'Trĩu vai' vì chi phí vận tải biển

Giá cước vận tải biển sẽ tăng lên đáng kể từ 1/1/2020 khi Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) thực thi các tiêu chuẩn khí thải mới. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp chủ tàu cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu.

Việc chậm đổi mới đội tàu và khả năng tiếp cận vốn hạn chế cũng được cho là những lực cản với doanh nghiệp Việt Nam Ảnh: ST

Việc chậm đổi mới đội tàu và khả năng tiếp cận vốn hạn chế cũng được cho là những lực cản với doanh nghiệp Việt Nam Ảnh: ST

Gánh thêm nhiều chi phí

Theo thông báo của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), từ ngày 1/1/2020, tất cả các hãng vận tải biển sẽ thực thi các tiêu chuẩn khí thải mới để hạn chế tình trạng ô nhiễm do các con tàu trên thế giới gây ra. Trong bối cảnh hướng đến ngành năng lượng sạch, IMO cấm các tàu vận chuyển sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn 0,5%, so với mức 3,5% hiện nay.

Điều này cũng góp phần làm tăng chi phí vận hành và quản lý do chi phí nhiên liệu tăng, và sẽ là thách thức lớn đối với doanh nghiệp hàng hải trong nước. Việc chậm đổi mới đội tàu và khả năng tiếp cận vốn hạn chế cũng được cho là những lực cản với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khi muốn đáp ứng được tiêu chuẩn này. Việc các hãng tàu chưa chuẩn bị kịp các điều kiện chuyển đổi có thể khiến cước vận tải biển phải trải qua đợt tăng giá mạnh. IMO ước tính khoảng 70.000 tàu biển bị tác động bởi quy định này, gây tốn kém thêm khoảng 50 tỷ USD mỗi năm.

Đánh giá về tình trạng đội tàu Việt Nam, ông Bùi Văn Trung, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho biết, đội tàu Việt Nam chủ yếu bao gồm các tàu cũ, lạc hậu, trong đó có rất nhiều tàu có tuổi đời từ 15 năm trở lên. Chính vì vậy, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều bất lợi từ những tàu nước ngoài mới và hiện đại hơn. Mặc dù hiện đại hóa là điều bắt buộc để tồn tại, nhưng đây cũng là một thách thức lớn đối với các công ty vận tải vốn phải đối mặt với lợi nhuận thấp và khó khăn trong việc huy động vốn. Sự thiếu hụt nhân lực hàng hải lành nghề cũng là một vấn đề nan giải đối với các chủ tàu.

“Để thực hiện quy định khắt khe này của IMO, các hãng tàu container trên thế giới bắt đầu áp dụng nhiều giải pháp như: Lắp đặt hệ thống lọc lưu huỳnh; chuyển sang dùng nhiên liệu MGO/MDO với chi phí cao hơn so với sử dụng nhiên liệu HFO (Heavy Fuel Oil) hoặc chuyển sang nhiên liệu khí tự nhiên hóa lỏng LNG. Dù lựa chọn giải pháp nào, ngành hàng hải cũng sẽ gánh thêm chi phí hoạt động không nhỏ vì các loại nhiên liệu sạch sẽ đắt tiền hơn”, ông Bùi Văn Trung cho biết thêm.

Theo ông Simon Neo, Giám đốc điều hành SDE International, quy định giới hạn lưu huỳnh IMO 2020 sẽ làm tăng chi phí vận hành do chi phí nguyên liệu tăng. Quy định này có thể làm tăng chi phí nhiên liệu lên đến 50%. Trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia thiên về xuất khẩu, những quy định này sẽ ảnh hưởng đáng kể tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ vốn có tiềm lực tài chính hạn chế.

Chính vì vậy, ông Simon Neo cho rằng, các doanh nghiệp chủ tàu Việt Nam cần phải cẩn trọng khi mua nhiên liệu. Cần mua đúng loại nhiên liệu đáp ứng quy định giới hạn lưu huỳnh IMO 2020, và mua từ nhà cung cấp phù hợp để tự bảo vệ chính mình. Khi làm hợp đồng, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm chặt và thật chi tiết. Ví dụ, doanh nghiệp có thể ghi rõ trong hợp đồng là loại nhiên liệu cung cấp cần có chất lượng đạt chuẩn ISO 8217:2017 hoặc PAS 23739, là các chuẩn tương thích với giới hạn lưu huỳnh IMO 2020. Ngoài ra, khi giao nhận nhiên liệu thì các doanh nghiệp cũng cần lấy mẫu nhiên liệu để tránh trường hợp bị đánh tráo nhiên liệu, hoặc bị thay thế bằng loại nhiên liệu kém chất lượng.

Dự kiến tăng khoảng 30% chi phí

Không chỉ các doanh nghiệp chủ tàu bị ảnh hưởng mà nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ quy định này, đặc biệt là dịp cuối năm khi lượng hàng hóa xuất nhập khẩu khá lớn.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 10/2019, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã nhận được thông báo từ các hãng tàu về việc áp dụng phụ phí lưu huỳnh thấp - LSS đối với tất cả các container hàng theo quy định IMO. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp thủy sản, hàng năm, các hãng tàu đều tăng phí với các mức tăng khác nhau không có lộ trình và không thống nhất giữa các hãng tàu. Mức phí này tăng trung bình từ 135 - 220 USD/container. Ước tính, với hàng thủy sản xuất và nhập khẩu đi Nhật Bản, doanh nghiệp sẽ phải trả thêm khoảng 240 USD/container, tức cước phí tăng khoảng 30%. Điều này đội thêm chi phí lớn cho các doanh nghiệp thủy sản.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Trường Hạnh, việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới sẽ tác động lớn tới quá trình vận chuyển hàng hóa và người tiêu dùng. Từ nay đến thời điểm áp dụng quy định của IMO chỉ còn hơn một tháng nữa, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cần chuẩn bị các phương án để tránh bị động khi giá cước vận tải biển tăng mạnh. Đặc biệt, cần kí hợp đồng trước với thời hạn hợp đồng dài nhất có thể để tránh sự biến động về giá khiến đẩy giá thành sản phẩm lên cao.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/triu-vai-vi-chi-phi-van-tai-bien-115502.html