Trình ubtvqh cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định thủ tục Hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống acts

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, sáng 17/9, tại Nhà Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thực hiện Kết luận số 160/KL-UBTVQH14 ngày 14/07/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phê duyệt Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh, Chính phủ xin trình dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (gọi tắt là Hệ thống ACTS) là cần thiết. Điều này tạo cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng hiện đại hóa hải quan đối với hàng hóa quá cảnh giữa các nước ASEAN trong đó có Việt Nam, giảm thủ tục giấy tờ trong việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tham gia hoạt động quá cảnh hàng hóa, tạo thuận lợi và thúc đẩy hoạt động quá cảnh hàng hóa, phát huy lợi thế vị trí địa lý của Việt Nam trong vận chuyển hàng hóa quá cảnh. Cũng như đảm bảo cam kết của Việt Nam khi tham gia phê duyệt Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN nhằm mục tiêu tạo thuận lợi hơn nữa cho vận tải hàng hóa quá cảnh, hỗ trợ việc thực hiện khu vực Thương mại tự do ASEAN và liên kết kinh tế khu vực.

Thực hiện thủ tục theo quy định của Nghị định thư 7 sẽ thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên một hệ thống duy nhất từ nước xuất phát đến nước quá cảnh và đến nước cuối cùng là điểm đích của hành trình quá cảnh, góp phần giảm chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động quá cảnh hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thành viên ASEAN

Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, dự thảo Nghị gồm 06 chương quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, người khai hải quan, quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan, quy định về hàng hóa quá thông qua hệ thống ACTS và địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh.

Nghị định quy định về thủ tục quá cảnh hải quan thông qua hệ thống ACTS, trong đó có đưa ra quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh theo 04 trường hợp khi Việt Nam là điểm đi, điểm đích và điểm trung gian (quá cảnh) của hành trình quá cảnh hải quan cụ thể: Đối với hàng hóa quá cảnh xuất phát từ Việt Nam quá cảnh qua các nước ASEAN. Đối với hàng hóa quá cảnh từ các nước ngoài ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam để đến các nước thành viên ASEAN. Đối với hàng hóa quá cảnh qua các nước ASEAN và nhập khẩu vào Việt Nam. Đối với hàng hóa quá cảnh từ các nước ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam đến các ASEAN khác.

Quy định về hệ thống công nghệ thông tin thực hiện thủ tục quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS bao gồm việc quy định thủ tục quá cảnh được thực hiện thông qua Hệ thống ACTS, các giao dịch qua Hệ thống, các nguyên tắc hoạt động của Hệ thống, chỉ tiêu thông tin và dữ liệu, xử lý sự cố. Hệ thống do Tổng cục Hải quan xây dựng, quản lý và vận hành đồng thời quy định các giao dịch điện tử thực hiện thông qua hệ thống ACTS.

Quy định về bảo lãnh hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS (bảo lãnh riêng, bảo lãnh chung, đặt cọc hàng quá cảnh, hủy bỏ, thu hồi bảo lãnh, quyền và trách nhiệm của người bảo lãnh); và nợ thuế, thu hồi nợ thuế hải quan.

Quy định về chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp quá cảnh (quy định về điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên, chế độ ưu tiên, thủ tục thẩm định, công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên làm thủ tục hải quan thông qua Hệ thống ACTS, trách nhiệm của cơ quan hải quan, trách nhiệm của doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên) và các điều khoản thi hành.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình

Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định có những nội dung pháp luật hiện hành trong nước chưa điều chỉnh về cơ chế bảo lãnh, việc áp dụng doanh nghiệp ưu tiên trong hoạt động quá cảnh hàng hóa cần xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, để được thực hiện quá cảnh hàng hóa theo Nghị định thư thì hàng hóa phải được đặt dưới chế độ bảo lãnh, đặt cọc tiền thuế. Nội dung này là quy định mới so với pháp luật hiện hành, do vậy tại dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến bảo lãnh thuế đối với hàng hóa quá cảnh, tổ chức bảo lãnh, cơ chế hỗ trợ trong việc thu hồi nợ thuế, các tình huống phát sinh/bất khả kháng, cơ chế xử lý vì pháp luật về thuế hiện hành đang quy định hàng hóa quá cảnh thuộc đối tượng không chịu thuế.

Dự thảo Nghị định cũng đã quy định nội dung liên quan đến doanh nghiệp ưu tiên về điều kiện, quy định việc công nhận, thu hồi, đình chỉ cũng như các nội dung được ưu tiên trong quá trình làm thủ tục hải quan để làm cơ sở triển khai thực hiện (các nội dung ưu tiên tương tự như đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa).

Sau khi nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đồng thời cho ý kiến về việc ban hành Nghị định, thời hạn có hiệu lực của Nghị định và các nội dung xin ý kiến của Chính phủ.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ để quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan nhằm cụ thể hóa Kết luận số 160/KL-UBTVQH14 ngày 14/7/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra

Nội dung dự thảo Nghị định có những quy định mà pháp luật hiện hành trong nước chưa điều chỉnh như về cơ chế bảo lãnh đối với hàng hóa quá cảnh, việc áp dụng doanh nghiệp ưu tiên trong hoạt động quá cảnh, ngoài ra cũng có những quy định chặt chẽ hơn với Luật hiện hành, như quy định về quyền của người khai hải quan và địa điểm làm thủ tục hải quan hẹp hơn so với Luật Hải quan. Đồng thời, qua rà soát cho thấy, dự thảo Nghị định không có quy định nào trái với luật và Nghị quyết của Quốc hội. Do đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí về cơ sở pháp lý để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị định đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự theo quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ thời điểm hiệu lực của Nghị định thư 7, trên cơ sở đó quy định rõ hiệu lực thi hành của dự thảo Nghị định để đảm bảo thời điểm Nghị định thư 7 có hiệu lực, phù hợp với thời điểm Nghị định thư 2 có hiệu lực./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=41895