Trở lại Đồi Ngô sau 'bão' gian lận thi 6 năm trước

Những người tố giác gian lận thi cử tại Trường THPT Đồi Ngô đã có cuộc sống bình lặng sau nhiều sóng gió.

Gian lận thi cử tại Trường THPT Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang) từng gây chấn động dư luận năm 2012

Bình yên sau bão táp

Một ngày tháng 7, PV Báo Giao thông tìm gặp anh Nguyễn Danh Ngọc (SN 1984, ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) - người đã cùng cậu học sinh Đỗ Ngọc Sơn và “người đương thời” Đỗ Việt Khoa đứng ra thu thập bằng chứng, phanh phui những tiêu cực, gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 tại Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) khiến dư luận cả nước bức xúc vì bê bối nghiêm trọng của ngành Giáo dục.

Tại căn nhà nhỏ của mình, anh Ngọc khá bất ngờ khi thấy phóng viên tìm đến tận nơi vì vụ việc đã xảy ra nhiều năm và “chẳng mấy tốt đẹp” của ngành giáo dục địa phương. Nhất là khi vụ việc đã khiến anh và gia đình chịu nhiều thiệt thòi, tai tiếng. Ngồi cạnh anh là chị H. (vợ của anh Ngọc - tên đã thay đổi) giữ thái độ cảnh giác với PV và thường nhắc ý để anh Ngọc không khơi lại câu chuyện của 6 năm về trước. Bởi lẽ, việc chống tiêu cực thi cử đã làm xáo trộn cả tuổi thanh xuân của chồng mình.

Anh Ngọc cho biết, một quãng thời gian dài sau khi tung clip phản ánh tiêu cực tại điểm thi Đồi Ngô, anh và gia đình chịu nhiều tiếng xấu, chê trách vì “dỗi hơi làm bậy”, thậm chí còn bị nhiều người đe nạt, dọa giết. “Thời điểm đấy tôi chẳng biết khi nào sẽ chết hay chết như thế nào vì rất nhiều tai họa ập đến. Hiện, tôi vẫn còn lưu tin nhắn và số điện thoại đã dọa tôi nhưng chưa rõ là ai”, anh Ngọc nói.

Lục tìm trong chiếc điện thoại cũ của mình, anh Ngọc cho chúng tôi nhìn thoáng qua những vụ việc thời sự đang có dấu hiệu tiêu cực mà anh quan tâm, trong đó có cả những thông tin vi phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ở Hà Giang, Sơn La đã được báo chí đăng tải. Dường như anh muốn nói một điều gì đó nhưng vì có sự có mặt của vợ, anh Ngọc lại ngậm ngùi: “Chú thông cảm, chuyện dài lắm. Giờ cũng đã là chuyện cũ, chẳng ai muốn nhắc lại”.

Hỏi về cuộc sống hiện tại, anh Ngọc cho biết, sau khi bị đuổi khỏi trường THPT Đồi Ngô vì chống tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2012, anh đi làm thuê ở Hà Nội. Dự định đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản nên anh đi học tiếng Nhật rồi vượt qua vòng phỏng vấn. Nhận được lịch đi làm, anh đã chuẩn bị mọi thứ để lên đường nhưng không hiểu lí do gì mà anh lại bị trả hồ sơ, một lần nữa anh lại cặm cụi đi xin việc làm. “Năm 2016, tôi cưới vợ và có một cháu gái nhỏ. Nghĩ về tương lai của vợ con nên tôi cố gắng tìm một công việc ổn định. Sau nhiều lần thi viên chức, tôi đã đỗ và được Sở GD&ĐT phân công về giảng dạy môn thể dục tại Trường THPT Cẩm Lý, huyện Lục Nam. Giờ thương vợ, lo cho con nên tôi không nghĩ đến việc chống tiêu cực nữa. Chỉ mong bản thân và gia đình sống yên ổn”, anh Ngọc nói.

Khi được hỏi về cậu học trò Đỗ Ngọc Sơn, người trực tiếp quay lại những đoạn video rúng động trong phòng thi của Trường THPT Đồi Ngô giờ đây như thế nào, anh Ngọc ngập ngừng cho biết: “Sau vụ việc, Sơn không đi học nữa. Có một thời gian Sơn làm phụ xe khách nhưng sau chuyển vào trong miền Nam sinh sống và đi làm cùng người thân”.

Ôm đứa con gái 2 tuổi trong lòng, chị H. chia sẻ: “Trước khi cưới cũng biết anh Ngọc là người như thế nào và đã làm những gì nhưng chuyện cũ không nên nhắc lại. Giờ có vợ con rồi nên cũng mong anh sống yên ổn, nghĩ cho gia đình. Nhìn thấy anh mạnh khỏe, con ngoan là hạnh phúc rồi”.

Hiểu tâm tư của gia đình, chúng tôi xin phép ra về. Trên đường tìm đến trường THPT Đồi Ngô, tôi lại nhận được tin nhắn điện thoại của anh Ngọc với nội dung khắc khoải: “Cậu thông cảm, mình có vợ con rồi. Mình không muốn nhắc tới chuyện cũ nữa”.

Hình ảnh thí sinh quay cóp ở trường Đồi Ngô 6 năm về trước

“Chẳng dám làm chuyện động trời đó nữa”

Trời hè nắng đổ, ngôi trường THPT Đồi Ngô vắng bóng giáo viên, học sinh vì đang trong kỳ nghỉ. Duy nhất chỉ có mình cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Chờ ngồi lẳng lặng trong phòng trực. Chỉ còn mấy tháng nữa, vị hiệu trưởng ở tuổi 70 này sẽ về bế bồng con cháu sau những dư âm của vụ bê bối thi cử tại ngôi trường tư thục có tuổi đời 20 năm.

