'Trò chơi đổ lỗi' sau thảm kịch Itaewon

Phe đối lập ở Hàn Quốc nhận định thảm kịch Itaewon xuất phát từ thiếu sót của chính quyền đương nhiệm, song đảng cầm quyền đã đáp trả và khẳng định vụ việc này bị chính trị hóa.

“Rõ ràng những gì đã xảy ra ở Itaewon là một thảm họa do con người tạo ra, và nó xuất phát từ những thiếu sót của chính quyền tại nhiệm”, lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập của Hàn Quốc, Hạ nghị sĩ Lee Jae Myung, cho biết hôm 1/11.

Cùng ngày, văn phòng phát ngôn viên đảng Dân chủ cũng tuyên bố việc đám đông gia tăng gây chết người là một "thảm họa có thể (dự đoán) trước", theo Korea Herald.

“Rõ ràng có thể đoán trước là (một thảm họa) như thế có khả năng xảy ra với hơn 100.000 người đang tụ tập”, tuyên bố cho biết. “Khi các nạn nhân kêu cứu, không có cơ quan thực thi pháp luật nào ở Itaewon bảo vệ họ. Cảnh sát ở đâu? Các quan chức đã làm gì?".

Sau đó, đảng Dân chủ kêu gọi chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol xin lỗi vì "trốn tránh (trách nhiệm)", đề cập đến tuyên bố của Bộ trưởng Nội vụ và An toàn Lee Sang Min trước đó.

Bộ trưởng Lee từng nói với các phóng viên rằng thảm họa ở Itaewon không phải do thiếu cảnh sát điều động đến hiện trường. Song ông đã đưa ra lời xin lỗi một ngày sau đó.

Nói về vấn đề trách nhiệm trong thảm kịch vừa qua, giáo sư G. Keith Still, chuyên gia an toàn đám đông tại Đại học Suffolk (Anh), nhận định trong vụ việc ở Itaewon, đám đông không có lỗi.

“Đám đông buộc phải đối mặt với rủi ro (bao gồm mật độ người hay áp lực cao) và phản ứng trước những rủi ro đó. Song việc quản lý và đảm bảo an toàn cho các không gian công cộng không phải là trách nhiệm của đám đông”, ông nói với Zing.

Bó hoa tưởng nhớ đặt tại nơi chôn cất nạn nhân Jung Joo Hee ở Namyangju, Hàn Quốc, vào ngày 3/11. Ảnh: Reuters.

Chính trị hóa thảm kịch

Nhiều người kêu gọi Tổng thống Yoon chịu trách nhiệm sau vụ việc, trong đó một số thậm chí đã so sánh thảm họa ở Itaewon với vụ chìm phà Sewol năm 2014.

Hôm 1/11, đảng Thu nhập Cơ bản đã so sánh Tổng thống Yoon và các quan chức của ông với thuyền trưởng của tàu Sewol, người đã bỏ rơi con phà khi nó chìm, khiến 304 người - hầu hết ở độ tuổi thanh thiếu niên - chết hoặc mất tích.

“Chỉ những người cố gắng trốn tránh trách nhiệm, như thuyền trưởng và thủy thủ đoàn bỏ mặc phà Sewol chìm, mới (ở lại) để nói xin lỗi”, Hạ nghị sĩ Yong Hye In, thành viên đảng này, cho biết.

Hạ nghị sĩ Jang Kyung Tae, thuộc hội đồng tối cao của đảng Dân chủ, cũng chỉ trích: "Chỉ mới 8 năm kể từ vụ chìm phà Sewol - tai nạn phơi bày sự thất bại mang tính hệ thống trong việc đảm bảo an toàn. Chúng ta nên tìm hiểu tại sao và bằng cách nào thảm họa này xảy ra trong năm nay, dù đám đông năm 2017 thậm chí còn lớn hơn".

Bà Nam Young Hee, Phó giám đốc cơ quan tư vấn do đảng Dân chủ điều hành, cũng kêu gọi Tổng thống Yoon và thị trưởng Seoul từ chức trong một bài đăng trên Facebook hôm 31/10.

Bà Nam Young Hee thậm chí cáo buộc thảm họa Halloween là "do quyết định di dời Nhà Xanh". Lý giải, bà Nam nói khi ông Yoon chuyển văn phòng tổng thống đến quận Yongsan (nơi có khu phố Itaewon), cảnh sát quận này đã được huy động đến bảo vệ tổng thống thay vì đảm bảo an toàn cho công chúng.

“Dù nhìn theo cách nào, đó là lý do. Tổng thống Yoon Suk Yeol, Thị trưởng Seoul Oh Se Hun, Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang Min cần phải (từ chức)”, bà viết trên Facebook. Tuy nhiên, bài viết đã bị xóa sau đó.

Đáp trả những cáo buộc, đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền cho biết "giờ không phải lúc đi chệch hướng với trò chơi đổ lỗi". Họ cũng chỉ trích đảng Dân chủ đối lập đã "chính trị hóa thảm kịch" và "(thúc đẩy) quan điểm gây chia rẽ vào thời điểm đất nước cần được hàn gắn".

Tổng thống Yoon Suk Yeol thăm hiện trường thảm kịch ở Itaewon tại Seoul. Ảnh: Reuters.

Áp lực đối với Tổng thống Yoon

Các chính trị gia, giới truyền thông trong và ngoài Hàn Quốc đang mổ xẻ điều gì đã xảy ra ở Itaewon và ai phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch khiến ít nhất 156 người thiệt mạng.

