Trở lại câu chuyện âu thuyền cảng cá Thọ Quang

Một trong các điểm nóng về môi trường ở TP Đà Nẵng, có lẽ  âu thuyền và cảng cá Thọ Quang được nhắc đến nhiều nhất trong những năm qua.

Số lượng tàu thuyền về neo đậu gấp 3 lần khi mưa bão, gây quá tải mất an toàn tại âu thuyền Thọ Quang.

Vệ sinh môi trường nhếch nhác

Ông Phạm Bá Hùng-Phó Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cho biết, bình quân số lượng tàu thuyền neo đậu trong âu thuyền khoảng 400 chiếc mỗi ngày, số lượng tàu thuyền cập cảng khoảng 50 đến 55 lượt mỗi ngày đêm, vào những ngày mưa bão số lượng tàu thuyền neo đậu lên đến 800, thậm chí 1.200 chiếc khi cao điểm… Cùng với âu thuyền, cảng cá còn có chợ đầu mối, hàng ngày tập trung hàng nghìn lao động, tư thương lưu trú, buôn bán, sinh hoạt tại khu vực. Theo thống kê, năm 2017, tổng lượng rác thải tại khu vực âu thuyền, cảng cá là 1.656 m3 rác thải, 8 tháng đầu năm 2018, là hơn 1.000 m3 rác thải…Với lượng rác thải khổng lồ như thế, nhưng Đội Môi trường của Ban Quản lý âu thuyền, cảng cá Thọ Quang chỉ có 14 cán bộ, nhân viên hàng ngày thực hiện nhiệm vụ dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải 8 giờ mỗi ngày, kể cả ngày lễ, tết, dội rửa, phun vi sinh khử mùi tại khu vực chợ, nhà chứa rác, cầu cảng… Có thể nói, công việc làm không xuể, có những hôm thời tiết thay đổi, số lượng tàu thuyền vào nhiều, đội môi trường phải mất tới 2-3 ngày mới dọn xong lượng rác thải ra. Cùng với việc dọn rác thải hàng ngày, Ban Quản lý âu thuyền, cảng cá thường xuyên tổ chức các đợt ra quân làm vệ sinh môi trường, năm 2017, ra quân 26 lượt, 8 tháng đầu năm 2018, ra quân 17 đợt…Vận động tư thương lắp đặt 1 cân điện tử tại vị trí cầu cảng số 3, nhằm nâng cao năng lực bố xếp hàng hóa, giải phóng hàng nhanh, không để cá vụn, nước thải rơi vãi trong quá trình vận chuyển. Đầu tư 1 xe điện chở thùng rác, để đẩy nhanh quá vận chuyển rác từ âu thuyền về điểm tập kết, đầu tư 2 lưới vớt rác để kéo rác từ mặt nước vào bờ. Mua mới 70 thùng đựng rác, 200 sọt nhựa giao cho các tàu đăng ký cập cảng và các tư thương trong chợ để thu gom rác tại cảng và chợ… Hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo trạm xử lý nước thải…

Ông Phạm Trung Thành-Trưởng phòng Quản lý hạ tầng âu thuyền cảng cá Thọ Quang cho rằng, mặc dù đơn vị đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, nhưng đấy mới chỉ là đảm bảo dọn dẹp phần rác thải cứng. Vấn đề nan giải nhất với âu thuyền, cảng cá vẫn là mùi hôi. Theo ông Thành, mùi hôi có từ các nguồn: Mùi hôi từ việc vận chuyển làm rơi vãi nước thải, cá vụn trên đường khu vực cảng cá, vấn đề này đã được xử lý bằng hóa chất tẩy rửa, điện giải…Mùi hôi bùn nước từ đáy lòng hồ âu thuyền, năm 2016, Viện Khoa học công nghệ môi trường đã tiến hành làm thí nghiệm, tạo vi sinh để phân hóa lớp bùn nước này. Đề tài đã được Sở TN&MT thành phố đã thẩm định, nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành trên thực địa, nếu giải quyết được bằng phương pháp này thì rất tốt, giảm được rất nhiều chi phí. Trên thực tế địa lý, bản chất âu thuyền là một cái ao tù, chỉ có một đường thông ra duy nhất tại Vịnh Mân Quang, năm 2010, đã có ý kiến đề xuất từ Sở NN-PTNT, sẽ đào một kênh dẫn nước từ sông Hàn phía bờ Nại Hiên Đông, thông vào âu thuyền, tạo dòng chảy lưu thông, nhưng không hiểu lý do gì, ý kiến ấy đã bị "quên lãng". Cuối năm 2017, UBNDTP Đà Nẵng cũng đã có văn bản về chủ trương thực hiện dự án nạo vét bùn lắng trong âu thuyền, sẽ lồng ghép trong dự án Đê, kè Mân Quang, nhưng đến nay việc nạo vét âu thuyền vẫn chưa được thực hiện. Việc cải tạo, nâng cấp trạm bơm thông thủy âu thuyền Thọ Quang đã có đề án trình UBND TP xem xét, nhưng đến nay vẫn trong giai đoạn thẩm định và dự toán kinh phí, đánh giá hiệu quả và đề xuất các giải pháp…

