Trò chơi điện tử dựa trên những bài thơ của Emily Dickinson

Người chơi game EmilyBlaster sẽ phải bắn những chữ từ trên trời rơi xuống để xếp thật chính xác những câu thơ của Emily Dickinson.

Bạn đã bao giờ tưởng tượng mình sẽ chơi game trên máy tính dựa theo những bài thơ của Emily Dickinson? Giờ đây, điều đó đã thành sự thật khi game EmilyBlaster - một game cổ điển hơi hướm những năm 1980 được tung ra thị trường. Người chơi sẽ phải bắn những chữ từ trên trời rơi xuống để xếp thật chính xác những câu thơ của Emily Dickinson.

Bìa tiểu thuyết Tomorrow, and Tomorrow, and Tomorrow. Ảnh: Penguin.

Nhà xuất bản Vintage của Anh cho ra mắt trò chơi máy tính EmilyBlaster dựa trên một trò chơi trong sách. EmilyBlaster là phiên bản đời thực của tiểu thuyết Tomorrow, and Tomorrow, and Tomorrow của Gabrielle Zevin sẽ ra mắt trong tháng tới.

Cuốn sách của Zevin kể về Sadie và Sam, hai người gặp nhau hồi nhỏ trong phòng vi tính của một bệnh viện vào năm 1987. Tám năm sau, họ tái ngộ và chung tay thiết kế trò chơi trên máy tính. Một trong số đó chính là trò EmilyBlaster, giờ đây độc giả cũng có thể trải nghiệm giống nhân vật trong truyện.

Trò chơi có ba cấp độ khác nhau, mỗi cấp độ là trích đoạn một câu thơ nổi tiếng của Dickinson: Cấp độ 1 là That Love is all there is, cấp độ 2 là We talked as Girls do và cấp độ 3 là Hope is the thing with feathers.

 Game lấy cảm hứng từ thơ của Emily Dickinson. Ảnh: Vintage.

Game lấy cảm hứng từ thơ của Emily Dickinson. Ảnh: Vintage.

Game EmilyBlaster của Sadie trong tiểu thuyết được đánh giá là “tuyệt vọng và chẳng có nhiều thời gian để chơi”. “Những phần thơ rời rạc sẽ được thả ngẫu nhiên từ phía trên màn hình và người chơi phải sử dụng một cây bút lông bắn ra mực để nối những từ với nhau tạo thành một câu thơ hoàn chỉnh của Dickinson cuối màn hình”, Zevin giải thích trong cuốn tiểu thuyết.

“Sau khi người chơi đã vượt cấp thành công bằng nhiều bài thơ khác nhau thì sẽ kiếm được điểm để trang trí cho căn phòng tại Amherst của Dickinson", tác giả Zevin nói về luật chơi.

Độc giả sẽ thấy trong truyện, học sinh của Sadie ghét trò chơi này, thậm chí có học sinh còn nghĩ rằng “đồ họa thì đẹp đấy nhưng trò chơi thì tệ hại”. Zevin nói với LitHub: “Tôi nghĩ rằng phong cách câu ngắn, hàm ý súc tích của Dickinson và những cụm từ dễ nhớ sẽ tạo nên những mục tiêu tuyệt vời nhất cho người chơi”. Cô nói thêm: “EmilyBlaster sẽ lôi cuốn người chơi với mức độ khó phù hợp".

Đây là lần đầu tiên nhà xuất bản Vintage cho ra mắt trò chơi máy tính dựa trên một trò chơi trong sách. Nhà xuất bản đã tạo một trang web cho phép mọi người chơi EmilyBlaster tạo ảnh đại diện theo phong cách thập niên 1980 mang dấu ấn cá nhân họ. Khi tác giả Zevin đến Anh vào tháng 7 tới đây, một máy chơi game dùng xu với nhiều hình bìa sách sẽ được lắp đặt tại Donkey Kong, Waterstones Piccadilly ở London trong vòng một tuần.

Hailee Steinfeld đóng vai nhà thơ Emily Dickinson trên Apple TV+ series. Ảnh: Apple TV+.

Zevin là tác giả của một số tiểu thuyết như Sách ngược đời xuôi - cuốn sách sắp được dựng thành phim với sự tham gia của Lucy Hale, Kunal Nayyar, Christina Hendricks và David Arquette.

Nữ nhà văn cũng viết sách cho thiếu nhi, như Elsewhere (tạm dịch Ở nơi khác), tác phẩm đã giành giải thưởng sách cho trẻ em của Sheffield đồng thời lọt vào danh sách giành huân chương Carnegie.

Việc thiết kế trò chơi ngoài đời thực dựa trên trò chơi trong sách không được phổ biến nhưng đã từng có một vài thành công. Ví dụ, The WitcherTom Clancy’s Rainbow Six Siege, cả hai game này đều bước ra từ trang sách. Mới đây, một trò chơi tương tác tên là We Are Not All Alone Unhappy (tạm dịch Chúng ta không bất hạnh một mình) đã yêu cầu người chơi phải tạo ra những cặp từ các nhân vật có kết cục không mấy tốt đẹp trong những vở kịch của Shakespeare.

Emily Elizabeth Dickinson (10/12/1830 - 15/5/1886) là một nhà thơ Mỹ. Cùng Walt Whitman, Emily Dickinson đã trở thành nhà thơ đặc sắc nhất của Mỹ trong thế kỉ 19.

Hạnh Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tro-choi-dien-tu-dua-tren-nhung-bai-tho-cua-emily-dickinson-post1327067.html