Trịnh Công Sơn-Khánh Ly: Hình và bóng của một giấc mộng dài - Kỳ 4: Bà chủ phòng trà Khánh Ly

Trịnh Công Sơn-Khánh Ly: Hình và bóng của một giấc mộng dài – Kỳ 3: Ở một nơi ai cũng quen nhau Trịnh Công Sơn-Khánh Ly: Hình bóng của một giấc mộng dài- Kỳ 2: Chân dung quán cà phê sân cỏ Sài Gòn Kỳ 1: Con chim sơn ca ở thành phố Sương mù

Hội quán Cây Tre của ca sĩ Khánh Ly dù rất nổi tiếng, quy tụ được những cặp đôi ca hát lừng lẫy cũng không trụ được lâu. Khách thưa vắng dần vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có bao nhiêu gương mặt nên Khánh Ly dẹp quán đi kinh doanh phòng trà. Cô đứng ra khai thác phòng trà Khánh Ly ở số 12-14 Tự Do (Đồng Khởi) Q.1 bấy giờ, cùng với cô em gái cũng là ca sĩ tên Ngọc Minh.

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trong một lần hội ngộ ở trời Tây.

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trong một lần hội ngộ ở trời Tây.

Thời điểm này Khánh Ly đã là bà chủ một phòng trà bề thế, nổi tiếng ở khu trung tâm thương mại lớn nhất Sài Gòn thời cực thịnh của thế giới giải trí. Ca sĩ Khánh Ly cũng là một trong những nghệ sĩ giàu có kiếm được nhiều tiền bằng giọng hát của chính mình và biết khai thác tên tuổi trên lĩnh vực kinh doanh. Điều đặc biệt là trong lúc ca sĩ Khánh Ly quy tụ rất nhiều ngôi sao ca nhạc bấy giờ về hát cho phòng trà của chị nhưng lại không có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Lệ Thu.

Về Trịnh Công Sơn, lý do để anh không xuất hiện trên sân khấu phòng trà của Khánh Ly hay bất cứ phòng trà nào của Sài Gòn thời đó, thứ nhất do Trịnh Công Sơn trốn quân dịch, không thể đường hoàng xuất hiện trước những nơi mà an ninh bản thân không bảo đảm. Đồng thời lúc đó bất cứ lúc nào cảnh sát chìm, cảnh sát nổi chế độ Sài Gòn cũng có thể bắt giữ anh chỉ với… tội danh đơn giản là “nhạc sĩ phản chiến, thân cộng”.

Thứ hai, phong cách Trịnh Công Sơn không phù hợp khi đứng hát ở chốn ăn chơi, giải trí hào nhoáng, phù phiếm như sân khấu phòng trà, vũ trường. Ở những chỗ ấy anh chỉ làm khán giả thì được nhưng hầu như sự có mặt của anh cũng chỉ là xã giao, bạn bè rồi tìm cách rút lui. Phong cách trình diễn và nhạc của Trịnh Công Sơn một là ở một không gian nhỏ hẹp, thân mật với một nhóm bạn, hai là ở các sân trường trước đám đông HS, SV, thanh niên.

Còn về ca sĩ Lệ Thu, chị không hát ở phòng trà của Khánh Ly cũng rất dễ hiểu nguyên nhân. Thời đó, có dư luận cho rằng Khánh Ly và Lệ Thu không ưa nhau chỉ vì “con gà tức nhau tiếng gáy”. Nơi nào có Lệ Thu là không có Khánh Ly và ngược lại. Do đó khi xếp giờ hát ở phòng trà, trưởng ban nhạc cũng xếp lệch giờ để Khánh Ly không chạm mặt Lệ Thu và ở các chương trình biểu diễn văn nghệ khác cũng thế.

Giải mã nghệ danh Khánh Ly và giọng hát “ma túy”

Khánh Ly là “nghệ danh” của Nguyễn Thị Lệ Mai mà tên gọi thân mật của bạn bè thân thiết thường gọi Khánh Ly là “Mai đen”, vì nước da của Khánh Ly là nước da ngâm, đây là biệt danh có từ thời thơ ấu của Khánh Ly lúc còn ở Hà Nội không cần gì phải giải mã.

