Trình báo cáo về cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phiên họp Chính phủ tháng 3

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa được yêu cầu phải hoàn thiện báo cáo về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2017.

Bộ KH&CN được giao chủ trì việc nghiên cứu về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động đến kinh tế nước ta và đề xuất cơ chế, chính sách tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Ảnh minh họa. Nguồn: baoquocte.vn)

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017 mới được ban hành, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&CN hoàn thiện báo cáo về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 3 năm nay.

Chính phủ cũng giao Bộ KH&CN, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cùng UBND TP Hà Nội tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, trong Nghị quyết 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành vào ngày đầu tiên của năm nay, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương chủ động nghiên cứu về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động đến kinh tế nước ta và đề xuất cơ chế, chính sách tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo chỉ đạo của Chính phủ, thời hạn Bộ KH&CN phải báo cáo kết quả nghiên cứu về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là trong quý I/2017.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là nội dung được các cấp lãnh đạo, các chuyên gia ngành CNTT đề cập nhiều trong thời gian gần đây. Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại với các tập đoàn thành viên Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF trong lĩnh vực CNTT và một số lĩnh vực liên quan vào ngày 19/1/2017 trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị WEF ở Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi diện mạo thế giới và phương thức chúng ta sống và làm việc. Tại Việt Nam, lĩnh vực CNTT đang phát triển bùng nổ và từng bước “thông minh hóa” nhiều lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục…

Trong 10 năm qua, Việt Nam là một trong những thị trường công nghệ thông tin, viễn thông tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Hiện nay, khoảng 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ mới; có khoảng 52% dân số Việt Nam sử dụng Internet. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu điện thoại, máy vi tính, máy ảnh và các loại linh kiện của Việt Nam đạt hơn 55 tỷ USD. Việt Nam nằm trong Top 10 khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Top 30 thế giới về gia công phần mềm (theo Tập đoàn CNTT Gartner 2015).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Chúng tôi đang phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam sẽ nằm trong Top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với khoảng 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực CNTT. Một trong những chương trình ưu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 mà Việt Nam đăng cai là tăng cường năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số và đổi mới, sáng tạo về CNTT là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu”.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị WEF ở Davos, cùng ngày 19/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại phiên thảo luận “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực” . Thủ tướng đã một lần nữa nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi cơ bản phương thức tạo ra của cải vật chất và vì thế cũng sẽ thay đổi cả tương lai của nhân loại. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng những nước đang phát triển đi sau, nếu biết tranh thủ cơ hội và có chiến lược phát triển đúng đắn, có thể phát triển nhanh, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia đi trước”.

Trong phát biểu tại phiên thảo luận ở WEF, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cho biết, Việt Nam sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ đổi mới sáng tạo tập trung phát triển nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ; bắt kịp làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ để trở thành động lực của tăng trưởng bền vững.

M.T

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/nuoc-manh-cntt/trinh-bao-cao-ve-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-trong-phien-hop-chinh-phu-thang-3-150195.ict