Trò chơi dân gian Việt Nam: Hơi thở mới trong giá trị cũ

Nhiều năm trở lại đây, người dân Hà Nội bắt đầu quen với những trò chơi dân gian được tổ chức ở những dịp lễ, tết, phố đi bộ Hồ Gươm, hay gần đây nhất là tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, nơi trở thành điểm diễn ra Olympic Trò chơi dân gian Việt Nam. Quan tâm bảo tồn và phát triển trò chơi dân gian chính là giữ gìn cho đời sau một trong những vốn quý của nền văn hóa Việt Nam truyền thống.

Từ xa xưa, trong tuổi thơ của những đứa trẻ nông thôn không thể thiếu trò chơi dân gian. Ô ăn quan, kéo co, cờ tướng, đánh khăng, nhảy dây… là những ký ức tuổi thơ quen thuộc mà bất cứ ai cũng đã trải qua thời niên thiếu. Nếu như kể tên các loại trò chơi dân gian thì có vô vàn bởi theo mỗi phong tục tập quán của các vùng khác nhau sẽ tạo ra các loại trò chơi khác nhau phù hợp với nơi đó. Nếu như ở vùng đồng bằng thì các trò chơi dân gian phổ biến như đánh cờ, thổi cơm, thì người miền núi lại có các trò chơi như nhảy sạp, đi cà kheo hay đánh đu.

Có thể nói, trò chơi dân gian là một nét đẹp văn hóa của nước ta, là loại trò chơi thể hiện sự lành mạnh, văn minh, hội tụ đầy đủ tính nghệ thuật. Nói đến trò chơi ta thường nghĩ đến chỉ dành cho trẻ con nhưng đối với trò chơi dân gian thì không vậy, nó bao gồm tất cả mọi lứa tuổi: Trẻ con, thanh niên, đến người trung niên và người cao tuổi. Chính sự đa dạng của nó đã tạo nên một nét đẹp trong nền văn hóa truyền thống.

Đi cà kheo ở Phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Bảo Thoa

Do dòng chảy hội nhập, nhiều năm trước, trò chơi dân gian dần bị mai một, còn chăng chỉ ở một số địa phương chưa được tiếp xúc với công nghệ internet, các thiết bị công nghệ thông minh, còn ở thành phố thì hầu như chỉ còn lác đác xuất hiện một vài trò chơi dân gian như cờ tướng, chọi gà… nhưng cũng bị biến tướng chứ không còn đơn thuần là giải trí như xưa.

Sự xuất hiện của các trò chơi dân gian ngay giữa lòng Thủ đô những năm gần đây khiến cho người dân cảm thấy vui mừng, bởi điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn của những giá trị văn hóa cổ truyền vẫn còn tồn tại trong đời sống hiện đại.

Ngày 25/8 vừa qua, tại Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Tây Hồ, Hà Nội), Trung tâm UNESCO bảo tồn và Giao lưu văn hóa Quốc tế đã tổ chức Lễ ra mắt Ngày trò chơi dân gian Việt Nam và Olympic Trò chơi dân gian Việt Nam tại Hà Nội.

Đây là dự án phi lợi nhuận nhằm mục đích bảo tồn và phát triển Kho tàng trò chơi dân gian Việt Nam, hướng tới mục đích tạo nên ngày hội thường niên là Ngày trò chơi dân gian Việt Nam 18/8 hàng năm.

Ngày hội Olympic Trò chơi dân gian Việt Nam 2018 là sự kiện Olympic đầu tiên về trò chơi dân gian được tổ chức tại Việt Nam, với quy mô lớn và các hoạt động trải nghiệm độc đáo, mới lạ. Từ đó, Ngày hội lan tỏa những giá trị văn hóa của các trò chơi dân gian Việt Nam, gắn kết cộng đồng, các thế hệ thành viên trong một gia đình và góp phần phát triển nhiều kỹ năng cần thiết cho thế hệ trẻ.

Nguyễn Tuấn Hưng, PGĐ Trung tâm UNESCO Bảo tồn và giao lưu văn hóa quốc tế: “Tôi mong muốn Ngày trò chơi dân gian 18/8 cũng như sự kiện Olympic Trò chơi dân gian Việt Nam sẽ trở thành sự kiện văn hóa của dân tộc và những người dân của Hà Nội vào mỗi tối cuối tuần sẽ lại lên không gian Phố đi bộ Trịnh Công Sơn để cùng trải nghiệm những trò chơi dân gian”.

Vào những ngày cuối tuần, những em nhỏ, học sinh, thanh niên túm năm tụm ba tại phố đi bộ Hồ Gươm để tham gia trò chơi Ô ăn quan. Em Nguyễn Thùy Linh, học sinh Trường THCS Nguyễn Công Trứ chia sẻ với pv Báo Lao động Thủ đô: Trò chơi ô ăn quan là trò chơi em thích nhất khi đến phố đi bộ Hồ Gươm, vì ở đây có nhiều bạn nhỏ cùng lứa tuổi tham gia chơi. Trước đây em cũng đã từng mua trò chơi ô ăn quan ở hiệu sách về nhà chơi nhưng rất nhanh chán vì không đủ người chơi và các ô ăn quan làm bằng nhựa khiến em không có cảm giác đó là một trò chơi truyền thống.

