Triều Tiên thay đổi quan trọng về nhân sự và chính sách

Trong các ngày 9 và 11.4 vừa qua, tại Triều Tiên đã diễn ra các cuộc họp quan trọng là Hội nghị toàn thể Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Triều Tiên và Kỳ họp thứ nhất Hội nghị nhân dân tối cao khóa 14 với những thay đổi lớn về nhân sự trong ban lãnh đạo Hội đồng nhà nước cũng như chính sách đối nội, đối ngoại.

Ban lãnh đạo mới của Hội đồng Nhà nước Triều Tiên mới được bầu tại kỳ họp thứ nhất Hội nghị nhân dân tối cao khóa 14.

Ban lãnh đạo mới của Hội đồng Nhà nước Triều Tiên mới được bầu tại kỳ họp thứ nhất Hội nghị nhân dân tối cao khóa 14.

Từ ngày 11.4.2019 vừa qua, Hội nghị nhân dân tối cao (Quốc hội) Triều Tiên khóa 14 mới được bầu hôm 10.3.2019 đã tiến hành kỳ họp thứ nhất, bầu ông Kim Jong Un tiếp tục giữ chức Ủy viên trưởng Ủy ban Quốc vụ (tức Hội đồng nhà nước) và suy tôn ông là “Đại diện tối cao của toàn thể nhân dân Triều Tiên”. Một số chức vụ quan trọng cũng được thay đổi: ông Choe Ryong Hae, sinh năm 1950, Chủ tịch Quân ủy trung ương, làm Phó Ủy viên trưởng thứ nhất Hội đồng nhà nước và thay ông Kim Yong Nam giữ chức Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao. Ông Kim Yong Nam năm nay 91 tuổi, đã giữ chức này từ khi mới được đặt ra năm 1988 cho đến nay, là một nhân vật quen thuộc đã từng tham gia nhiều sự kiện quốc tế.

Hội trường kỳ họp thứ nhất, Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên khóa 14

Thủ tướng Pak Pong Ju được bầu làm Phó Ủy viên trưởng Hội đồng nhà nước; người thay ông giữ chức Thủ tướng là ông Kim Jae Ryong, một trong những nhân vật chủ trương cải cách kinh tế triệt để nhằm giúp Bắc Triều Tiên chống chọi với những trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Các ông Kim Yong Chol, người thân tín của ông Kim Jong Un, ngoại trưởng Ri Yong Ho và nữ Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui - là các quan chức từng tham gia cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong Un lần 2 ở Hà Nội, đã được bầu vào Hội đồng Nhà nước, cơ quan quyền lực của Bắc Triều Tiên gồm 11 ủy viên.

Căn cứ vào bức ảnh chụp ban lãnh đạo mới do KCNA công bố, người ta thấy có tới 4 nhân vật trong giới ngoại giao, gồm Phó chủ tịch Đảng Ri Su Yong, Phó chủ tịch Đảng phụ trách đàm phán với Mỹ Kim Yong Chol, Ngoại trưởng Ri Yong Ho và Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui. Tờ Người quan sát của Trung Quốc nhận xét, điều này có nghĩa là Hội đồng nhà nước sẽ phát huy tác dụng lớn hơn trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại.

Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA khi đưa tin về việc bầu ra ban lãnh đạo mới đã bình luận: “Đây là sự kiện chính trị lớn có ý nghĩa trọng đại thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước hoàn thành sự nghiệp cách mạng Juche”.

Ông Kim Jong Un phát biểu tại kỳ họp Hội nghị nhân dân tối cao

Các chuyên gia về vấn đề Triều Tiên nhận xét, như vậy 8 năm sau khi người cha là Kim Jong Il qua đời, ông Kim Jong Un đã hoàn tất quá trình thâu tóm mọi quyền lực. Tờ Người quan sát của Trung Quốc cho rằng: “Đây là ban lãnh đạo quốc gia mới đã hình thành kể từ sau khi ông Kim Jong Un nắm quyền, sẽ đảm đương trọng trách tự lực cánh sinh xây dựng cường quốc kinh tế”. Theo ông Michael Madden ở Stimson Center có trụ sở tại Washington, việc cải tổ bộ máy chính quyền Triều Tiên lần này là quan trọng nhất kể từ nhiều năm qua.

KCNA ngày 13.4 cho biết, hôm 12.4 tại kỳ họp đầu tiên của quốc hội khóa mới này, nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong Un đã có bài phát biểu quan trọng nhan đề “Xây dựng Chủ nghĩa xã hội giai đoạn hiện nay và chính sách đối nội đối ngoại của chính phủ nước cộng hòa”.

