Triều Tiên phát tín hiệu mâu thuẫn cho Mỹ

Ngày 16.11, Triều Tiên đã trục xuất một công dân Mỹ bị giam giữ vì cáo buộc xâm nhập bất hợp pháp, một quan chức Mỹ cho biết.

Triều Tiên thả một công dân Mỹ giữa lúc thử nghiệm vũ khí mới. Ảnh: AP.

Quan chức Mỹ giấu tên thông tin, công dân Mỹ này đã rời Triều Tiên và đang trên chuyến bay trở về Mỹ.

Cùng ngày, KCNA ra thông báo cho hay, công dân Mỹ Bruce Byron Lowrance bị bắt vào ngày 16.10 vì xâm nhập bất hợp pháp vào Triều Tiên từ Trung Quốc.

AP nhận định, đây là một động thái thể hiện sự nhượng bộ rõ ràng trong bối cảnh Bình Nhưỡng đã công bố thử nghiệm một vũ khí "cực kỳ hiện đại" chưa xác định.

Cũng theo hãng tin AP, hai thông báo trái ngược, điều mà dường như nhằm khiến Washington vừa dễ chịu vừa phiền lòng. Động thái cho thấy Triều Tiên muốn duy trì cuộc đối thoại sống còn với Mỹ ngay cả khi nỗ lực đấu tranh để bày tỏ sự thất vọng khi ngoại giao hạt nhân bị ngưng trệ.

Trước động thái thả công dân Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo đánh giá cao sự hợp tác của Triều Tiên và đại sứ quán Thụy Điển - nơi xử lý các vấn đề lãnh sự cho công dân Mỹ ở Triều Tiên - trong việc "tạo điều kiện cho việc thả một công dân Mỹ". Tuyên bố ngắn gọn của ông không nêu thêm các chi tiết.

Động thái của Triều Tiên phù hợp với nỗ lực thúc đẩy chung về ngoại giao và tiếp xúc với Mỹ trong năm nay, AP đánh giá.

Cũng trong ngày 16.11, KCNA cho biết, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đích thân thị sát vụ thử thành công của một vũ khí chiến thuật tối tân vừa được phát triển nhưng không nêu chi tiết về vũ khí này.

AP cho rằng, loại vũ khí vừa được thử nghiệm dường như không phải là một vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa có khả năng tấn công tới lãnh thổ Mỹ.

Các chuyên gia nhận định, việc thử vũ khí có thể là một biểu hiện của sự tức giận của Triều Tiên với các biện pháp trừng phạt quốc tế do Mỹ dẫn đầu và các cuộc diễn tập quân sự quy mô nhỏ đang diễn ra giữa Hàn Quốc và Mỹ.

Đây là lần công khai thị sát thử vũ khí đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 vào tháng 11 năm ngoái, theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc.

Nhà phân tích Shin Beomchul thuộc Viện nghiên cứu chính sách Asan của Seoul cho biết: “Đây là phương thức ngoại giao cưỡng bức kiểu Triều Tiên. Triều Tiên đang nói rằng: "Nếu các vị không lắng nghe chúng tôi, các vị sẽ phải đối mặt với gánh nặng chính trị”".

Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo có thể nối lại chính sách củng cố kho vũ khí hạt nhân nếu không được nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Thanh Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/trieu-tien-phat-tin-hieu-mau-thuan-cho-my-641823.ldo