Trợ lực cho các xã miền núi, vùng DTTS

Hơn 3 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020, Đề án 196 của tỉnh Quảng Ninh đã tạo được sự đột phá mạnh mẽ khi đưa hết các xã, thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), về đích trước 1 năm so với lộ trình đề ra. Chương trình này cũng tạo được tiếng vang lớn khi làm thay đổi cơ bản diện mạo, đời sống của người dân khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS. Để tránh tình trạng 'tái 135' thì ở những địa bàn này cũng đang rất cần thêm nguồn lực đầu tư nhằm giảm nghèo bền vững, tạo được bứt phá mới.

Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 được kỳ vọng sẽ tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ cho khu vực này. Trong ảnh: Mô hình sản xuất dược liệu của anh Dường Cắm Hếnh, xã Đồng Văn, Bình Liêu tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động bản địa.

Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 được kỳ vọng sẽ tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ cho khu vực này. Trong ảnh: Mô hình sản xuất dược liệu của anh Dường Cắm Hếnh, xã Đồng Văn, Bình Liêu tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động bản địa.

Là địa phương nhận được nguồn lực đầu tư lớn nhất từ Đề án 196 của tỉnh, huyện Bình Liêu cũng đã vận dụng hiệu quả, linh hoạt các nguồn vốn để hoàn thành chương trình 135. Đến nay, diện mạo khu vực các xã thuộc diện ĐBKK đã có nhiều đổi thay tích cực, nhiều công trình hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Cùng với đó là các dự án tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng ĐBKK bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Dù vậy theo lãnh đạo địa phương này, việc ra khỏi Chương trình 135 mới chỉ giúp người dân Bình Liêu thoát khỏi diện hộ nghèo chứ chưa tiến đến hộ giàu có, kinh tế bền vững, nguy cơ tái nghèo của nhiều hộ vẫn còn vì các mô hình phát triển kinh tế hầu hết là nhỏ lẻ, chưa hình thành được quy mô sản xuất tập trung. Đặc biệt hơn, khoảng cách chênh lệnh giữa khu vực miền núi, nhất là ở địa bàn có trên 96% là đồng bào DTTS như Bình Liêu với khu vực nông thôn, thành thị vẫn rất lớn thì nguy cơ giai đoạn sau, khu vực này cũng rất dễ quay trở lại diện 135.

Tương tự như Bình Liêu, các địa phương khác là Ba Chẽ, Đầm Hà, Tiên Yên... cũng cho rằng trên đà về đích chương trình 135 thì cần thêm một sự “trợ lực” nối tiếp để thúc đẩy phát triển KT-XH, thoát nghèo bền vững; đồng thời tạo được đòn bẩy để các xã, thôn tiếp tục hoàn thành mục tiêu nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Người dân Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long được thụ hưởng cơ sở hạ tầng tốt hơn nhờ nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

Theo rà soát và đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, so với mặt bằng chung của tỉnh, việc phát triển KT-XH ở vùng DTTS và miền núi vẫn còn khó khăn, chênh lệch về trình độ phát triển và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản còn khá lớn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đặc biệt, đời sống của một bộ phận nhân dân khu vực này còn khó khăn. Do đó, để khu vực này ra khỏi diện ĐBKK một cách bền vững, Ban Dân tộc đã đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án Hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Trọng tâm của đề án là nâng cao thực chất mức sống, thu nhập của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là ở các xã, thôn mới ra khỏi diện ĐBKK và các xã, thôn biên giới. Dự kiến Đề án được thực hiện tại 86 xã và gần 900 thôn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh với kỳ vọng đến hết năm 2025 sẽ cải thiện rõ rệt hạ tầng thiết yếu khu vực này, hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung cũng như phát huy được vai trò của người dân trong tham gia phát triển KT-XH, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc.

Cho ý kiến về Đề án này, tại cuộc họp của UBND tỉnh vào ngày 11/5/2020, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã khẳng định: Đề án nếu được triển khai thành công sẽ tạo được sự đổi thay lớn cho khu vực DTTS và miền núi của tỉnh. Thời gian qua, Quảng Ninh đã dành nhiều sự quan tâm và đầu tư cho các xã, thôn thuộc diện ĐBKK thông qua Đề án 196 và đã đạt được những thành quả nhất định. Do vậy, trên cơ sở các địa phương đang có đà thì chúng ta cũng phải có những “bước đệm” cần thiết để khu vực này tiếp tục bứt phá, tránh tình trạng “tái 135”.

Nguyên Ngọc

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202005/tro-luc-cho-cac-xa-mien-nui-vung-dtts-2485239/