Trịnh Công Sơn: Nhạc sĩ tài hoa trong hội họa

Có thể biết được khá chính xác bài hát nào là tác phẩm đầu tay của Trịnh Công Sơn, nhưng ông đã bắt đầu vẽ từ khi nào vẫn còn là một dấu hỏi.

Tháng 4.2016 vừa tròn 15 năm ngày Trịnh Công Sơn trở về với cát bụi. Song song với các đêm nhạc chủ đề “Người đi hành hương” tưởng nhớ ông sẽ được tổ chức tại Huế, TP.HCM và Hà Nội, có một ấn phẩm đặc biệt ra mắt công chúng dịp này, giới thiệu cái thế giới sắc màu lạ lẫm của Trịnh Công Sơn, ở đó như ông bày tỏ: “Có nhiều điều tôi chỉ có thể vẽ mà không diễn tả bằng âm nhạc được”.

“Paris

Phố xưa bệnh hoạn

Tường xám

ta đi

lặng lẽ bên đường

Hàng cây platane xanh

muộn màng

trí nhớ

đừng vội

em ơi

những con đường cũ

dallage

màu xám buồn

ta còn biết nói gì

về một ngày không hò hẹn…”

đoạn thơ ngẫu hứng mà Trịnh Công Sơn viết trong một đêm ở Paris, khi rời quán rượu Lipp trở về gác nhỏ, chỗ ở trọ những ngày sang Pháp cách đây đã gần bốn mươi năm, cũng là cách ông đã “vẽ” Paris với những cây tiêu huyền (platane) xanh lá mùa hè vốn rất quen thuộc trong tranh vẽ “kinh đô Ánh sáng” của nhiều bậc thầy như Vincent van Gogh, Paul Signac, Chaim Soutine, Camille Pissarro…, và Paris với những phố xá lát đá (dallage) xám đặc trưng.

Diễm (tranh sơn dầu trên giấy)

Cũng chính ở quán Lipp, Trịnh Công Sơn đã vẽ một bức chân dung Nguyễn Tuân bất hủ ngay trên một tờ thực đơn. Bức chân dung khổ nhỏ ấy (trong sưu tập của cô em gái Trịnh Vĩnh Trinh) cùng hàng loạt chân dung khác được Sơn vẽ cho thấy một tài hoa hội họa.

Có khi chỉ bằng vài nét phác vội, đôi ba vệt màu nguệch ngoạc ông đã thể hiện được thần thái của nhân vật được vẽ, điều không dễ dàng gì ngay cả với họa sĩ chuyên nghiệp. Nói như họa sĩ Đinh Cường thì “Sơn rất giỏi nắm bắt những nét đặc trưng khi vẽ chân dung, nhất là chân dung những người bạn thân thiết. Sơn vẽ nhiều chân dung Văn Cao rất đẹp.

Lột tả được nét tinh tế trên từng khuôn mặt. Chân dung thiếu nữ như chân dung Linh Đan, chân dung M. là những bức tranh đẹp nhất của Sơn”. Không chỉ vẽ chân dung bạn hữu, người thân và những hình bóng phụ nữ in dấu vào đời mình, Trịnh Công Sơn còn tự họa khá nhiều. Và dường như chính tự họa của Sơn mới lột tả được “cái tôi” của ông – “tôi là ai, là ai, là ai… mà yêu quá đời này”.

Chân dung Bùi Giáng

Có thể biết được khá chính xác bài hát nào là tác phẩm đầu tay của Trịnh Công Sơn, nhưng ông đã bắt đầu vẽ từ khi nào vẫn còn là một dấu hỏi. Một trong những bức tranh “có tuổi” nhất của ông được vẽ năm 1963, thuở Sơn 24 tuổi. Bức tranh ấy (trong sưu tập của họa sĩ Đinh Cường) vẽ chân dung một cô gái, như ông kể: “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học Văn khoa ở Huế.

Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế người còn gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt. Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường. Từ balcon nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận… Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa”. Vâng, đó là chân dung của cô thiếu nữ đã trở thành huyền thoại trong ca khúc Diễm xưa.

Cũng thật khó mà biết được Trịnh Công Sơn đã vẽ bao nhiêu bức họa (drawing) và bao nhiêu tranh (painting). Khi tập sách về hội họa Trịnh Công Sơn được chuẩn bị, những người biên soạn và thực hiện ấn phẩm mới bắt đầu làm một cuộc kiểm kê, sưu tầm, tìm kiếm ở nhiều nơi, nhiều nguồn: trong gia đình nhạc sĩ, các bạn bè thân thiết của ông cũng như trong các sưu tập trong và ngoài nước. Con số hóa ra không nhỏ. Bởi gần như Sơn có thể vẽ bất cứ lúc nào và ở đâu. Đơn cử như thời gian ông sang Canada năm 1992: “Mình gặp tuyết rồi.

Thích lắm. Mặc lạnh cóng, mình cứ ngang tàng đi trong bão tuyết. Hôm ấy có cả Đinh Cường (họa sĩ) từ Washington D.C. sang. Những lọn tuyết tròn lớn hơn nắm tay chỉ vài phút sau là đã phủ trắng xóa cả cây cối, xe cộ, và đường phố. Tối hôm ấy mình về vẽ ngay một bức tranh “Thiếu nữ tuyết”. Lần đầu tiên cầm trong tay một nắm tuyết trắng tinh như vậy mình mới hiểu thế nào là màu trắng. Không vẽ ra được cái màu trắng ấy…”

Và “Tôi quen khá nhiều những văn nghệ sĩ Québécois. Họ khiêm nhường và quá hồn nhiên. Tôi cố gắng học ở họ cái tính khiêm nhường gần gũi với thiền đó. Chính cuộc sống tử tế và chân thật đó đã giúp tôi có thêm nguồn cảm hứng để vẽ nhiều tranh, nhiều chân dung và làm nhiều bài thơ ca tụng cuộc sống và con người”.

Dẫu chắc chắn chưa thể ghi nhận hết được gia tài hội họa Trịnh Công Sơn, nhưng hy vọng tập sách có thể góp phần làm nên một diện mạo Trịnh Công Sơn hoàn chỉnh hơn như chính ông từng bày tỏ: “Tôi đã đi tìm tôi trong âm nhạc, thi ca. Chưa thấy đủ khuôn mặt của mình. Và tôi đã cố gắng rẽ về phía hội họa, tiếp tục lên đường, để tìm lại tôi.Tôi đã dùng đủ mọi phương cách để tìm một chữ “mình” đã bị thất lạc, đã biến hình đổi dạng, trong muôn hình vạn trạng của cuộc đời…

(*) Những đoạn in nghiêng trích từ nhiều bài viết của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (trong tập Trịnh Công Sơn, tôi là ai, là ai - NXB Trẻ, 2011)

“Có nhiều điều tôi chỉ có thể vẽ mà không diễn tả bằng âm nhạc được. Lúc ấy tôi phải sử dụng ngay cọ, màu và bố (toile). Ngược lại có những chủ đề chỉ có thể dùng âm nhạc mới nói được điều mình muốn nói. Tôi đã làm công việc song hành này trong rất nhiều năm và cảm thấy không hề có một sự va chạm hoặc đổ vỡ nào trong nguồn cảm hứng cả. Với tôi đây chỉ là một cuộc vui chơi và đã xem là một cuộc chơi thì tất cả chỉ nhẹ như tơ hồng”.

TRỊNH CÔNG SƠN

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/trinh-cong-son-nhac-si-tai-hoa-trong-hoi-hoa-659485.html