Triều Tiên ở vị thế mới

Chủ tịch Triều Tiên tự tin phát tín hiệu đối thoại song phương với Trung Quốc, Nga sau khi đạt lời hứa từ Mỹ.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hôm 19/6 đã bắt đầu chuyến thăm 2 ngày tới Trung Quốc và có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tại cuộc hội đàm, hai bên đã trao đổi về tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện nay; nhất trí thúc đẩy phát triển quan hệ Trung Quốc -Triều Tiên; thúc đẩy hòa giải 2 miền, tạo cơ chế hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên tích cực ngoại giao song phương với Nga, Trung Quốc.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí duy trì, củng cố và phát triển quan hệ Trung - Triều, thúc đẩy cục diện hòa bình, ổn định hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, góp phần duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực và thế giới.

Ông Kim Jong-un đề nghị Trung Quốc tiếp tục phát huy vai trò, nỗ lực cùng các bên liên quan xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Kim không quên nhắc tới cuộc họp cấp thượng đỉnh với Mỹ - hy vọng các bên sẽ nghiêm túc thực hiện những thỏa thuận đạt được, mở ra cục diện mới thúc đẩy thực hiện phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã ủng hộ việc Triều Tiên phát triển đất nước phù hợp với tình hình thực tế của Triều Tiên, chuyển trọng tâm sang phát triển kinh tế, cải thiện đời sống dân sinh.

Ông Tập Cận Bình cũng đánh giá cao việc lãnh đạo Triều Tiên coi trọng trao đổi về chiến lược với Trung Quốc, tạo ra những bước tiến mới trong quan hệ hai nước.

Chuyến thăm lần thứ 3 của ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh cũng đã cho thấy vai trò của Trung Quốc trong các tiến trình trên bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt, chuyến thăm cũng cho thấy sự thay đổi của Chủ tịch Triều Tiên trong việc tích cực các chuyến thăm ngoại giao.

Không chỉ thăm Trung Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng củng cố quan hệ với Nga.

Chủ tịch Triều Tiên đã gửi thư tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngỏ ý duy trì liên lạc cấp cao với Moscow.

Hôm 14/6, tại cuộc gặp với Tổng thống Putin Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao (tức Quốc hội) Triều Tiên Kim Yong-nam đã chuyển tới một bức thư của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Tổng thống Putin đã đề nghị ông Kim Yong-nam chuyển lời mời của ông tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Nga vào tháng Chín.

Hãng tin RIA Novosti ngày 19/6 dẫn lời trợ lý chính sách đối ngoại Điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết về lá thư của ông Kim. Theo đó, ông Ushakov cho biết: "Thư nói rằng chúng tôi sẽ duy trì liên lạc, đặc biệt là ở cấp cao nhất".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hồi đầu tháng cho hay Moscow đã mời ông Kim Jong-un sang thăm và có thể nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ đến Nga nhân dịp Diễn đàn Kinh tế Phương Đông được tổ chức tại thành phố Vladivostok vào tháng 9.

Hiện hai nước chưa đưa ra quyết định cụ thể nào về việc này. Tuy nhiên, ông Putin đã ngỏ ý gặp riêng ông Kim Jong-un bên lề diễn đàn kinh tế.

Trong khi đó, Triều Tiên cũng đang chứng kiến những bước chuyển mình của Mỹ, đặc biệt là việc thực hiện đúng cam kết sau thượng đỉnh Mỹ- Triều.

Ngừng tập trận Mỹ- Hàn, Triều Tiên đợi Mỹ làm đúng lời hứa.

Mỹ và Hàn Quốc đã tuyên bố ngừng các cuộc tập trận quân sự chung để đổi lấy việc Triều Tiên thực hiện các bước đi đúng cam kết trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

Việc đảm bảo đúng cam kết của Mỹ cũng là điều quan tâm nhất của Triều Tiên. Trong một động thái tạo niềm tin với Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có thể tới Triều Tiên lần thứ ba để thúc đẩy thực hiện những cam kết được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim.

"Có rất nhiều việc phải làm giữa Mỹ và Triều Tiên và nhóm của tôi vẫn đang tiến hành. Tôi có thể sẽ trở lại đó ngay lập tức. Chúng tôi phải xác định tất cả những việc được thực hiện theo cam kết tại hội nghị ở Singapore" - ông Pompeo phát biểu tại thành phố Detroit, bang Michigan hôm 18/6.

Mối quan tâm thực sự của Mỹ trước tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên cũng đã cho thấy một cách rõ ràng nhất vị thế thực sự của Bình Nhưỡng đã tăng lên đáng kể trong mắt Washington.

Giờ đây, việc Mỹ tiếp tục thực hiện cam kết của mình với Triều Tiên đang trở thành những vấn đề được cả thế giới theo dõi trong khi Bình Nhưỡng dù đã hoàn thành (hoặc chưa) chương trình hạt nhân của mình thì vấn đề tối quan trọng hiện nay chỉ là mở cửa để chào đón làn sóng đầu tư mới.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/trieu-tien-o-vi-the-moi-3360348/