Trở lại xóm chạy thận, lần nào cũng buồn

Sau Tết, có người trở lại xóm tiếp tục bám viện chạy thận, cũng có người không bao giờ trở lại nữa...

Xóm chạy thận sẽ đón Tết thế nào?

GiadinhNet - Sau 5 năm, chúng tôi trở lại ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội, nơi có hơn 60 phòng trọ với gần 150 người chạy thận sống quần tụ. Vẫn là những căn trọ cũ kỹ, tối om và những cư dân tay chằng chịt vết kim tiêm, kim truyền...

Giống như bao xóm chạy thận nằm cạnh các bệnh viện ở cả nước, ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hà Nội) là nơi sinh sống của hàng trăm con người chạy thận.

Ông Hợi (Thanh Hóa), “công dân” xóm chia sẻ: “Người đến rồi ra đi, vĩnh viễn, liên tục. Người phải đi chạy thận như án chung thân”.

Đôi mắt ông Hợi chỗ bạc trắng, chỗ đỏ ngầu, da bệu nước và xám xịt, đưa tay chỉ vào một người rồi nói: “Lắp đến van thứ 4 rồi đấy”.

Ông Hợi cho hay, những người đến với xóm trọ này đều xác định tâm lý cả rồi nên nói chuyện chết chóc chẳng có gì phải giữ ý.

Cổ tay của ông Hợi. Ảnh: Quang Thành

Những ngày đầu năm, nắng hanh hao, không rét như độ cuối đông, cư dân xóm thận tập trung ra ngoài cổng khu trọ, dưới bóng cây roi chuyện trò. Trong câu chuyện đầu năm, họ hỏi han nhau kỷ niệm Tết nhất ngẳn ngủi mà họ được hồi hương vừa qua, cũng có những câu hỏi đặt ra, cô này, anh kia không thấy quay lại.

Không ai trả lời, họ hiểu rằng chuyện xấu đã đến…

Những người sống ở xóm trọ trên 10 năm như ông Hợi chỉ là số ít dù họ chưa phải là những người ở đây lâu nhất. Chừng đó thời gian họ chứng kiến quá nhiều bạn bệnh qua đời.

Mùa xuân này, một người chạy thận nữa đã ra đi. Đó là người trẻ. Cô gái đó là Nguyễn Thị Lý, quê ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Bạo bệnh đã cướp đi sự sống khi Lý đang ở tuổi đôi mươi.

Những năm tháng chữa bệnh, Lý đau đáu một điều chưa làm gì báo hiếu cha mẹ

Gần 10 năm trước, tôi gặp Lý cấp cứu ở bệnh viện Bạch Mai. Sau đó vài ngày, tôi hay tin hai quả thận của Lý hỏng. Cô phải nối van để chạy thận.

Từ đó, Lý phải sống cuộc sống xa gia đình, bám viện chạy thận. Bệnh nặng, sức khỏe yếu, đã không ít lần Lý nguy kịch. Thế rồi, cô gái ấy vẫn vượt qua được, thoi thóp tồn tại giữa cuộc đời này.

Nhớ có lúc Lý tâm sự: “Anh nhìn này, chẳng còn chỗ nào còn lành lặn”. Cánh tay ấy đã bị biến dạng đi sau không biết bao nhiêu mũi kim đã cắm vào đó.

Điều day dứt nhất, là những năm tháng nằm trên giường bệnh em luôn dằn vặt bởi mình trở thành gánh nặng cho gia đình, đặc biệt là người bố.

Bố của Lý, ông Nguyễn Bá Lộc từng đặt vấn đề với bệnh viện để hiến một quả thận cho con. Hy vọng cứu được con vừa được thắp sáng thì đã vụt tắt: Không thể tiến hành ghép thận cho Lý được.

Tôi bị ám ảnh mãi hình ảnh ông Lộc mếu máo: “Ước gì hoàn cảnh mình đổi được cho con. Nó đang thì con gái. Nó cũng muốn sống…”.

Tết năm ngoái, Lý về nhà ăn Tết. Đúng đêm Giao thừa, Lý mệt nặng, không thở được bắt buộc phải vào thành phố Vinh, Nghệ An chạy thận gấp. Lần đó, cả nhà đón Giao thừa trên xe cứu thương.

Tết năm nay, một cái Tết bên gia đình, nhưng đó là tết cuối cùng của Lý. Bây giờ, Lý đã mãi không phải chạy thận nữa rồi. Cô gái trẻ ra đi khi mùa xuân vừa đến.

Trở lại xóm chạy thận, lần nào cũng buồn!

Ghi chép của Hà Phương/Báo Gia đình & Xã hội

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tro-lai-xom-chay-than-lan-nao-cung-buon-20160229191506579.htm