Trình UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới vào năm 2027

Dự kiến đến năm 2027, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện hồ sơ, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đề nghị UNESCO xem xét đưa di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi vào danh mục Di sản thế giới.

 Các đường đi trong Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Lê Minh/VNP

Các đường đi trong Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Lê Minh/VNP

Theo ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, địa đạo Củ Chi đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2015. Đến năm 2020, UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố tham mưu hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Đến nay, Sở đã hoàn thành giai đoạn 1 của việc này. Cụ thể, phối hợp với Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, UBND huyện Củ Chi hoàn thành báo cáo tóm tắt di sản địa đạo Củ Chi và chuyển đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, xác định hai tiêu chí trên tổng số 10 tiêu chí có xác định giá trị nổi bật toàn cầu.

Đến cuối năm 2022, UBND Thành phố có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cũng đã gửi công văn đến Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xin ý kiến về báo cáo tóm tắt hồ sơ khoa học địa đạo Củ Chi.

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố cho biết, giai đoạn tiếp theo, UBND Thành phố sẽ phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Thủ tướng Chính phủ (sau khi lấy ý kiến các chuyên gia) cho phép phối hợp với Ủy ban UNESCO Việt Nam đăng ký với Trung tâm di sản thế giới UNESCO đưa di tích địa đạo Củ Chi vào danh mục đề cử, giai đoạn này kéo dài từ 4-5 năm. “Như vậy, dự kiến năm 2027 sẽ hoàn thiện hồ sơ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định đề xuất UNESCO đưa di tích lịch sử địa đạo Củ Chi vào danh mục Di sản thế giới”, ông Hoàng Anh cho hay.

Địa đạo Củ Chi hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1948). Hệ thống địa đạo được xây dựng sớm nhất tại hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An, tên gọi địa đạo Củ Chi cũng xuất hiện từ đó. Lúc đầu, địa đạo chỉ có những đoạn ngắn, cấu trúc đơn giản, dùng để giấu tài liệu, trú ém cán bộ trong vùng địch hậu. Sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, địa đạo được gia cố và mở rộng.

Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất, dài khoảng 250 km và có các hệ thống thông hơi tại vị trí các bụi cây. Địa đạo Củ Chi được xây dựng ở điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh, trên vùng đất được mệnh danh là "đất thép" để ca ngợi ý chí phòng thủ kiên cường của quân dân nơi đây.

Sau chiến tranh, khu địa đạo Củ Chi trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2015, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo. Trong 20 năm hoạt động, Khu di tích đón hơn 20 triệu lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu. Ngày 12/2/2016, khu di tích đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt./.

V.Lê

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/trinh-unesco-cong-nhan-dia-dao-cu-chi-la-di-san-the-gioi-vao-nam-2027-631387.html