Trình diễn nhiều tác phẩm xuất sắc trong đêm hòa nhạc tại Nhà hát Lớn

Một chương trình hòa nhạc do Dàn Nhạc giao hưởng Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vào tối 14/9, với sự tham gia chỉ huy của Nhạc trưởng Lê Phi Phi và nghệ sỹ bassoon Văn Thanh Hà...

Nhạc trưởng Lê Phi Phi sẽ chỉ huy dàn nhạc trong chương trình. (Ảnh: BTC)

Nhạc trưởng Lê Phi Phi sẽ chỉ huy dàn nhạc trong chương trình. (Ảnh: BTC)

Một chương trình hòa nhạc do Dàn Nhạc giao hưởng Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vào tối 14/9, với sự tham gia chỉ huy của Nhạc trưởng Lê Phi Phi.

Nghệ sỹ bassoon Văn Thanh Hà, nghệ sỹ clarinet Trần Khánh Quang và các nghệ sỹ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ trình diễn nhiều nhạc phẩm xuất sắc của các tác giả nổi tiếng như Mozart, Strauss, Franck.

Chương trình mở đầu với bản Overture trong vở nhạc kịch “Don Giovanni” của nhà soạn nhạc thiên tài W.A. Mozart. Khúc overture gồm hai phần ở hai tốc độ khác nhau.

Phần dẫn nhập ngắn, chậm rãi, phần sau là một cấu trúc sonata sôi nổi. Một trong những đặc trưng sáng tác thể hiện tài khéo của Mozart là khả năng chuyển giao nhiều trạng thái, cung bậc cảm xúc tương phản một cách đột ngột, gây bất ngờ mà vẫn thuyết phục người nghe… Sau khi Mozart mất, Johann Andre đã soạn phần kết cho khúc overture để có thể trình diễn riêng tác phẩm này.

Tiếp theo, nghệ sỹ bassoon Văn Thanh Hà, nghệ sỹ clarinet Trần Khánh Quang sẽ trình diễn bản "Duet concertino" cho kèn clarinet và "bassoon TrV 293." Tác phẩm gồm 3 chương, chương thứ hai tựa như một đoạn nối tiếp giữa hai chương ngoài.

Chương thứ ba mang dáng dấp vũ khúc. Sáng tác này hoàn thành ngày 15/12/1947, lần đầu đến với công chúng vào năm 1948 qua sóng phát thanh ở Thụy Sỹ, công diễn vào năm 1949 tại Anh. Âm nhạc trong tác phẩm này đi theo hướng câu chuyện, sau một hồi diễn tấu đơn, bassoon và clarinet hòa nhịp và cuối cùng cả hai đan quyện với nhau thành một màn đối đáp ngoạn mục.

R.G.Strauss là một nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, nghệ sỹ piano và violin người Đức. Ông được coi là nhà soạn nhạc hàng đầu cuối thế kỷ 19, là người kế thừa Richard Wagner và Franz Liszt. Cùng với Gustav Mahler, ông đại diện cho nước Đức trong số các nhạc sỹ thuộc trường phái lãng mạn muộn. Strauss nổi danh bởi khả năng phối khí tinh tế cùng cách vận dụng hòa thanh mới mẻ, thể hiện trong hàng loạt tác phẩm ở nhiều thể loại, cả ở khí nhạc, thanh nhạc và opera.

Phần cuối buổi hòa nhạc, công chúng được thưởng thức bản giao hưởng Rê thứ lừng danh “Symphony in D Minor” của Nhà soạn nhạc Cesar Frank. Ông là người Pháp gốc Bỉ, một trong những người có ảnh hưởng tới âm nhạc Pháp thế kỷ XIX; đã đào tạo được nhiều học trò xuất sắc như Vincent d’Indy, Ernest Chausson, Claude Debussy và Georges Bizet.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi (Le FiFi) đang định cư tại Macedonia. Ông say mê âm nhạc và đến với piano từ nhỏ, chọn chuyên ngành chỉ huy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau đó, ông theo học tại Nhạc viện Tchaikovsky, Moscow (Nga). Lê Phi Phi tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng và vũ kịch vào năm 1993; được mời làm nhạc trưởng, giảng viên âm nhạc tại Macedonia.

Từ năm 1993, Lê Phi Phi liên tục biểu diễn và cộng tác với rất nhiều nghệ sỹ, dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng, nhà hát nhạc vũ kịch danh tiếng trên thế giới. Nhạc trưởng Lê Phi Phi cũng đã cộng tác nhiều năm với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh, Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội.

Ông là nhạc trưởng thường trực của chương trình hòa nhạc "Điều còn mãi" và chương trình "Quỹ học bổng thắp sáng niềm tin," thường xuyên tham gia chương trình hòa nhạc trong “Xuân quê hương,” “Giai điệu tự hào”…

Nghệ sỹ bassoon Văn Thanh Hà, sinh năm 1983, theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Anh đã tham gia khóa học nâng cao về hòa tấu tại Thụy Điển; tập luyện và biểu diễn tại Na Uy. Anh đã giành giải Nhất Cuộc thi ASEAN Symphonic Band diễn ra tại Bangkok, Thái Lan vào năm 2007; trình diễn trên nhiều sân khấu thế giới. Từ năm 2008 đến nay, anh làm việc tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Nghệ sỹ Trần Khánh Quang học kèn clarinet năm 14 tuổi tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trong suốt quá trình học tập, anh luôn giành được học bổng, phần thưởng của các tổ chức uy tín quốc tế. Năm 2005, Trần Khánh Quang giành giải Nhất cuộc thi kèn hơi châu Á cùng nhóm Ngũ tấu trẻ Hà Nội. Anh hiện là giảng viên bộ môn kèn clarinet tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam..../.

Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/trinh-dien-nhieu-tac-pham-xuat-sac-trong-dem-hoa-nhac-tai-nha-hat-lon/815332.vnp