Cô Chờ cho biết: “Trường chỉ có 9 lớp (mỗi khối có 3 lớp) và học sinh ở đây đều có học lực trung bình vì khi các em thi trượt các trường có chất lượng tốt hơn mới về đây nộp hồ sơ xét tuyển, nhập học. Giáo viên của trường cũng chủ yếu là người tốt nghiệp Đại học Sư phạm ở Hà Nội, Thái Nguyên nhưng chỉ sử dụng hợp đồng cơ hữu có đóng bảo hiểm, khi họ thi tuyển được công chức ở nơi khác thì sẽ chuyển đi”.

Ngày 4/6/2012, kết thúc môn thi tốt nghiệp cuối cùng, anh Nguyễn Danh Ngọc, cựu giáo viên Trường THPT Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang) đã cung cấp cho “người đương thời” Đỗ Việt Khoa một video do học sinh Đỗ Ngọc Sơn quay cảnh giám thị thờ ơ cho học sinh quay cóp, cán bộ mang đáp án cho thí sinh chép tại trường THPT Đồi Ngô. Thầy Khoa đã tung những video này lên mạng, không lâu sau đó 5 video về 5 môn thi còn lại quay cảnh gian lận trong thi cử tại đây tiếp tục được đưa lên mạng gây chấn động về bê bối thi cử của ngành Giáo dục.

Ngày 18/6/2012, Sở GD&ĐT Bắc Giang công bố kết quả thanh tra vụ gian lận thi tốt nghiệp tại THPT Đồi Ngô. Theo đó, lãnh đạo Hội đồng coi thi đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc điều hành, giám sát diễn biến kỳ thi, không phát hiện được tiêu cực. 6 cán bộ, giáo viên trường THPT Đồi Ngô bị đề nghị sa thải; Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường bị kiến nghị không công nhận chức vụ quản lý. Riêng thí sinh quay clip tố cáo gian lận vẫn đỗ tốt nghiệp.

Nhớ về thời điểm “đen tối” của trường, cô Chờ cho biết: “Lúc đấy thày Đào Văn Mộc làm hiệu trưởng, sau vụ việc thày xin nghỉ, tôi được mời về đảm nhận vị trí thay cho thày. Quãng thời gian đáng buồn đó khiến ai cũng bị ám ảnh, sợ hãi. Không khí giảng dạy, học tập đi xuống, nhiều người chán nản nhưng rồi mọi chuyện cũng đã qua. Đó là một bài học nhớ đời và giờ chẳng ai dám làm chuyện động trời đó nữa”.

Cô Chờ cũng cho biết, vụ việc bị phát giác, cơ quan chức năng đã xử lý một số cán bộ, giáo viên, trong đó có hai cô giáo dạy môn Toán và môn Sử của trường với hình thức kỷ luật đình chỉ một năm giảng dạy. Năm 2013, khi thi hành xong mức phạt, hai cô đã trở lại trường đứng lớp bình thường và đến nay không vi phạm gì nữa. “Mấy năm nay trường không được chọn làm điểm thi tốt nghiệp, đại học, cao đẳng nên học sinh của trường được chuyển sang các trường khác tham dự. Năm nay cũng chỉ có một giáo viên của trường được cử sang trường THPT Lục Nam để hỗ trợ thi. Trong kỳ THPT Quốc gia 2018, trường có 145 học sinh tham dự và tỉ lệ tốt nghiệp là 95%, so với năm 2017 giảm 1%. Hiện, trường có 5 học sinh đăng ký tham gia xét tuyển ĐH, CĐ nhưng chưa biết kết quả thế nào. Đã lâu lắm rồi trường không có học sinh đỗ đại học, nguyên cớ cũng vì học lực của các em không cao và gia đình có “truyền thống” đi nước ngoài làm việc nên các em chỉ cần tốt nghiệp THPT để du học tự túc hoặc xuất khẩu lao động”, vị hiệu trưởng cho hay.

Tại trường THPT Cẩm Lý (huyện Lục Nam) - nơi công tác mới của anh Nguyễn Danh Ngọc đang được tu sửa để chuẩn bị bước vào năm học mới. Khi được hỏi thăm về anh Ngọc, một bảo vệ trường cho biết: “Trước khi về đây công tác, ai trong trường cũng nắm được thông tin về việc thầy Ngọc đã làm trước đó. Thời gian đầu ai cũng có cảm giác ái ngại và “tranh thủ” né tránh, hạn chế tiếp xúc với thày vì lo sợ nếu trong trường có sơ sẩy việc gì đó sẽ bị thày nắm bắt rồi tố giác. Nhưng qua 2 năm công tác, chưa thấy thày Ngọc có biểu hiện thu thập, phản ánh gì liên quan đến các hoạt động của trường”.

Thày Nguyễn Duy Thạo, Phó hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Lý cho biết, thầy Ngọc là người cá tính, thường nêu ý kiến với tinh thần xây dựng, đóng góp. Các thày cô trong trường và bản thân thày Ngọc cũng đang cố gắng hòa hợp trong chuyên môn và sinh hoạt. Hơn 2 năm công tác tại trường, thầy Ngọc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đáng chú ý, năm học vừa rồi thày được giao phụ trách đội tuyển của nhiều môn thể dục, thể thao tham dự các hội thi đoạt giải cao nên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Hữu Tuấn

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tro-lai-doi-ngo-sau-bao-gian-lan-thi-6-nam-truoc-d265974.html