắn vươn tới bất cứ đâu trong lãnh thổ Hàn Quốc, Nhật Bản hay thậm chí là các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương rõ ràng sẽ làm phức tạp thêm bức tranh quân sự tổng thể.

Giáo sư Mỹ cũng bày tỏ lo ngại, rằng Triều Tiên càng sở hữu nhiều bom hạt nhân, sẽ càng tạo ra những thách thức trong việc bảo đảm an toàn cho số bom này, trong trường hợp xung đột nội bộ hoặc chuyển giao quyền lực trong hỗn loạn.

Ngoài ra, tài chính kiệt quệ cũng có thể thúc đẩy nhà lãnh đạo Triều Tiên bán nguyên liệu hạt nhân hoặc các thiết bị phục vụ chương trình hạt nhân cho các nước khác, thậm chí là các tổ chức phi chính phủ.

Ông Hecker kết luận, lần thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên cho thấy lệnh trừng phạt hay việc chờ đợi Bắc Kinh thuyết phục Bình Nhưỡng đã không mang lại kết quả. “Điều mà Mỹ chưa làm được là đàm phán với chính quyền Triều Tiên, thông qua kênh ngoại giao”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/trieu-tien-du-suc-che-tao-7-qua-bom-hat-nhan-moi-nam-708055.html