Trở lại Khe Chữ

Vào những ngày đầu năm học mới, chúng tôi ngược núi về với Khe Chữ (xã Trà Vân, huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) - nơi định cư mới của 144 hộ dân đồng bào dân tộc sau trận lở núi, lấp làng. Sống giữa bộn bề khó khăn, họ nương tựa vào nhau, san sẻ từng bữa ăn, tấm áo, cùng động viên nhau chung sức gây dựng ngôi làng mới.

Ngôi trường mới dành cho HS Khe Chữ được hoàn thành ngay trước thềm năm học 2018 – 2019

Sau những ngày tháng gian khổ, ngôi làng mới đã dần nên hình nên dáng. Niềm tin, niềm hy vọng của người dân, con em HS như càng chất đầy hơn khi một ngôi trường khang trang dần dần hiện hữu, còn những giáo viên vẫn luôn đau đáu, nhiệt tâm với sự nghiệp trồng người nơi vùng núi sâu thẳm này.

Màu xanh đã trở lại

Trở lạiKhe Chữ lần này, chúng tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến vùng đồi hoang ngày ấy nay đã trở thành ngôi làng sôi động đầy sức sống. Những ngôi nhà vững chãi đã dần dần thay thế cho những lều tạm, lán tạm. Lớp học tạm bợ ngày ấy đã thay bằng ngôi trường khang trang, bề thế… Nhưng có lẽ điều mà chúng tôi xúc động hơn cả là nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt mọi người; tiếng cười đùa, reo hò rôm rả của những đưa trẻ trong làng… như muốn nhắn nhủ với chúng tôi rằng, một cuộc sống mới đang đến với những người dân nghèo khó. Nỗi đau thương ngày ấy đang dần dần nguôi ngoai nhường chỗ cho niềm tin, niềm khát vọng.

Những đổi thay của làng Khe Chữ hôm nay đã minh chứng cho ý chí, niềm tin, sức sống của người dân nơi đây. Bởi chỉ cách đây 10 tháng, khi trận sạt lở đất kinh hoàng xảy ra vào chiều 6/11/2017, ngôi làng tại nóc Ông Tuân, thôn 2 (xã Trà Vân, huyện Nam Trà My) tan hoang, đổ nát, vùi lấp toàn bộ tài sản của người dân. Trận thiên tai đẩy cuộc sống của hơn 120 hộ dân nóc Ông Tuân và các nóc bên cạnh vào tình cảnh hết sức chật vật, khổ sở. Họ dắt díu nhau vào định cư tại vùng đồi hoang Khe Chữ. Giữa bộn bề khó khăn, họ nương tựa vào nhau, san sẻ từng bữa ăn, từng tấm áo, chiếc quần, cùng động viên nhau và được chính quyền, cộng đồng xã hội chung sức gây dựng ngôi làng mới.

Khi núi lở, đất đá vùi lấp làng, điểm trường ở nóc Ông Tuân cũng chung số phận. Lớp học nhỏ bị đất đá cuốn lấp mọi bàn ghế, dụng cụ phục vụ dạy học. Người dân dời làng đến nơi ở mới, con em HS cũng bỏ trường cùng gia đình. Không quản gian khổ, thương trò mất chữ, thầy cô giáo lại khăn gói đi theo tìm về Khe Chữ dựng trường dạy học. Sống giữa muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng với quyết tâm bám bản, dựng trường, những người giáo viên nơi đây vẫn không để con em HS bỏ học.

Niềm tin của những người giáo viên nơi đây như càng chất đầy hơn khi ngay trong ngày lễ khai giảng, ngôi trường mới dành cho con em HS Khe Chữ được khánh thành đưa vào sử dụng. Ngôi trường khang trang, bề thế với tổng diện tích 289 m2; trong đó có hai phòng học tiểu học, một phòng học mẫu giáo. Ngoài phòng học, ngôi trường còn có phòng công vụ giáo viên, phòng khách, các phòng vệ sinh dành riêng cho HS tiểu học, mầm non và giáo viên. Trường học có thêm khu nhà ăn, bếp ăn rộng rãi dành cho HS, giáo viên, cùng với hệ thống tường rào cổng ngõ, mái che, sân bê tông vững chắc...