Nhưng “nghệ danh” Khánh Ly của chị thì có nhiều ngộ nhận khác nhau cần phải “giải mã”. Như người viết đã nói ở phần trên, Khánh Ly là cách ghép tự, lấy tên từ hai nhân vật trong “Đông Chu Liệt Quốc” là Khánh Kỵ và Yêu Ly. Nhưng nhiều người lại cho rằng “nghệ danh” Khánh Ly lại có nguồn gốc khác: Khánh là do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đặt, còn Ly là tên ông cò quận 1 mà Khánh Ly nhận làm cha nuôi.

Sự ngộ nhận này người ngoài thì có thể lầm tin chứ trong giới văn nghệ sĩ thì tất nhiên… không chấp nhận. Bởi lẽ khi còn sống, anh em văn nghệ chưa từng nghe Trịnh Công Sơn nói là đã đặt nghệ danh cho Khánh Ly từ cách ghép tự này và một lẽ nữa cò Ly, trưởng ty cảnh sát quận 1 là một người cùng thời, chỉ lớn hơn Khánh Ly nhiều tuổi chứ chưa… đủ tuổi để Khánh Ly nhận làm cha nuôi.

Còn việc Khánh Ly mang biệt danh “giọng hát ma túy” là do công chúng yêu mến chất giọng đặt biệt “nhừa nhựa” của cô đặt chứ hoàn toàn không phải do Khánh Ly nghiện ma túy như lời đồn đoán, dù rằng đã có một scandal về việc này.

Trước năm 1975, chuyện văn nghệ sĩ nổi tiếng vướng scandal thị phi là chuyện… “thường ngày ở huyện”, bởi báo chí thời đó phải cạnh tranh độc giả khốc liệt để tồn tại nên báo nào cũng dùng nhiều chiêu trò để hấp dẫn độc giả. Một trong những chiêu trò để báo chí Sài Gòn sử dụng là tạo scandal, mà đối tượng để thả một trái bom tấn khiến dư luận phải “choáng váng” là những văn nghệ sĩ nổi tiếng tức là đối tượng tác động mạnh đến công chúng.

Do đó chuyện diễn viên A, ca sĩ B, người đẹp C, bất ngờ bị lên báo là chuyện bình thường, vấn đề là các tờ báo đó khai thác theo dưới góc độ nào, cái nhìn ra sao, có tâm, có tầm hay… chơi xả láng.

Có tâm là không đánh nốc-ao đối tượng khiến cho nghệ sĩ đó chết luôn, có tầm là chỉ đưa 70% sự việc chừa 30% để đối phó, ứng xử và phải biết lượng giá tiềm năng của sức hút dư luận vào vấn đề. Nhưng đó là vấn đề khác không thuộc phạm vi bài này khi nào viết hồi ký “làm báo ở Sài Gòn” tác giả sẽ đề cập đến, nhiều chiêu trò đã vực dậy một số tờ báo sắp “ngủm củ tỏi” vì… rớt độc giả thê thảm khiến chủ nhiệm (người bỏ tiền ra làm tờ báo) bị thua lỗ không gượng nổi.

Trở lại việc ca sĩ Khánh Ly bị vướng sancal nghiện ma túy vì cô cũng không ngoại lệ. Chuyện rằng, một hôm Khánh Ly đi chung trên xe ô tô của một “cớm cảnh sát” quận 1 lên Thủ Đức có việc cần. Đi được nửa đường thì bị một nhóm cảnh sát thuộc quyền của một “ông cò” đối nghịch chận lại kiểm tra, khám xét cốp sau xe phát hiện có một bộ bàn đèn hút thuốc phiện.

Trên xe của một “ông cò” mà có bàn đèn hút thuốc phiện là chuyện “động trời”, không cần biết bộ dụng cụ “bắn khỉ” này từ đâu mà có, nhưng nếu để “ông cò” quận 1 mà “lãnh thẹo” vụ này, rồi báo chí chộp lấy đưa tin thì cuộc đời của “ông cớm” một quận trung tâm Sài Gòn sẽ đi đứt.

Do đó Khánh Ly đã làm nghĩa cử của “Lê Lai cứu Lê Lợi”, chị nhận bộ bàn đèn đó là của mình, nhưng không phải để hút thuốc phiện mà là để trang trí cho vui. Khánh Ly là một ca sĩ nổi tiếng, ai cũng quen mặt, biết tên và với việc chỉ phát hiện bộ bàn đèn mà không bắt được quả tang người đang hút thì cũng chẳng có cơ sở nào để xử lý nên chuyện… cho qua.

