Trò hư tại thầy hay con hư tại me?

Vài năm trở lại đây, đời sống giáo dục luôn nóng bỏng khắp các diễn đàn. Từ chuyện học hành đến chuyện thi cử đều xảy ra những bi hài kịch dở khóc dở cười. Mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình vốn lỏng lẻo, thì hôm nay lại bị tác động thêm bởi bao nhiêu thị phi trên mạng xã hội.

Phó thác hết việc dạy dỗ con em mình cho thầy cô giáo, thì liệu các bậc phụ huynh đã làm tròn bổn phận chưa? Trong không khí Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà báo, nhạc sĩ Hà Quang Minh.

Nhà báo, nhạc sĩ Hà Quang Minh

Nói chuyện giáo dục lúc này, thì thực sự không biết bắt đầu từ đâu. Ngay tại nghị trường, chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo cũng rất lúng túng trước những chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Thế nhưng, có lẽ chúng ta nên đề cập về việc 8 học sinh ở Thanh Hóa đã hùa nhau nói xấu thầy cô và bị kỷ luật, đầu tiên là quyết định đuổi học 1 năm sau đó chuyển sang hình thức răn đe khác...

Về chuyện kỷ luật học trò, tôi phải nói thế này. Mỗi trường học, ngoài chức năng giáo dục, còn là một đơn vị cung cấp dịch vụ. Trường công là dịch vụ công, trường tư là dịch vụ tư. Và tổ chức nào, công hay tư, đều có nguyên tắc của nó cả. Tất nhiên, giáo dục phổ thông là bắt buộc nhưng chúng ta đừng coi chuyện phải giáo dục những trẻ không thể nào giáo dục nổi là nhiệm vụ bắt buộc. Nhà trường không thể nào "nợ" xã hội cái gì cả, nếu như họ đã làm đúng và đủ nhiệm vụ của họ. Và ở trong một tổ chức có nguyên tắc riêng của nó, bạn phải tuân thủ nguyên tắc ấy. Là người ngoài, bạn phải tôn trọng nguyên tắc ấy.

Mạng xã hội có thói quen, bất cứ sự cố gì cũng hô hào “lấy học trò làm trung tâm”…

Giáo dục không chỉ là dạy dỗ. Trong dạy dỗ, có "dỗ", cứ tạm hiểu là dỗ dành đi. Nhưng trong giáo dục, chữ GIÁO được đưa lên hàng đầu. Giáo có nghĩa là truyền thụ lại nhưng còn nghĩa khác là lễ nghi, quy củ. Trong môi trường giáo dục, vì thế lễ nghi quy củ rất quan trọng. Vậy thì còn có quy củ không khi nhà trường xử lý một học sinh hư thì xã hội lại lao vào xử nhà trường. Theo tôi, đấy là cái mầm của hỗn loạn đạo đức xã hội…

Theo phản xạ cảm tính, phụ huynh thường thấy con mình luôn ngoan và giỏi, nên quá trình uốn nắn học trò cực kỳ nan giải...

Bây giờ phải nhìn nhận cho nó rạch ròi đi đã. Con cái chúng ta ở tuổi đi học phổ thông, được quyền đến trường. Đó là quy định của Luật giáo dục rồi. Nhưng nếu con anh chị là một đứa trẻ ngoan, đến trường mà nó hư hỏng đi thì mới xét về năng lực của nhà trường. Còn con anh chị nó hư, nó hỗn, do chính anh chị chiều chuộng nó quá, thì khi nó đến trường, nhà trường cũng chỉ 1 phần giúp uốn nắn nó thôi, làm sao anh chị phó mặc cho nhà trường được. Cái nực cười của chúng ta là con ngoan, giỏi thì chúng ta thường khen gia đình. Con hư chúng ta đổ tại nhà trường ngay. Thế là phi lý, là bất công. Tôi nhớ hồi ồn ào vụ chữ cái, có cái video phụ huynh nào đó bức xúc mà văng tục kinh khủng trước mặt con mình, mới sáu tuổi, trong video đó. Tôi nói thật, với một gia đình mà ngay cả phụ huynh không có ý thức thế nào để giáo dục con mình tốt nhất thì nó có được hưởng nền giáo dục ưu việt số 1 thế giới nó cũng hư hỏng!

