Trở lại quá khứ qua 'Thương nhớ thời bao cấp'

Ngày 16/8, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) đã diễn ra triển lãm 'Thương nhớ thời bao cấp' giúp những ai từng sống qua giai đoạn lịch sử đó ôn lại kỷ niệm về một thời đã xa.

Bìa cuốn sách “Thương nhớ thời bao cấp” (NXB Hội Nhà văn) do họa sĩ Thành Phong và Hữu Khoa minh họa

Triển lãm trưng bày gần 30 bức tranh minh họa sinh động và hóm hỉnh của hai họa sĩ Thành Phong và Hữu Khoa, được trích ra từ cuốn sách cùng tên “Thương nhớ thời bao cấp”.

Không chỉ giới thiệu đến độc giả những câu cửa miệng, tục ngữ, thành ngữ, những câu ca vần vè, cho tới những biển hiệu bán hàng, những khúc đồng dao... từng quen thuộc trong thời bao cấp, triển lãm còn khắc họa nên một xã hội mà tư duy phân phối bao cấp ăn sâu đến từng ngóc ngách nhỏ nhất của đời sống, với những đặc trưng không thể trộn lẫn.

Dẫu hiển hiện trong những sáng tác dân gian ấy là một xã hội còn vô cùng khó khăn, với những nỗi lo lắng nhọc nhằn về những thứ nhu yếu phẩm không thể căn bản hơn nữa của cuộc sống thường nhật: cái khăn mặt, túi cá khô, cái quần đùi hoa, cuốn sổ gạo, cục gạch xếp hàng... ta vẫn thấy vượt hẳn lên trên là cái nhìn quan sát sâu sắc, điềm tĩnh đến kinh ngạc, cùng thái độ phản biện hài hước và đôi khi còn vui tươi đến lạ kỳ.

Tem đường, phiếu vải, phiếu mua chất đốt... là những "chứng nhân" hùng hồn thời bao cấp

Bên cạnh triển lãm, ngày 18/8 sẽ diễn ra tọa đàm “Thương nhớ thời bao cấp” đây là dịp để chúng ta cùng “ôn cố tri tân” thời kỳ bao cấp qua các câu thành ngữ, tục ngữ, các câu cửa miệng và các bài đồng dao, với sự tham gia của các diễn giả chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Họa sỹ Thành Phong và Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.

Triển lãm “Thương nhớ thời bao cấp” được diễn ra từ ngày 16 - 31/8 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (số 24 Tràng Tiền, Hà Nội).

Bức tranh “Bắt cởi trần phải cởi trần, cho may ô mới được phần may ô”

Bức tranh phác họa khung cảnh thời bao cấp, đàn ông được phân phối vải, giày dép và đôi khi cả áo may ô. Từ đó, dân gian có câu than rằng: “Bắt cởi trần phải cởi trần, cho may ô mới được phần may ô”.

Bức tranh "Đẹp trai thì mặc đẹp trai. Cơ quan không tiếp tóc dài quần loe"

Nhờ cuốn sách hóm hỉnh này, những độc giả cuối thế hệ 8X, 9X mới biết được tiêu chí để các cô gái xưa là “Làm trai cho đáng nên trai, có Pha-vơ-rít có đài giắt lưng”. Thật hóm hỉnh khi trong mắt cô gái xưa, chàng trai lý tưởng “đáng mặt” đàn ông phải có đài (radio) mang theo mình và "pha-vơ-rít" (Favorite - loại xe của Tiệp Khắc cũ), "Pha-vơ-rít" cũng được ví như đồ “hàng hiệu” của dân chơi thời bao cấp.

Bức tranh “Mặt nghệt như mất sổ gạo”

Bức tranh "Mặt nghệt như mất sổ gạo" được cho là câu thành ngữ có lẽ nổi tiếng nhất thời bao cấp. "Sổ gạo" tên chính thức là "Sổ mua lương thực", là một quyển sổ được Nhà nước phát, có ghi chi tiêu lương thực mỗi hộ gia đình được mua một tháng. Mất sổ gạo đồng nghĩa với việc cả nhà sẽ đói, cho đến khi vượt qua các nhiêu khê hành chính nhiều ngày để được cấp lại sổ mới.

Đây là thành ngữ nói về thực tế đi nhờ xe trên đường cái rất phổ biến thời bao cấp. Các cô gái có "chiêu" dùng nón để vẫy rất hiệu nghiệm. Giơ nón ra vẫy là cái xe tức khắc phanh khựng lại.

Nguyễn Hoan

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tro-lai-qua-khu-qua-thuong-nho-thoi-bao-cap-511790.html