Triều Tiên tăng cường năng lực hạt nhân và tên lửa?

Ngày 11-2, hãng Reuters dẫn một báo cáo mật của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) cho biết, Triều Tiên tiếp tục tăng cường các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này trong năm 2019, vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ.

Hình chụp một vụ thử tên lửa của Triều Tiên do hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 28-11-2019. Ảnh: Reuters

Hình chụp một vụ thử tên lửa của Triều Tiên do hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 28-11-2019. Ảnh: Reuters

Nội dung trên nằm trong bản báo cáo dài 67 trang của Ủy ban trừng phạt Triều Tiên thuộc HĐBA LHQ, dự kiến được công bố vào tháng tới.

Trung Quốc lên tiếng

Các lệnh trừng phạt của LHQ nhắm vào Triều Tiên từ năm 2006 với mục tiêu cắt đứt nguồn tài trợ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Thế nhưng, báo cáo cho biết để lách lệnh trừng phạt, Triều Tiên đã bắt đầu xuất khẩu hàng triệu tấn hàng hóa (bị cấm vào năm 2017) bằng cách sử dụng sà lan. “Theo nguồn tin của một quốc gia thành viên, Triều Tiên đã xuất khẩu 3,7 triệu tấn than, ước tính trị giá 370 triệu USD, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8-2019”, báo cáo cho biết. Hầu hết số than trên (2,8 triệu tấn) được các tàu của Triều Tiên vận chuyển sang các sà lan của Trung Quốc. Nguồn tin của một quốc gia thành viên chưa xác định cung cấp cho cơ quan của LHQ cho biết các sà lan chở than đến thẳng 3 cảng ở vịnh Hàng Châu cũng như một số cơ sở chạy dọc sông Dương Tử. Ngoài ra, Triều Tiên cũng xuất khẩu ít nhất 1 triệu tấn cát, trị giá 22 triệu USD, đến các cảng ở Trung Quốc.

Ngoài việc xuất khẩu hàng hóa bị cấm, Bình Nhưỡng tiếp tục nhập khẩu trái phép xăng dầu bằng đường biển. Từ năm 2017, HĐBA LHQ giới hạn số lượng xăng dầu nhập khẩu Triều Tiên được phép nhập khẩu là 500.000 thùng/năm. Tuy nhiên, các giám sát viên của LHQ cho biết từ ngày 1-1 đến 31-10-2019, Triều Tiên đã nhập khẩu số xăng dầu vượt giới hạn cho phép gấp nhiều lần.

Trung Quốc đã bác bỏ những thông tin trên, tuyên bố bất kỳ cáo buộc nào nhằm vào nước này là vô căn cứ. “Về việc thực thi các Nghị quyết của HĐBA LHQ liên quan đến Triều Tiên, Trung Quốc luôn tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế của mình và phải gánh chịu những tổn thất lớn trong quá trình thực hiện”, một đại diện của Trung Quốc tại LHQ khẳng định. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 11-2 cho biết, Bắc Kinh quan ngại về việc bản báo cáo bị rò rỉ và cho biết “không có bình luận về bản báo cáo này”.

Tác dụng ngoài ý muốn

Dù các lệnh trừng phạt của LHQ không nhằm làm tổn hại đến người dân Triều Tiên, báo cáo của HĐBA LHQ cho biết: “Có một chút nghi ngại rằng các lệnh trừng phạt của LHQ đã có tác dụng ngoài ý muốn đối với tình hình nhân đạo và viện trợ, dù việc tiếp cận dữ liệu, bằng chứng bị hạn chế”. Trước đó, Trung Quốc và Nga đã bày tỏ quan ngại về việc các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến người dân Triều Tiên và bày tỏ hy vọng các lệnh trừng phạt được nới lỏng, giúp phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, Mỹ, Pháp và Anh đều khẳng định đây chưa phải là lúc cân nhắc dỡ bỏ trừng phạt.

Bình Nhưỡng từng tuyên bố không còn bị ràng buộc bởi cam kết dừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa và đổ lỗi cho Mỹ đã không đáp ứng thời hạn cuối năm 2019 để thể hiện sự linh hoạt hơn trong các cuộc đàm phán hạt nhân và trong các lệnh trừng phạt “tàn bạo và vô nhân đạo”. Triều Tiên đã tiến hành 13 vụ thử tên lửa vào năm ngoái, phóng ít nhất 25 tên lửa, bao gồm các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và phóng từ tàu ngầm. Theo HĐBA LHQ, điều này cho thấy Triều Tiên đã tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và năng lực cho chương trình tên lửa của mình.
Các giám sát viên của LHQ cũng kết luận rằng Triều Tiên tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào các tổ chức tài chính và trao đổi tiền điện tử trên toàn cầu.

ĐỖ CAO tổng hợp

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/trieu-tien-tang-cuong-nang-luc-hat-nhan-va-ten-lua-645114.html