Trong bài phát biểu của mình, ông Kim Jong Un chỉ rõ: gần đây, trước hiện thực phát triển nhanh chóng sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên, Mỹ cảm thấy lo lắng về an toàn của họ, một mặt ngồi vào bàn đàm phán chơi trò cải thiện quan hệ và vấn đề hòa bình, mặt khác ngoan cố thúc đẩy trừng phạt kinh tế hòng xoay ngược đường đi của Triều Tiên nhằm thực hiện dã tâm giải trừ vũ khí trước, lật đổ chế độ sau.

Ông Kim Jong Un cho rằng, mới đây, Mỹ mạnh mẽ ngầm bày tỏ xem xét lại việc tổ chức cuộc hội đàm thượng đỉnh Triều – Mỹ lần thứ 3, thông qua đàm phán giải quyết vấn đề; nhưng họ vẫn tránh né con đường căn bản xây dựng mối quan hệ kiểu mới – hủy bỏ chính sách thù địch, mà trái lại vẫn sai lầm cho rằng có thể dùng cách gây sức ép để khuất phục Triều Tiên.

Ông Choe Ryong Hae - Phó Ủy viên trưởng thứ nhất Hội đồng nhà nước và Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao - nhân vật lãnh đạo thứ hai của Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh, Triều Tiên không rảnh và cũng không muốn tiến hành kiểu gặp gỡ cấp cao giống như cuộc gặp gỡ ở Hà Nội. Cuộc hội đàm lần thứ 3 cần Mỹ phải từ bỏ những tính toán hiện nay, đối xử với Triều Tiên với phương thức mới. Nếu Mỹ có thái độ đúng đắn, tìm thấy cách Triều Tiên có thể chấp nhận được để tiến hành cuộc hội đàm cấp cao lần thứ 3 thì chúng ta cũng muốn thử một lần nữa.

Cuối cùng, ông Kim Jong Un chỉ rõ: hôm nay tại đây chúng ta thấy không cần thiết phải vội vã vì bãi bỏ cấm vận mà phải tiến hành hội đàm cấp cao với Mỹ. Chúng ta sẽ kiên nhẫn chờ đến cuối năm nay để xem Mỹ có can đảm đưa ra quyết định hay không, nhưng sẽ khó có cơ hội tốt như lần trước. Chúng ta chờ đợi Mỹ có sự phán đoán sáng suốt vào thời khắc then chốt và hy vọng chấm dứt cuộc đọ sức Triều – Mỹ dù rất khó khăn.

Tuyên bố này của nhà lãnh đạo Triều Tiên được coi là sự đáp lại ý kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại Nhà Trắng hôm 11.4. Khi đó, ông Trump đã bày tỏ sẵn sàng tổ chức cuộc gặp mặt lần thứ 3 với ông Kim Jong Un, nhưng nói rằng Washington sẽ vẫn giữ các lệnh trừng phạt.

Phát biểu trước các đại biểu quốc hội, Kim Jong Un nói: “Hội nghị cấp cao Hà Nội khiến chúng ta thận trọng về việc liệu Mỹ có thực sự cố gắng cải thiện mối quan hệ Triều Tiên – Mỹ hay không? Tại Hà Nội, Mỹ đã đến với các kế hoạch hoàn toàn không thể thực hiện được và đã không thực sự sẵn sàng đối thoại trực tiếp với chúng ta để giải quyết vấn đề. Với lối suy nghĩ đó, Mỹ sẽ không thể lay chuyển được chúng ta kể cả khi họ ngồi với chúng ta hàng trăm, hàng ngàn lần và sẽ không thể có được những gì họ muốn”.

Cuộc gặp gỡ cấp cao Donald Trump - Kim Jong Un lần thứ 3 đã trở nên xa vời.

Trước đó, ngày 10.4, Hội nghị toàn thể Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã họp để thảo luận về tình hình hiện nay. KCNA cho biết, hội nghị chỉ tập trung bàn về vấn đề phát triển kinh tế. Phát biểu tại hội nghị, ông Kim Jong Un yêu cầu các thành viên trung ương đảng phải “chứng tỏ thái độ xứng đáng của người làm cách mạng và xây dựng đất nước trong tình hình căng thẳng hiện nay, đồng thời tuân thủ chiến lược mới của Đảng”. Theo KCNA, ông Kim Jong Un đã “phân tích sâu sắc tình hình trong khi chờ đợi có giải pháp khẩn cấp trong Đảng và Nhà nước”. Hội nghị trung ương Đảng “đã quyết định những đường hướng mới và phương thức đấu tranh phù hợp với tình hình cách mạng hiện nay”.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng đã thúc giục toàn đảng nỗ lực xây dựng nền kinh tế tự túc, phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa, để “giáng một đòn quyết định vào các thế lực thù địch, vốn tin tưởng là các trừng phạt có thể buộc Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên phải quỳ gối”.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/trieu-tien-thay-doi-quan-trong-ve-nhan-su-va-chinh-sach-350500.html