Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

Chiều 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi). Dự thảo luật đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo luật về cơ bản vẫn được kế thừa từ luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách.

Theo đó, dự thảo luật giữ nguyên nội dung quy định tại 5 Điều của Luật Thuế GTGT hiện hành gồm: phạm vi điều chỉnh (Điều 1); thuế GTGT (Điều 2); đối tượng chịu thuế (Điều 3); căn cứ tính thuế (Điều 6); phương pháp tính thuế (Điều 9).

Dự thảo bỏ 1 điều của Luật Thuế GTGT hiện hành quy định về hóa đơn, chứng từ (Điều 14). Dự thảo sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 10 điều của Luật Thuế GTGT hiện hành gồm: người nộp thuế (Điều 4); đối tượng không chịu thuế (Điều 5); giá tính thuế (Điều 7); thuế suất (Điều 8); phương pháp khấu trừ thuế (Điều 10); phương pháp tính trực tiếp trên GTGT (Điều 11); khấu trừ thuế GTGT đầu vào (Điều 12); các trường hợp hoàn thuế (Điều 13); hiệu lực thi hành (Điều 15); tổ chức thực hiện (Điều 16).

Dự thảo cũng bổ sung 1 điều quy định về thời điểm xác định thuế GTGT.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tại phiên họp

Đối với những nội dung sửa đổi, bổ sung, dự thảo luật đã bám sát theo 5 nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đã được UBTVQH đồng ý gồm: hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về giá tính thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào; hoàn thiện các quy định về hoàn thuế GTGT.

Đồng thời, thực hiện ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ 28 của UBTVQH: “Quy định về thuế GTGT nằm ở nhiều nghị định khác nhau, nên cần rà soát luật hóa tối đa, tránh tình trạng luật khung, luật ống, nhất là đối với luật về thuế”, dự thảo luật đã luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật đối với 4 nhóm chính sách là: người nộp thuế, thời điểm xác định thuế GTGT, phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp.

Thu hẹp các đối tượng không chịu thuế GTGT

Một trong những nội dung sửa đổi tại dự thảo luật được quan tâm là đối tượng không chịu thuế GTGT. Luật Thuế GTGT hiện hành quy định 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Để thu gọn đối tượng không chịu thuế, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi tên một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đồng bộ với quy định của pháp luật chuyên ngành để nhằm tăng tính minh bạch của luật và giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế. Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được quy định rõ để thống nhất với pháp luật chuyên ngành, tránh vướng mắc trong thực hiện và thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, ví dụ kinh doanh chứng khoán; chuyển nhượng vốn; phần mềm máy tính…

Dự thảo sửa đổi quy định đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ với mục tiêu minh bạch chính sách, ví dụ: bán nợ; hoạt động duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo; sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác và sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác đã chế biến thành sản phẩm khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham dự phiên họp chiều 23/4.

Sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT

Quy định đối tượng không chịu thuế GTGT là “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” cũng được sửa đổi thành “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định” để đảm bảo linh hoạt, chủ động, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Để không gây xáo trộn đối với các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán đã được ấn định thuế từ đầu năm, Chính phủ trình Quốc hội quy định mức doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.

Ngoài ra, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được chuyển sang đối tượng chịu thuế GTGT để phù hợp thông lệ quốc tế và tránh hiệu ứng tăng giá thành, giảm phức tạp cho các doanh nghiệp khi vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế (phải kê khai, phân bổ thuế GTGT đầu vào sử dụng chung cho cả hoạt động chịu thuế và không chịu thuế), ví dụ: phân bón; tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập;...

Với các nội dung sửa đổi, bổ sung theo đề xuất nêu trên, dự thảo luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này.

Bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ ra khỏi đối tượng không chịu thuế GTGT

Dự thảo luật bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ (Luật Thủy sản đã thay tên gọi mới là tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển); lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng).

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trinh-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-ve-du-an-luat-thue-gia-tri-gia-tang-sua-doi-149450.html