Trò chơi phản cảm chuyển thẻ bằng mặt: Yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm các bên liên quan

Sau khi clip trò chơi 'chuyền thẻ bằng mặt' của 400 em học sinh Trường THPT Thực hành Sư phạm (Trường ĐH Cần Thơ) được phát tán trên mạng và bị chỉ trích gay gắt, nhà trường, Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT đều phải vào cuộc.

Clip gần 2 phút ghi lại hoạt động gần 400 học sinh THPT Thực hành Sư phạm, ĐH Cần Thơ thực hiện trò chơi chuyển thẻ bằng mặt theo cách một học sinh nằm xuống đất, đặt tấm thẻ lên môi; học sinh khác giới nằm đè lên người ở dưới và đặt môi lên tấm thẻ; cả hai lăn một vòng và cố giữ sao cho tấm thẻ không rơi xuống, rồi chuyển cho cặp khác...

Ngay sau khi clip được công khai, dư luận đã đặc biệt lên án trò chơi phản cảm, không phù hợp với thuần phong, văn hóa Việt Nam.

Trước phản ứng này PGS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết, trường ĐH Cần Thơ đã họp với UBND TP Cần Thơ và đã có báo cáo về Bộ GD-ĐT vụ việc này.

Theo ông Toàn, trò chơi này xuất phát từ Nhật Bản và được Đoàn Thanh niên cho phép như một trò chơi lớn, trò chơi này không phản cảm như nhiều người nghĩ.

Tuy nhiên, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã lên tiếng cho biết Ban Bí thư Trung ương Đoàn kiên quyết phản đối các hoạt động này, đồng thời chỉ đạo Thành đoàn Cần Thơ phối hợp nhà trường kiểm tra và có hướng xử lý cụ thể, rõ ràng.

Trò chơi chuyển thẻ bằng mặt tại trường THPT thực hành sư phạm bị lên án phản cảm, không phù hợp văn hóa Việt

Về phía Bộ GD-ĐT, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên cũng đã có ý kiến và cho rằng nguyên nhân sự việc do trường vận dụng trò chơi của một số nước vào trong hoạt động của nhà trường đã thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức thực hiện không đúng, máy móc, quản lý lỏng lẻo, thiếu giám sát chặt chẽ khi tổ chức trò chơi để đảm bảo tính giáo dục; công tác tổ chức trò chơi chưa đạt yêu cầu.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT đưa ra là việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ; hoạt động tập thể đầu năm học cho học sinh là cần thiết, nhằm tạo không khí vui tươi trong nhà trường, tạo cơ hội cho học sinh tìm hiểu môi trường học tập, rèn luyện mới, giao lưu các bạn bè mới.

Tuy nhiên, Ban Giám hiệu trường THPT Thực hành Sư phạm, cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được giao quản lý hoạt động trên cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc chỉ đạo, phê duyệt; quản lý và giám sát tổ chức hoạt động này.

Nhà trường đã không kịp thời cho học sinh dừng tham gia trò chơi khi các điều kiện tổ chức không đảm bảo, không đảm bảo ý nghĩa giáo dục của trò chơi, không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, chưa nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các học sinh khi tham gia.

Điều này đã gây ra bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, uy tín của nhà trường, thầy cô giáo và các em học sinh.

Theo Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, tất cả các trò chơi (trên mạng và trực tiếp), cũng như các hoạt động liên quan đến HSSV mang tích chất nhạy cảm, bạo lực… không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, tâm sinh lý lứa tuổi, mục tiêu giáo dục toàn diện người học đều không được tổ chức trong các cơ sở giáo dục.

Để xảy ra vụ việc trên, trách nhiệm trước hết thuộc về Ban Giám hiệu, Đoàn trường Trường THPT Thực hành Sư phạm của Trường Đại học Cần Thơ. Bộ GD-ĐT yêu cầu Trường Đại học Cần Thơ, Sở GD-ĐT Cần Thơ tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc; làm rõ mức độ vi phạm của các tổ chức , cá nhân liên quan, xử lý nghiêm theo quy định và báo cáo về Bộ GD-ĐT.

Được biết, ngày 29-8, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ dự kiến sẽ họp để thông tin về vụ việc này.

Duy Anh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/tro-choi-phan-cam-chuyen-the-bang-mat-yeu-cau-xu-ly-nghiem-trach-nhiem-cac-ben-lien-quan/779896.antd