Cho đến nay, phần lớn chỉ trích tập trung vào Bộ trưởng Nội vụ và An toàn Lee Sang Min và cảnh sát dưới quyền ông.

Theo Korea Times, cảnh sát đáng nhận chỉ trích vì đã bỏ qua 12 cuộc gọi khẩn cấp từ Itaewon. Nếu phản ứng nhanh chóng tại hiện trường trước đó, thảm kịch có thể được ngăn chặn hoặc giảm bớt mức độ nghiêm trọng.

Những người chỉ trích cũng cho rằng cảnh sát lẽ ra phải triển khai thêm nhiều lực lượng tại Itaewon vì khu vực này dự kiến có một đám đông khổng lồ vào lễ Halloween.

“Nếu cảnh sát được triển khai với số lượng đầy đủ để quản lý an toàn, sẽ không có tình huống nguy hiểm (như vậy) xảy ra”, Hạ nghị sĩ Lim O Kyeong, phát ngôn viên đảng Dân chủ đối lập của Hàn Quốc, cho biết.

Trong khi đó, nhận định với Zing, giáo sư Still cho biết “Khi dòng người đã trở nên đặc biệt chật chội thì rất khó để giảm mật độ của đám đông ấy”. “Tuy nhiên, các biện pháp đơn giản có thể được triển khai để ngăn (đám đông gia tăng) trước khi vượt ra ngoài khả năng xử lý”, ông nói thêm.

Cảnh sát tại hiện trường thảm kịch ở Itaewon. Ảnh: Reuters.

Song theo các chuyên gia được Korea Times phỏng vấn, quan điểm chỉ trích đó không thể hiện được bức tranh toàn cảnh. Luật sư Kim Jin Sook cho rằng rất khó để khẳng định cảnh sát phải chịu trách nhiệm cho vụ việc.

“Điều đó hoàn toàn bất ngờ vì chưa từng có sự việc nào như vậy xảy ra ở Hàn Quốc, ngay cả khi đám đông khổng lồ (hàng trăm nghìn người) tụ tập ở Seoul để biểu tình nhiều lần chỉ vài năm trước đây. Có lẽ chúng ta đã quá quen với việc đám đông lớn và không thể hiểu được điều đó sẽ nguy hiểm như thế nào”, ông nhận định.

Số lượng cảnh sát chắc chắn là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, một vấn đề cơ bản khác là quy định pháp lý, theo đó yêu cầu cảnh sát chỉ hạn chế quyền tự do đi lại của người dân vì an toàn và trật tự công cộng đối với các sự kiện do chính phủ chỉ định hoặc các cuộc biểu tình đã được thông báo cho cảnh sát.

Luật pháp cho phép (nhưng không yêu cầu) cảnh sát can thiệp vào "các cuộc tụ họp riêng tư" khi có nguy hiểm sắp xảy ra. Nếu không có một định nghĩa pháp lý rõ ràng, liệu các đường phố đông người có thể được xếp vào diện đó hay không, các chuyên gia pháp lý đặt câu hỏi.

Trong khi đó, theo Japan Times, mọi sự chú ý của các đảng đối thủ đang đổ dồn vào cách Tổng thống Yoon xử lý vụ việc này.

Ông Yoon đã triệu tập các cuộc họp khẩn cấp chỉ vài giờ sau khi vụ chèn ép diễn ra vào tối 29/10. Ông cam kết hỗ trợ y tế và tài chính cho các nạn nhân cùng gia quyến, đồng thời hứa sẽ mở cuộc điều tra và xem xét kỹ lưỡng các biện pháp an toàn nhằm ngăn chặn thảm kịch tái diễn. Ông cũng trực tiếp đến hiện trường vào ngày 30/10.

Soo Kim, nhà phân tích chính sách của RAND Corporation và từng làm việc tại Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc, cho biết: “Cách chính quyền ông Yoon xử lý vụ việc đang bị để ý từng chút một”. Theo bà, một sai lầm nhỏ cũng có thể bị thổi phồng hoặc dẫn đến những lời chỉ trích rằng chính phủ đương nhiệm không đủ năng lực.

Ông Yoon, một cựu công tố viên, đã giành chiến thắng sát nút trong cuộc đua tổng thống và có tỷ lệ ủng hộ 30% trong cuộc thăm dò hàng tuần mới nhất từ Gallup Korea. Đó là mức giảm mạnh so với con số 51% khi ông nhậm chức vào tháng 5. Nhiều người được hỏi cho rằng những rắc rối về ngoại giao và thiếu kinh nghiệm là lý do khiến ông không được ủng hộ.

“Giống như trong quá khứ, vụ việc bi thảm này có thể trở thành một bài kiểm tra khả năng lãnh đạo của tổng thống Hàn Quốc, tùy vào cách ông ấy xử lý tình huống và kết quả điều tra nguyên nhân vụ giẫm đạp”, Duyeon Kim, một thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Seoul, nhận định.

“Nếu lịch sử là kim chỉ nam cho những bi kịch quốc gia, ông Yoon có thể bị đổ lỗi và mất chức, hoặc ông sẽ trở thành người hùng”, vị chuyên gia nhận định.

Người đàn ông leo tường tránh đám đông ở Itaewon Video ghi lại cảnh một người đàn ông đã bám vào tường ngoài của một cửa hàng khi ở trong đám đông tại Itaewon tối 29/10.

Vân Đinh - Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tro-choi-do-loi-sau-tham-kich-itaewon-post1371752.html