Trò chuyện với Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Lê Chuyên: 'Bệnh nhân cần bác sĩ làm hết sức mình...'

Ngày mới vào nghề, tôi đã được thầy Hy (cố giáo sư Ngô Gia Hy) dặn dò: 'Nghề y không phải là chỗ để người ta tìm kiếm vinh quang'... Trải qua 25 năm gắn bó với công việc cứu người, tôi đã thấm thía lời nói của thầy và thấy mình còn mắc nợ bệnh nhân nhiều lắm!' - Bác sĩ Vũ Lê Chuyên (khoa Niệu - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM) tâm sự.

Bước vào nghề y theo sự gợi ý của người cha nhưng lối sống và việc làm của bác sĩ Vũ Lê Chuyên, chuyên gia của ngành niệu TP.HCM lại chịu ảnh hưởng lớn từ cố giáo sư Ngô Gia Hy. Anh tâm niệm làm thầy thuốc là góp phần chia sẻ một phần nỗi đau của người bệnh và điều mà người bệnh cần chính là sự tận tâm của thầy thuốc... Không thể kể hết những đóng góp của anh đã mang đến cho người bệnh trong suốt 25 năm qua. Chỉ biết rằng khi nhắc đến bác sĩ Chuyên, rất nhiều đồng nghiệp của anh đã có cùng nhận xét: "Đó là người đã hết lòng vì người bệnh và đáng tôn trọng về lối sống". Từ trước năm 1994, những bệnh nhi bị bệnh hẹp khúc nối (thận ứ nước bẩm sinh) hầu như đa số phải điều trị bằng cách cắt thận. Qua nghiên cứu các phương pháp điều trị tiên tiến ở nước ngoài, bác sĩ Vũ Lê Chuyên đã định hình lại phương pháp có thể áp dụng ở Việt Nam: điều trị bằng cách cắt bỏ và tạo hình lại khúc nối. Kết quả là tỷ lệ thành công lên đến 83-90%. Anh cũng là một trong những người đầu tiên ủng hộ và đề xuất thực hiện phương pháp nội soi trong phẫu thuật lấy sỏi thận niệu tại Bệnh viện Bình Dân, góp phần làm giảm tỷ lệ bệnh nhân bị sỏi phải mổ hở từ 95% xuống còn 30%. Kỹ thuật nội soi lấy sỏi sau đó đã được Bệnh viện Bình Dân chuyển giao cho 18 cơ sở khác trong cả nước. Nhờ phương pháp này mà biết bao bệnh nhân đã tìm lại được hạnh phúc... Mặc dù vậy, anh vẫn cho những thành công vừa qua là "nhỏ nhoi vô cùng" so với những thứ chưa đạt được. * Bác sĩ đã đưa bao nhiêu người "từ cõi chết trở về"? - Tôi cũng không nhớ nữa. Tôi cho rằng những cố gắng của bác sĩ trong việc cứu bệnh nhân từ cõi chết trở về là điều hiển nhiên. Trách nhiệm của người thầy thuốc là cứu người mà. Những điều tôi băn khoăn là còn nhiều bệnh nhân ung thư bàng quang, tiền liệt tuyến đến bệnh viện trễ quá, tỷ lệ bệnh nhân bị sỏi thận, niệu quá cao (50% trong tổng số bệnh nhân khám tại Bệnh viện Bình Dân), tỷ lệ bệnh nhân phải mổ hở để lấy sỏi còn rất cao (30%) trong khi ở nước ngoài đa số đã chuyển qua mổ nội soi. Ngoài ra, cũng còn nhiều lĩnh vực niệu khoa chưa phát triển, nhất là khoa niệu cho phụ nữ. * Thời gian này Tổ chức Friendship Bridges (Mỹ) đang chuyển giao kỹ thuật tái tạo bàng quang cho những bệnh nhân ung thư bàng quang bằng ruột và phẫu thuật điều trị ung thư tiền liệt tuyến cho Bệnh viện Bình Dân, phải chăng bệnh viện chưa thực hiện tốt các kỹ thuật này? - Bệnh viện Bình Dân đã phẫu thuật điều trị ung thư bàng quang và tái tạo bàng quang bằng ruột cho bệnh nhân từ 20 năm qua. Gần 300 bệnh nhân đã được tái tạo bàng quang thành công. Tái tạo bàng quang là kỹ thuật lớn, có thể nói là hơn cả siêu phẫu. Bác sĩ chỉ cần thực hiện thành công một ca là có thể rất hãnh diện về chuyên môn. Vậy mà hiện có khoảng 15 trong tổng số 30 bác sĩ Niệu khoa của Bệnh viện Bình Dân có thể thực hiện thành thạo kỹ thuật này. Việc chuyển giao lần này chủ yếu là các kỹ thuật mới, chi tiết nhằm hoàn