Tuy nhiên báo chí thì vớ được một thông tin sốt dẻo như thế nên tung hê lên là ca sĩ Khánh Ly… nghiện thuốc phiện, đi du hí mà còn mang theo bộ bàn đèn để “bắn khỉ” khi tới cử. Quả là tin chấn động. Dư luận lập tức bị “sốc” với tin này, một số tờ báo lao vào khai thác sự việc nên số lượng tăng lên đột xuất, còn ca sĩ Khánh Ly thì khóc dở, mếu dở cậy nhờ một số nhà văn, nhà báo thân tình tìm cách viết tin, viết bài đính chính.

Lại một dịp bán báo nữa, nhưng Khánh Ly thì không làm sao đính chính được hết dư luận. Thêm vào đó giọng hát Khánh Ly “nhừa nhựa” như người nghiện ma túy, các báo được cơ hội gán luôn cho Khánh Ly thương hiệu… “giọng hát ma túy” thì chị hết đỡ.

Lận đận đường tình

Khánh Ly hát hay, nói chuyện tếu táo, đấu hót với anh em văn nghệ rất vui và rất thông minh, có duyên, nhưng không phải là một phụ nữ đẹp đến hớp hồn đàn ông. Thời mới ở Đà Lạt xuống Sài Gòn đi hát với Trịnh Công Sơn Khánh Ly mới 20 tuổi, gương mặt tròn, đôi mắt to, sâu đen thăm thẳm, mái tóc dài bồng bềnh xõa vai. Lúc ấy, Khánh Ly là một cô gái đẹp, dễ thương chứ không phải là một mỹ nhân sexy dù Khánh Ly là một ca sĩ trẻ có cuộc sống và sinh hoạt phóng khoáng. Khánh Ly sở hữu nước da ngăm nên chụp hình rất “ăn ảnh”, bây giờ nhìn lại những tấm ảnh ngày xưa Khánh Ly chụp không ai phủ nhận Khánh Ly là một trong không nhiều nữ ca sĩ đẹp thời đó.

Nhưng đàn ông không phải yêu Khánh Ly vì nhan sắc mà là yêu Khánh Ly vì cả hai, trong đó giọng hát Khánh Ly là chính vì nó có sức thu hút mãnh liệt, nhất là khi Khánh Ly đứng trên sân cỏ quán Văn mặc áo dài, đi chân trần mà hát rất “máu lửa” những ca khúc phản chiến của nhạc sĩ họ Trịnh, khiến khán thính giả ngồi bên dưới nghe và nhìn cũng “máu lửa” theo. Tiếng hát Khánh Ly là tiếng hát “truyển lửa” cho đám đông, không chỉ là nhạc “Phản chiến” mà khi cô hát tình ca của Trịnh Công Sơn cũng thế, làm người nghe phải nghẹn lòng với “Ướt mi”, “Thương một người”, hay “Phôi pha”…

Trước năm 1975, tôi đã gặp Khánh Ly nhiều lần và một lần ở Hội quán Cây Tre trên đường Đinh Tiên Hoàng Đa Kao để phỏng vấn cô và thực hiện bài viết cho chuyên mục trên một tờ báo. Tôi còn nhớ hôm ấy vào buổi sáng, khoảng hơn 9 giờ có hẹn trước với Khánh Ly và tôi đã đến đúng hẹn.

Khánh Ly nằm trên chiếc ghế sô-pha hóng nắng đang lên ngoài thềm cửa qua những tán tre xòe ra. Chắc là Khánh Ly vừa thức dậy sau một đêm khó ngủ nên trông chị có vẻ lười biếng, mặt không trang điểm, váy hoa màu vàng có những bông cúc trắng đại đóa, hai ngón tay hờ hững cầm điếu thuốc Salem hút dở và cứ thế chúng tôi nói chuyện không đầu, không đuôi, không ra một bài phỏng vấn nhưng khá đầy đủ về Khánh Ly.

Hồi đó là sau giai đoạn ở quán Văn, cũng như trong cách nói chuyện thổ lộ tâm sự, tôi biết Khánh Ly là một người phụ nữ hơn nữa chị là một ca sĩ lận đận trong tình duyên vì cá tính khá mạnh mẽ.

(Còn tiếp)

TỪ KẾ TƯỜNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202305/trinh-cong-son-khanh-ly-hinh-va-bong-cua-mot-giac-mong-dai-ky-4-ba-chu-phong-tra-khanh-ly-980149/