Ông Phạm Bá Hùng cho rằng, vấn đề vệ sinh môi trường ở âu Thuyền cảng cá vẫn là vấn đề phức tạp, khó khăn nhất hiện nay là việc người dân thiếu ý thức, thường xuyên vứt rác xuống âu thuyền, mặc dù Ban Quản lý đã thường xuyên tuyên truyền bằng mọi hình thức và cho ký cam kết đối với các chủ tàu thuyền. Tuy nhiên việc xử lý hành vi này khó thực hiện, do Ban Quản lý là đơn vị sự nghiệp không có chức năng xử phạt; phạm vi quá rộng, nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia hoạt động trong khu vực; hơn 70% tàu thuyền về hoạt động tại Cảng là tàu ngoại tỉnh, việc tuyên truyền, xử lý khó khăn vì người dân thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh. Trong tháng 8-2018, Ban Quản lý Âu thuyền Cảng cá Thọ Quang đã kiến nghị HĐNDTP, đề nghị UBNDTP sớm triển khai dự án nạo vét bùn lắng trong lòng âu thuyền; Đề xuất với các lực lượng chức năng như Biên phòng, CSMT, ngành TNMT, CSGT đường thủy… tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm về lĩnh vực môi trường trong khu vực âu thuyền, cảng cá. Đề nghị Chính quyền các địa phương có tàu thuyền hoạt động tại khu vực âu thuyền cảng cá Thọ Quang tăng cường tuyên truyền cho ngư dân về đảm bảo vệ sinh môi trường…

Quá tải khi có bão lũ

Có thể nói âu thuyền cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng có rất nhiều ưu điểm về vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở phục vụ cho hoạt động khai thác, đánh bắt, chế biến, dịch vụ thương mại nghề cá, thủy hải sản… Có thể thấy, đây là vùng nước neo đậu có độ sâu đảm bảo, khi ngư dân đánh bắt ngoài biển, cận kề bão gió có thể ra vào dễ dàng mà không sợ mắc cạn, ách tắc luồng lạch. Âu thuyền nằm trong vịnh, có bán đảo Sơn Trà che chắn, không bị ảnh hưởng gió mạnh. Âu thuyền như một cái ao, không có dòng chảy, tàu thuyền không bị va đập khi neo đậu. Hệ thống cảng, chợ cá có dịch vụ hậu cần tốt, giải phóng nhanh hàng hóa (cá, hải sản) cho tàu thuyền. Ngư dân khi cho tàu thuyền vào neo đậu, có thể cho bạn tàu (người lao động) về nhà nghỉ ngơi, vì có sẵn các loại phương tiện giao thông đi các địa phương. Ngay khi các cơn bão tan, tàu thuyền được cung cấp các nhu yếu phẩm như xăng dầu, lương thực, thực phẩm… kịp thời, thuận tiện để có thể kịp ra biển đánh bắt ngay. Chính các ưu điểm như vậy, tàu thuyền các địa phương cả nước khi đánh bắt gần vùng biển Đà Nẵng đều về neo đậu tại âu thuyền, cảng cá Thọ Quang khi có mưa bão. Tuy nhiên theo thiết kế, diện tích như đã nêu trên, âu thuyền cảng cá Thọ Quang chỉ neo đậu được 493 tàu thuyền các loại, vào những ngày mưa bão cao điểm, tàu thuyền lượng tàu thuyền tập trung về neo đậu lên tới 1.000 thậm chí 1.200 chiếc, âu thuyền trở nên quá tải nghiêm trọng. Việc quá tải này thể hiện ở nguy cơ mất an toàn cho tàu thuyền khi neo đậu tránh bão gió. Quá tải về vấn đề vệ sinh môi trường, quá tải về công tác phục vụ hậu cần, dịch vụ thương mại nghề cá và quá về vấn đề đảm bảo ANTT tại khu vực. Theo quyết định của Tổng Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT tháng 8-2018 mới đây, âu thuyền cảng cá Thọ Quang là một trong 58 điểm neo đậu tránh bão gió của tàu thuyền đánh bắt hải sản trên cả nước. Trước thực tế như trên, Ban Quản lý âu thuyền cảng cá đã đề xuất UBNDTP xem xét, nghiên cứu tạo thêm vị trí neo đậu mới cho tàu thuyền, có phương án cải tạo, nâng cấp trang thiết bị đảm bảo an toàn cho lượng tàu thuyền lớn hơn ở âu thuyền cảng cá Thọ Quang.

HỒNG THANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_196118_tro-lai-cau-chuyen-au-thuyen-cang-ca-tho-quang.aspx