Triều Tiên phóng tên lửa và phản ứng của Mỹ: Bên cách cũ, phía tính mới

Phản ứng của Mỹ trước động thái mới của phía Triều Tiên bộc lộ những chủ ý chính sách mới của chính quyền Biden đối với điểm nóng này ở khu vực Đông Bắc Á. Phân tích của báo Thế giới & Việt Nam.

Việc Triều Tiên phóng tên lửa đã buộc tân Tổng thống Mỹ Joe Biden phải lưu tâm hơn đến việc xử lý mối quan hệ giữa Mỹ-Triều Tiên. (Nguồn: AFP)

BÌNH LUẬN CỦA BÁO THẾ GIỚI & VIỆT NAM

Với mấy lần phóng tên lửa hoặc đầu đạn vừa rồi, Triều Tiên đã buộc tân Tổng thống Mỹ Joe Biden phải lưu tâm hơn đến việc xử lý mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên, coi việc ấy là vấn đề đối ngoại hàng đầu. Nhưng sự xác định ưu tiên này cũng chỉ tương đối khi hiện tại ông Biden chưa và chưa thể dành ưu tiên cầm quyền hàng đầu cho đối ngoại.

Khiêu khích và kiềm chế

Nhìn vào những phát ngôn và hành động của ông Biden và cộng sự về Triều Tiên hoặc có liên quan đến Triều Tiên kể từ khi ông Biden chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ đến nay cho thấy ngay từ đầu người này và cộng sự chủ ý tạm thời để lắng dịu chuyện vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nói riêng và quan hệ giữa Mỹ với Triều Tiên nói chung, không để chúng trở thành chuyện thời sự và diễn biến trầm trọng thêm.

Phía Mỹ tìm cách đối thoại với Triều Tiên và tránh làm cho phía Triều Tiên cảm nhận bị khiêu khích hay đe dọa để khích lệ Triều Tiên không căng thẳng và gay gắt với Mỹ. Phía Mỹ còn như thế chừng nào quá trình xem xét lại và hoạch định lại chính sách đối với Triều Tiên chưa hoàn tất.

Trước khi tiến hành mấy lần phóng tên lửa hay đầu đạn vừa rồi, phía Triều Tiên không đáp ứng nỗ lực đối thoại của Mỹ và đã có những ngôn từ gay gắt phê phán, cảnh báo và răn đe Mỹ. Sau khi lại phóng tên lửa, phía Triều Tiên nặng lời thêm cả với Hàn Quốc.

Nhưng điều đáng chú ý ở các động thái này của Triều Tiên là không phải đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên tiếng và loại tên lửa hay đầu đạn vừa được phóng chỉ là loại tầm ngắn.

Như thế có nghĩa là sự thể hiện quan điểm thái độ của phía Triều Tiên cũng chỉ ở mức độ với chủ ý giúp Triều Tiên tới đây tiến tiếp hay thoái lui đều dễ dàng và không nhằm kích động hay lôi kéo Mỹ vào vòng xoáy mới về leo thang căng thẳng và đối đầu trong quan hệ song phương.

Cho dù có được thỏa thuận hay cam kết nào của Mỹ, phía Triều Tiên chắc chắn sẽ không bao giờ chịu từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa trước.

Hành xử đặc thù

Có thể nhận diện được từ đó cách thức hành xử đặc thù xưa nay của Triều Tiên trong quan hệ với Mỹ. Nó luôn bao hàm khẩu chiến kịch liệt và phóng tên lửa cùng với thử nghiệm hạt nhân.

Con át chủ bài chiến lược của Triều Tiên vẫn là duy trì và đẩy mạnh chương trình hạt nhân và tên lửa, là sự mập mờ về sở hữu vũ khí hạt nhân mà bên ngoài chỉ đồn đoán chứ không thể xác thực được và là sự thể hiện ý chí quyết tâm không để bị khuất phục trước những biện pháp trừng phạt của Mỹ và liên minh quân sự giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Phía Triều Tiên hiện không thể không để ý thấy rằng ông Biden chắc chắn sẽ không như người tiền nhiệm trong chính sách đối với Triều Tiên nói chung và trên phương diện quan hệ cá nhân với ông Kim Jong Un nói riêng. Triều Tiên vừa rồi có những động thái như trên vì hai lý do chính.

Thứ nhất là tác động trực tiếp vào tiến trình ở phía chính quyền của ông Biden về xem xét lại và hoạch định mới chiến lược và chính sách đối với Triều Tiên.

Thứ hai là thời sự hóa chuyện quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ, tức là buộc chính quyền của ông Biden phải ưu tiên xử lý quan hệ của Mỹ với Triều Tiên. Cho nên những gì phía Triều Tiên làm trong thời gian qua vừa là phép thử đối với chính quyền của ông Biden lại vừa là cách gây và gia tăng áp lực đối với chính quyền này ở Mỹ.

Trong quan hệ của Mỹ với Triều Tiên, những người tiền nhiệm của ông Biden giống nhau ở hai điểm là đều không dám để xảy ra đụng độ quân sự chứ chưa nói đến chiến tranh trực tiếp với Triều Tiên và đều chưa giải quyết được vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên theo hướng có lợi nhất cho Mỹ.

Cho dù có được thỏa thuận hay cam kết nào của Mỹ, phía Triều Tiên chắc chắn sẽ không bao giờ chịu từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa trước. Ông Biden đã có thời cọ sát trực tiếp với những nút thắt trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên thời là Phó Tổng thống Mỹ nên giờ chắc chắn không ảo tưởng về triển vọng Triều Tiên dễ dàng từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân để đổi lấy cam kết nào đấy của Mỹ.

Biến đại sự thành tiểu sự

Hai bên Mỹ và Triều Tiên cũng đâu có tin tưởng nhau. Bài học từ việc Mỹ ký thỏa thuận rồi đơn phương rút khỏi thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran nhãn tiền hơn bao giờ hết đối với Triều Tiên và buộc Triều Tiên phải thận trọng và chắc chắn trong quan hệ với Mỹ. Ông Biden càng găng với Trung Quốc và Nga thì càng khó phân rẽ hai đối tác này với Triều Tiên.

Từ đó có thể thấy định hướng chiến lược và chính sách của chính quyền của ông Biden đối với Triều Tiên trước mắt là không làm sôi động trở lại chuyện quan hệ của Mỹ với Triều Tiên, làm chìm và im vấn đề này chứ không để nó trở thành chuyện thời sự trong chính trị thế giới, chưa tính đến trừng phạt Triều Tiên thêm mà vẫn thể hiện thiện chí đàm phán.

Cũng có thể coi cách mưu tính này của ông Biden và cộng sự là câu giờ và biến đại sự thành tiểu sự để rồi sau một thời gian nữa sẽ toan tính khác để được cơ bản hơn và lâu dài hơn, chỉ ứng phó tình thế với những bước đi từ phía Triều Tiên. Phía Mỹ như thế thì rất bất lợi cho Triều Tiên nên phía Triều Tiên tới đây chắc sẽ gia tăng mức độ cách chơi xưa nay với Mỹ.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trieu-tien-phong-ten-lua-va-phan-ung-cua-my-ben-cach-cu-phia-tinh-moi-140974.html