Mạng xã hội chi phối giáo dục một cách kinh khủng, khiến nhà trường không còn là ốc đảo bình yên cho sự nghiệp trồng người!

Ở các nước phương Tây, văn hóa của họ đề cao cá nhân, cái tôi và việc soi mói vào đời tư, công việc của người khác nhiều khi bị coi là bất lịch sự. Còn ở Á đông mình, làm gì cũng phải để ý "xem đời sẽ nhận xét ta ra sao". Chính cái quyền được nhận xét về hành vi của người khác vốn dĩ đã ăn vào văn hóa ấy khiến tác động của truyền thông mạng xã hội ở Á Đông kinh khủng hơn ở phương Tây rất nhiều.

Không chỉ nhà trường, tất cả chúng ta đều bị chi phối bởi mạng xã hội một cách rất mạnh mẽ nhưng khốn khổ là nó đang khoác một cái áo chia sẻ có vẻ rất dung dị và đời thường. Ở thời đại truyền thông và thông tin được cá nhân hóa như hôm nay, chuyện mỗi người với một cái điện thoại thông minh trong tay sẵn sàng chụp, quay, cắt cúp, tạo ra câu chuyện từ một phần của sự thật chứ không phải hoàn toàn là sự thật là phổ biến. Điều đó khiến mỗi chúng ta, với công cụ trong tay, như thể đang cầm súng mà đối tượng là bất kỳ ai. Nói thẳng, mỗi người như có một cái "án tử" lơ lửng trên đầu vậy. Chúng ta đang dựa cột hết. Sơ sểnh bị "bắn" ngay.

Ảnh minh họa

Mỗi năm chúng ta có ngày 20-11, đây là cơ hội để đánh thức truyền thống tôn sư trọng đạo chăng?

Tôi cho rằng phải đổi truyền thống tôn sư trọng đạo này đi. Phải trọng đạo trước thì mới biết tôn sư. Không thể đưa tôn sư lên trước trọng đạo được. Gia đình có trọng đạo, mới thấy việc học nó hệ trọng đến thế nào. Lúc đó, gia đình mới ý thức được cái công của người dạy con mình học.

Nói thì có vẻ lý thuyết, nhưng thực tế là cha mẹ phải làm gương. Cha mẹ mà không tôn trọng thầy cô giáo của con mình, nhất là khi trao đổi với nhau liên quan đến thầy cô trước mặt con mình, thì con cái sẽ dễ coi thường thầy cô giáo. Tôi nghĩ, đa số các trường hợp thiếu tôn trọng thầy cô của học sinh là bị ảnh huởng tử chính phụ huynh trước.

Cha mẹ phải tôn trọng thầy cô, thì học trò mới tôn trọng thầy cô, đó là quy luật tất yếu!

Đúng vậy! Cha mẹ hãy làm gương, để thầy cô được làm đúng sứ mệnh cao cả của họ! Nếu ở 30 năm trước (hoặc lâu hơn nữa), việc một học sinh nghịch ngợm bị thầy cô giáo nhéo tai, tét tay, hoặc thậm chí dùng thước kẻ phạt một vài roi sẽ được gia đình nhìn nhận rằng “con mình chắc chắn phải có vấn đề nên giáo viên buộc phải phạt như vậy”. Còn bây giờ, chỉ cần một hình phạt như thế, rất dễ nổ ra một làn sóng thông tin cho rằng giáo viên ngược đãi học trò.

PHẠM ANH (Kiến thức gia đình số 46)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tro-hu-tai-thay-hay-con-hu-tai-me-post230693.html