Trò hề của RSF

Những năm gần đây, cứ đến dịp Ngày Tự do báo chí thế giới (3/5) hay kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), trên nhiều trang mạng phản động lại xuất hiện những đánh giá sai lệch, xuyên tạc thực tế tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam.

Phóng viên tác nghiệp tại Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025.

(baophutho.vn) - Những năm gần đây, cứ đến dịp Ngày Tự do báo chí thế giới (3/5) hay kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), trên nhiều trang mạng phản động lại xuất hiện những đánh giá sai lệch, xuyên tạc thực tế tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Mới đây, Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) đã công bố bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2022 với những nhận định lệch lạc, trái ngược hoàn toàn với thực tế khách quan. Cộng đồng đã quá quen thuộc với những cáo buộc vô lý, vô giá trị này nên chẳng mấy ai để ý quan tâm, chỉ có bè lũ chống phá, cơ hội chính trị tung hứng cho nhau với giọng điệu giảo hoạt, loạn ngôn như thường lệ…

“Tự do báo chí ở Việt Nam rất “ổn định ở nhóm chót bảng xếp hạng” là tiêu đề bài viết được Đài Á Châu Tự do (RFA) đăng tải trên facebook. Bài viết cho rằng: “Nền báo chí Việt Nam vẫn tồi tệ và luôn ổn định đứng cuối trong các bảng đánh giá về Tự do báo chí”; “chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2022 do Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) công bố ngày 3/5 xếp Việt Nam ở vị trí 174 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ….Thống kê của RSF cho thấy có chừng 40 nhà báo đang bị giam cầm tại những nhà tù vốn có tiếng là ngược đãi tù nhân ở Việt Nam. Trong số những người đang bị cầm tù có những người thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nhóm Báo Sạch và bà Phạm Đoan Trang…”. VOA Tiếng Việt cũng hàm hồ vào hùa: “Việt Nam tiến một bậc trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí, mới được tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố hôm 3/5, dù có thêm nhiều nhà báo bị bắt giữ và xét xử trong khi chính quyền thắt chặt thêm việc kiểm soát đối với truyền thông và tự do ngôn luận...”.

Luận điệu thay trắng đổi đen của bè lũ chống phá
Phóng viên không biên giới hay Ký giả không biên giới (Tiếng Pháp: Reporters sans frontìeres: RSF) là một tổ chức phi chính phủ với phạm vi hoạt động trên toàn cầu với mục đích được cho là bảo vệ tự do báo chí trên toàn thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ. Tổ chức này lấy Điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền làm cơ sở để hành động. Tuy nhiên, trái ngược với những ngôn từ mỹ miều tâng bốc tôn chỉ, mục đích trên giấy, từ ngày thành lập đến nay, RFS nổi danh với các hoạt động xuyên tạc, chống phá bất chấp thủ đoạn đê hèn để phục vụ mưu đồ chính trị đen tối của những ông chủ cung cấp tài chính, nuôi dưỡng chúng. Đối với Việt Nam, báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới thường niên vu cáo, xuyên tạc trắng trợn thực tế khách quan khi cho rằng các cơ quan báo chí đều hoạt động dưới sự chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam nên “nguồn tin độc lập duy nhất mà hiện nay người dân có thể tiếp cận chính là từ các blogger và nhà báo tự do”. Tổ chức này thay trắng đổi đen, dựng chuyện chính quyền cộng sản “đang tìm cách đàn áp và sách nhiễu nhiều blogger thông qua việc sử dụng công an thường phục”; vu cáo đã có nhiều blogger và nhà báo tự do bị bỏ tù bởi các tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”, “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, “lạm dụng quyền tự do dân chủ” theo các điều luật 88, 79 và 258 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam…

Trên thực tế, từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan, đồng thời được triển khai thực hiện trong thực tế đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Nhiều năm qua, Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân về tự do ngôn luận. Việt Nam hiện có hơn 41.000 nhân sự đang tham gia hoạt động, gần 800 cơ quan báo chí và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng Internet cao nhất trên thế giới. Công nghệ thông tin và mạng xã hội đã và đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống, sinh hoạt ở Việt Nam với khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động, trong đó có 64% các thuê bao đã kết nối 3G và 4G. Tỷ lệ dân số sử dụng Internet cũng chiếm 70%, lượng người dùng sử dụng Internet qua thiết bị di động chiếm khoảng 95%; 70,1% dân số Việt Nam dùng Facebook… Đây là minh chứng cụ thể khẳng định những thành thành tựu to lớn, vững chắc đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam và sự chủ động thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết quốc tế nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà Việt Nam tham gia.

Là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới”. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mỗi công dân và cộng đồng thì tự do phải gắn liền, nằm trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Đây là nguyên tắc tối thượng của các quốc gia dân chủ, văn minh, trong đó có Việt Nam. Cùng với việc đảm bảo ngày càng tốt hơn về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, Nhà nước Việt Nam cũng kiên quyết trừng trị những tổ chức, cá nhân lợi dụng vấn đề này để thực thi hành vi tung tin xấu độc, xuyên tạc, bôi nhọ, kéo bè, lập phái chống đối nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cơ quan chức năng Nhà nước Việt Nam đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh điều tra, bắt giữ, truy tố những đối tượng vi phạm pháp luật, tự xưng là “Nhà đấu tranh cho dân chủ”, “nhà báo tự do”,… dưới dạng là bloger chuyên viết bài, làm video clip,… với nội dung xuyên tạc sự thật, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam,…

Việt Nam không có “các nhà báo bất đồng quan điểm bị giam cầm” mà chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật bị xét xử, giam giữ theo đúng quy định của pháp luật. Những thành tựu quan trọng thể hiện quan điểm tiến bộ, nỗ lực của Việt Nam trong việc tôn trọng, đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong suốt những năm qua đã được người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trò hề bịt mắt bưng tai, lá mặt lá trái, thay trắng đổi đen của RSF từ lâu đã bị cộng đồng bóc mẽ, đấu tranh lên án. Cái gọi là “bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới” vẫn đều đặn xuất hiện hàng năm hoàn toàn phi pháp, vô giá trị…

Vũ Thanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/202205/tro-he-cua-rsf-184063