Các bé mầm non ở Khe Chữ được học trong cơ sở vật chất khang trang không kém gì vùng xuôi

Kề vai, sát cánh cùng con em, HS

Dẫn chúng tôi đi vào thăm các phòng học mới của HS, thầy Hồ Văn Hạnh - Hiệu trưởng Trường TH Trà Vân - phấn khởi: “Có gì tự hào, vui sướng hơn khi trên hành trình tái thiết cuộc sống, người dân nghèo Khe Chữ được hỗ trợ thêm điều kiện để làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Các em HS được học tập trong những ngôi trường khang trang, đầy đủ thiết bị học tập; đội ngũ giáo viên có cơ hội tiếp cận và sử dụng các phương tiện hiện đại để áp dụng triển khai đổi mới phương pháp giảng dạy… Chúng tôi càng cảm thấy hạnh phúc hơn khi tác nhân làm nên những sự thay đổi quan trọng đó lại được tạo nên từ tình cảm, tấm lòng cảm thông, chia sẻ đầy trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trên khắp cả nước”.

Thầy Hạnh chia sẻ: “Năm học 2018 – 2019, điểm trường Khe Chữ có tổng cộng 50 HS, trong đó có 29 HS mẫu giáo thuộc Trường Mẫu giáo Họa Mi và 21 HS lớp 1, lớp 2 Trường TH Trà Vân. Niềm vui của các em HS, giáo viên như càng được nhân lên khi điểm trường mới hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay dịp khai giảng năm học mới. Còn người dân địa phương cảm thấy tự hào, phấn khởi khi ngôi trường nằm khang trang, bề thế ngay giữa làng, trở thành nơi học tập, vui chơi, rèn luyện hết sức thuận lợi cho con em HS”.

Cô giáo Hồ Thị Ngọ - giáo viên mầm non điểm trường Khe Chữ (Trường Mẫu giáo Họa Mi) không giấu được niềm xúc động khi nói về công tác dạy học nơi đây. Ngày ngày sống, dạy học giữa muôn vàn khó khăn, vất vả nhưng với tình yêu nghề, ý thức trách nhiệm, cô vẫn luôn gìn giữ ngọn lửa yêu nghề, tận tâm dạy học.

Cô bày tỏ: Có được ngôi trường mới con em HS Khe Chữ sẽ không còn cảnh học nhờ nhà dân, trường lớp tạm bợ. Ngôi trường mới khang trang sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tập, với đầy đủ các đồ dùng, trang thiết bị học tập. Mừng nhất là lớp học được xây dựng theo mô hình khép kín rất thuận lợi cho sinh hoạt, cũng như tổ chức học tập và chăm sóc sức khỏe cho các em. Đây thực sự là động lực thôi thúc giáo viên nâng cao chất lượng GD, dần dần xóa bỏ khoảng cách chênh lệch chất lượng dạy học giữa miền núi với đồng bằng, thành thị.

Bám làng, bám dân, vào Khe Chữ dạy học. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, công tác GD đang đứng trước nhiều thách thức, trong khi đó điều kiện dạy học còn nhiều thiếu thốn… nhưng cô giáo Ngọ, cùng đồng nghiệp nguyện cùng nhau nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp GD, chăm lo chuyện học cho các em HS. Nghĩa tình của những người giáo viên nơi đây đối với các em HS như đằm thắm hơn khi ngày ngày, họ vừa dạy học, vừa giúp dân ổn định cuộc sống. Họ còn âm thầm vận động, kêu gọi người thân, bạn bè, đồng nghiệp quyên góp áo quần, sách vở, nhu yếu phẩm hỗ trợ con em HS, người dân Khe Chữ.

Cô giáo Ngọ tâm sự: “Những người giáo viên như chúng tôi đến với nghề giáo như một cái duyên, cái nghiệp. Mà đã là duyên, là nghiệp thì dù dạy học ở đâu, sinh sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi vẫn luôn dành hết tình yêu thương cho học trò. Đối với bản thân tôi, khi quyết định theo làng vào đây dạy học, tôi đã xác định đối mặt với khó khăn, thiệt thòi. Duy chỉ mong muốn một điều là HS vẫn được đến trường, đến lớp học chữ, bởi các em nơi đây đã chịu quá nhiều đau thương, mất mát”.

Đại Khải – Phú Minh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tro-lai-khe-chu-3950367-b.html