Em Trần Minh Quân, một học sinh ở quận Tây Hồ thì vui vẻ tâm sự: “Từ chiều thứ Bảy ở đây (phố đi bộ Trịnh Công Sơn) đã có rất nhiều trò chơi miễn phí cho trẻ em cũng như cả người lớn. Em thích đi cà kheo nên đã tập suốt từ chiều đến giờ (20h tối) và cũng đã có thể “chạy đua” bằng cà kheo được với các bạn”. Minh Quân cho biết, từ 3 giờ chiều ông nội em đã giữ cà kheo cho em tập. Hai ông cháu rất mê trò này nên có thể… nhịn ăn để chơi.

Trò chơi dân gian có giá trị lịch sử văn hóa, khoa học truyền qua các thế hệ với rất nhiều những biến thể cho phù hợp hơn với đời sống xã hội. Trò chơi dân gian là một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ của rất nhiều thế hệ người Việt, tạo nên sợi dây gắn kết giữa các thế hệ cộng đồng người Việt và bạn bè đồng trang lứa, tuy nhiên trong đời sống hiện đại với nhiều diễn biến về văn hóa đã khiến cho nhiều trò chơi dân gian ở Việt Nam hiện hữu ít hơn trong đời sống hiện đại, đặc biệt là các thành phố lớn.

Nguyễn Tuấn Hưng, PGĐ Trung tâm UNESCO Bảo tồn và giao lưu văn hóa Quốc tế chia sẻ: “Tôi là một người khá may mắn khi sinh ra ở thế hệ 9x, từ nhỏ tôi đã được cùng trẻ em trong xóm chơi các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, trốn tìm, ô ăn quan, nhảy dây, đá cầu … hầu hết các trò chơi dân gian tôi đều được trải qua trong tuổi thơ của mình. Tôi cảm thấy phát huy được các kỹ năng mềm, kỹ năng kết nối với bạn bè qua các trò chơi này.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa và sự du nhập của công nghệ, đặc biệt là các trò chơi điện tử, giới trẻ ngày nay thiếu chỗ chơi, thiếu các giá trị tinh thần cũng như giá trị văn hóa sinh động đã dần bị mai một. Tôi rất muốn cho các em nhỏ có được sân chơi, được trải nghiệm những trò chơi dân gian cũ của Việt Nam”.

Ông Nguyễn Xuân Thiết, Phó Tổng thư ký, Chánh văn phòng các Hội liên hiệp Unesco Việt Nam nhấn mạnh trong buổi lễ ra mắt Ngày trò chơi dân gian Việt Nam: Một trong những vốn quý nhất, nhân văn nhất góp phần làm nên khía cạnh phong phú cho một nền văn hóa dân tộc là nằm trong sự kế thừa các truyền thống tốt đẹp của mỗi bộ phận, mỗi sắc tộc trong một quốc gia. Những truyền thống đó là giá trị tinh thần, tinh túy, là tinh hoa đặc trưng cho diện mạo và nội lực của một quốc gia. Chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ, và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc để nền văn hiến Việt Nam mãi mãi dạng danh và tỏa sáng, hòa quện cùng tinh hoa của văn hóa nhân loại.

Ngày nay, trò chơi dân gian đã xuất hiện thường xuyên trong các lễ hội của địa phương tổ chức. Các trò chơi quen thuộc như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, đấu vật, đua voi, đua bò, đua ghe... đang được quan tâm hơn. Bên cạnh đó, các phong trào tổ chức ngày hội văn hóa thể thao diễn ra sôi nổi cũng góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn các trò chơi dân gian. Nhưng theo các nhà quản lý, chúng ta cần tổ chức thường xuyên những lễ hội như thế để tạo thành nếp sinh hoạt của người dân. Thông qua đó, để mọi người có thể tham gia cùng nhau thi tài, là cơ hội truyền dạy cho thế hệ trẻ cũng như gìn giữ được nét văn hóa tốt đẹp trong đời sống.

Thực tế, trò chơi văn hóa dân gian của các dân tộc như: Nu na nu nống, thả đỉa ba ba, trồng nụ, bịt mắt bắt dê, chơi u, chắt chuyền, ô ăn quan... kèm theo các câu đồng dao khuyến khích sự khéo léo, vui đùa tập thể chứ không hề nhàm chán như hình thức giải trí hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, trò chơi dân gian có vai trò vô cùng quan trọng trong sinh hoạt, góp phần giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh, dẻo dai, khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người ngày càng phát triển toàn diện về trí, đức, mỹ.

Những năm gần đây, Hà Nội đã tích cực đưa các trò chơi dân gian vào lễ hội, các không gian văn hóa như Phố đi bộ Hồ Gươm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Bảo tàng các dân tộc Việt Nam… và dần trở thành những trò chơi yêu thích của trẻ em, thanh thiếu niên và một bộ phần những người lớn tuổi ở Thủ đô. Chính điều này đã trở thành một tín hiệu vui để Hà Nội tiếp tục tìm được hơi thở mới trong những giá trị truyền thống của nền văn hóa Việt.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tro-choi-dan-gian-viet-nam-hoi-tho-moi-trong-gia-tri-cu-79379.html