thiện hơn phương pháp đã làm giúp bệnh nhân ít bị biến chứng hơn. Việc tiếp cận kỹ thuật mới mỗi ngày là mục tiêu của ngành y. * Ngành niệu của TP.HCM trong năm 2005 sẽ khác gì so với năm 2004? - Trong năm 2004, phẫu thuật nội soi lấy sỏi thận, niệu đã phát triển mạnh tại TP.HCM. Các bác sĩ đã cắt được ung thư tiền liệt tuyến qua ngả nội soi ổ bụng, kỹ thuật mà trong năm 2003 chưa làm được. Trong năm 2005, chúng tôi tiếp tục phát triển phẫu thuật nội soi, hệ thống hóa việc điều trị ung thư trong hệ niệu bao gồm kết hợp nội khoa, hóa trị, xạ trị, đồng thời triển khai chương trình tầm soát ung thư tiền liệt tuyến cho người dân. * Một ngày của bác sĩ trôi qua như thế nào? - Cũng như mọi người thôi. Tôi thức dậy lúc 6h. 6h30, đưa con đi học. Sau đó đến bệnh viện: họp giao ban, làm công việc quản lý, đi thăm bệnh nhân, phẫu thuật, giảng dạy... Hơn 16h về làm phòng mạch. Đến 19h dùng cơm tối, sau đó đi thăm bố mẹ, tranh thủ thời gian dạo mát luôn. Đến 21h, tôi về nhà đọc sách, viết sách và đi ngủ lúc 0h. * Kết thúc một ngày làm việc, bác sĩ nghĩ đến điều gì? - "Ngày hôm nay mình đã làm việc hết khả năng chưa, có ai trách mình điều gì không?". * Chế độ ăn uống của bác sĩ có... khác với người khác? - Đối với bệnh nhân, chúng tôi thường khuyên phải ăn ngủ đúng giờ, dùng nhiều chất dinh dưỡng nhưng ngược lại, chúng tôi hầu như chỉ có ăn sáng và ăn tối. Do phải phẫu thuật cho bệnh nhân nên buổi trưa, tôi thường ăn qua loa bằng một mẩu bánh mì hoặc hộp sữa đậu nành. Bữa cơm tối đối với tôi rất quan trọng vì đó là những giây phút được ngồi bên gia đình, thăm hỏi chuyện học hành của các con. * Bác sĩ có hướng cho các con theo nghề y? - Con trai lớn của tôi đang học năm thứ hai Đại học Khoa học tự nhiên ngành Công nghệ sinh học, còn con gái thứ đang học lớp 9. Trải qua 25 năm gian khổ và hạnh phúc với nghề y, tôi vẫn mong các con sẽ nối nghiệp mình nhưng tôi sẽ tôn trọng quyền lựa chọn nghề nghiệp của các con. Với ngành Công nghệ sinh học mà con trai tôi đang theo học vẫn có liên quan đến y học. * Bác sĩ có lời khuyên gì đối với các bác sĩ trẻ? - Tôi luôn sống và làm việc noi gương các thầy là cố giáo sư Ngô Gia Hy, giáo sư Trần Văn Sáng, bác sĩ Dương Quang Trí và bác sĩ Nguyễn Văn Hiệp, những người đã hết lòng với nghề, với bệnh nhân. Thầy Hy suốt cả đời cống hiến là thế vậy mà lúc cuối đời thầy bảo rằng vẫn còn thấy mắc nợ. Đối với các bác sĩ trẻ, tôi mong muốn các em luôn học tập, đừng tự mãn vì trong y khoa, thành công chỉ là tương đối. Trong bất kỳ trường hợp nào, người thầy thuốc cũng phải cố gắng làm hết sức mình... * Bác sĩ đón nhận ngày 27/2 như thế nào? - Ngày này, chúng tôi được mọi người nhắc đến nhiều hơn. Riêng tôi cũng được nhận quà từ gia đình, bè bạn, lời cảm ơn từ bệnh nhân. Qua đó, tôi thấy mình phải có trách nhiệm hơn, cố gắng nhiều hơn nữa. Tôi cảm ơn gia đình đã tạo điều kiện cho tôi làm việc, cảm ơn bệnh nhân đã tin tưởng cho tôi phẫu thuật. Đáp lại, tôi tự thấy đã làm hết sức mình và sẽ không ngừng phấn đấu, nâng cao chuyên môn phục vụ bệnh nhân. * Cám ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện này! Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, xin chân thành chúc bác sĩ sức khỏe và hạnh phúc.

Ngọc Trang
(thực hiện)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/tro-chuyen-voi-pho-giao-su-tien-si-bac-si-vu-le-chuyen-benh-nhan-can-bac-si-lam-het-suc-minh-310616.html