Triều Tiên ra điều kiện đàm phán, bắt Mỹ thay đổi

Bình Nhưỡng bất ngờ tuyên bố sẽ không nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ trừ khi chính quyền ông Trump từ bỏ cách tiếp cận như hiện tại.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này hôm 24/5 bất ngờ phát đi những cáo buộc cho rằng Mỹ là người đã làm đổ vỡ hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần hai bằng những yêu sách đơn phương và quá đáng.

"Chúng tôi xin nói rõ một lần nữa rằng Mỹ sẽ không thể lay chuyển chúng tôi dù chỉ một li với phương kế họ đang tính toán, và họ càng có những hành động thù địch với Triều Tiên, chúng tôi sẽ càng phản ứng gay gắt" - Bộ Ngoại giao Triều Tiên thông báo.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này thông báo về vấn đề điều kiện: "Chỉ khi Mỹ gạt bỏ kiểu tính toán hiện thời và hướng tới một phương thức tính toán mới, đối thoại Mỹ - Triều mới được nối lại và triển vọng giải quyết vấn đề hạt nhân mới bớt u ám".

Sự u ám đã phủ bóng đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều từ sau Hội nghị Thượng đỉnh lần hai hồi cuối tháng 2 tại Hà Nội, khi hai bên kết thúc mà không thể ra tuyên bố chung.

Bức ảnh được chính phủ Triều Tiên công bố ngày 10/5 cho thấy cảnh một vụ thử vũ hệ thống vũ khí ở nước này.

Bức ảnh được chính phủ Triều Tiên công bố ngày 10/5 cho thấy cảnh một vụ thử vũ hệ thống vũ khí ở nước này.

Sau đó, chính quyền của ông Kim Jong-un đã tiến hành liên tiếp 2 vụ phóng tên lửa tầm ngắn trong tháng 5 với mục đích gây sức ép lên Washington và Seoul.

Những cáo buộc làm gia tăng căng thẳng tình hình đã được hai bên Mỹ - Triều phát đi qua lại với nhau liên tiếp. Song cả hai bên vẫn để ngỏ những nỗ lực đàm phán, thậm chí phía Washington còn cho rằng sẽ có Thượng đỉnh lần 3 để giải quyết dứt điểm vấn đề.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, dường như Bình Nhưỡng đã bất ngờ đưa ra "tối hậu thư" về quan điểm của mình. Họ chỉ trích Mỹ là bên cực đoan và yêu cầu thay đổi chính sách tiếp cận.

Dựa trên những gì hai bên đã cáo buộc với nhau, Mỹ muốn Triều Tiên hủy các bãi thử, công khai chương trình hạt nhân trước, sau đó mới hủy bỏ các biện pháp trừng phạt.

Ngược lại, Triều Tiên muốn Mỹ chậm nhất đến cuối năm đưa ra các điều khoản mà họ có thể chấp nhận được, như phương án cắt giảm một phần các biện pháp trừng phạt, họ sẽ hủy bỏ một phần các bãi thử để cả hai bên thấy thiện chí của nhau và có thể tin tưởng nhau.

Như vậy, Triều Tiên đã chính thức khép lại phương pháp đàm phán áp đặt một chiều của Mỹ bằng sự cứng rắn của mình. Trong trường hợp này, đây không phải cách làm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ưa thích.

Kể từ khi nắm quyền, ông Trump là người thích đàm phán song phương với các chính sách cứng rắn. Washington sẽ chỉ ngồi vào bàn đàm phán khi giữ được vị thế cửa trên và không chấp nhận tình trạng bị áp đặt từ đối phương. Trong trường hợp vấp phải sự kiên quyết kiểu Bình Nhưỡng, Mỹ sẽ lựa chọn tiếp tục gia tăng sức ép thay vì lựa chọn những phương án mềm mỏng hơn.

Trước thông tin mà Bình Nhưỡng đưa ra, tờ Chosun Ilbo nhận định rất có thể Mỹ sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp răn đe mới, như gia tăng trừng phạt vào bên đang ngầm hỗ trợ Triều Tiên, cũng như bổ sung các cuộc tập trận, các hành động tăng quân tại Hàn Quốc cũng như Nhật Bản.

Những động thái cứng rắn của Triều Tiên đưa ra phát đi vào thời điểm nhạy cảm, khi mối quan hệ giữa Mỹ - Trung Quốc và Mỹ - Nga đang có nhiều bất đồng, mâu thuẫn. Đặc biệt, Tổng thống Trump đã từng khẳng định nhiều lần, hai bên Bắc Kinh và Moscow có ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định và động thái của Bình Nhưỡng.

Trong bối cảnh này, rất có thể triển vọng cho cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên sẽ tiếp tục rơi vào một giai đoạn bế tắc mới, sau rất nhiều nỗ lực từ cả hai bên Mỹ - Triều.

Minh Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trieu-tien-ra-dieu-kien-dam-phan-bat-my-thay-doi-3380684/