Trợ lực nào để các SME Việt Nam lớn mạnh?

Hiện tại, có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) khi vay vốn không chứng minh được phương án kinh doanh và mục đích sử dụng vốn. Doanh nghiệp cũng không bàn phương án kinh doanh từ nguồn vốn ngân hàng. Do đó, các ngân hàng ngại rót mạnh vốn cho doanh nghiệp.

Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo chuyên đề “Các trợ lực để doanh nghiệp SMEs ngành sản xuất tăng tốc trong thời đại số”, vừa tổ chức mới đây tại TP.HCM.

Các diễn giả chia sẻ giải pháp để doanh nghiệp SMEs phát triển.Có thể bạn quan tâm

Các diễn giả chia sẻ giải pháp để doanh nghiệp SMEs phát triển.Có thể bạn quan tâm

Khó khăn bủa vây SMEs

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 97% SMEs. Con số này được công bố hàng năm và hầu như không có sự thay đổi tích cực nào. Doanh nghiệp nhỏ mãi vẫn nhỏ, số lượng doanh nghiệp từ quy mô nhỏ phát triển đến quy mô vừa vẫn rất ít, chưa kể nhiều doanh nghiệp đã "rơi rụng" sau vài năm phát triển.

Ông Trần Ngọc Liêm - Phó Giám đốc VCCI tại TP.HCM cho biết, SMEs thời gian qua chưa có sự phát triển mạnh mẽ do còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong tiếp cận nguồn lực cho quá trình hoạt động (như nắm bắt thông tin chính sách, pháp luật, tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai).

Hơn nửa, gánh nặng về chi phí không chính thức, chất lượng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thấp và chưa đúng đối tượng, gánh nặng về thủ tục hành chính cũng như thanh, kiểm tra của các cơ quan nhà nước địa phương đối với các doanh nghiệp lại càng lớn.

"Trong số SMEs gặp khó phần lớn là doanh nghiệp ngành sản xuất. Những rào cản về chính nội lực của họ (vốn, kinh nghiệm quản trị...), và ngoại lực (môi trường, chính sách...) đang là lý do khiến các doanh nghiệp không thể phát triển mạnh trong thời gian qua", ông Liêm cho hay.

Ông Trần Ngọc Liêm cho biết, doanh nghiệp nhỏchưa có sự phát triển mạnh mẽ thời gian qua do còn vướng mắc trong tiếp cận nguồn lực cho quá trình hoạt động.

Theo số liệu mới nhất từ báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường InsightAsia, trong số các khó khăn lớn nhất của SMEs ở Việt Nam thì khó khăn về vốn được đặt lên cao nhất.

Cụ thể, có 62% số người được hỏi cho rằng họ gặp khó về nguồn vốn (chủ yếu là để đầu tư nhà xưởng, máy móc…), trong khi khó khăn về nguồn khách hàng đứng thứ hai với 60%, khó khăn về nhà xưởng cũng có 55% người được khảo sát chọn lựa, và 45% số người được hỏi cho rằng họ gặp khó về pháp lý.

Lý giải về điều này, ông Trần Khải Hoàn - Phó TGĐ Nam A Bank cho rằng, có nhiều doanh nghiệp khi vay vốn không chứng minh được phương án kinh doanh và mục đích sử dụng vốn. Doanh nghiệp cũng không bàn phương án kinh doanh từ nguồn vốn ngân hàng. Do đó, các nhà băng ngại rót mạnh vốn cho doanh nghiệp nhỏ.

Theo ông Hoàn, các SME cũng cần có nguồn vốn tự có, tối thiểu 20% mới có thể đảm bảo được rủi ro và chi phí. Còn nếu muốn an toàn và hiệu quả, nhất là trong bối cảnh chi phí tăng như hiện nay, thì các doanh nghiệp nhỏ phải có tối thiểu 40% vốn tự có.

Một khó khăn nữa trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, theo nhiều doanh nghiệp nhỏ, là họ không có tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, ông Hoàn cho rằng, trong quá trình cung ứng tín dụng cho các doanh nghiệp này, tài sản không hẳn là các giá trị bất động sản, mà còn thế chấp bằng hợp đồng kinh doanh, có phương án kinh doanh hiệu quả với một đối tác có uy tín, thì khả năng tiếp cận được vốn ngân hàng rất lớn.

Trợ lực nào để SMEs lớn?

Mặc dù còn nhiều khó khăn cho SMEs, nhưng thống kê của Microsoft (theo mẫu khảo sát của Microsoft toàn cầu) cho thấy điểm nổi bật khi 86% SMEs tại Việt Nam tiếp cận tốt với công nghệ thông tin, cao hơn tỷ lệ này ở rất nhiều nước tại châu Á như Malaysia, Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản….

Ông Đỗ Khắc Cương - Giám đốc quốc gia phụ trách khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của Microsoft cho rằng, SMEs sẽ thực sự tăng tốc nếu tận dụng thế mạnh công nghệ để phát triển trong thời gian tới.

Không giống như trước đây chỉ có những doanh nghiệp lớn có điều kiện để xây dựng trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp. Ngày nay các SME vẫn có thể tiếp cận công nghệ thông tin tốt thông qua hình thức thuê bao, điện toán trên đám mây với chi phí cực thấp.

Ông Cương dẫn chứng cụ thể: "Chẳng hạn, việc gọi xe để vận chuyển hàng hóa, trước đây các doanh nghiệp thường phải tính toán đến việc mua tài sản là xe để có thể vận chuyển hàng hóa. Điều này tốn kém không ít chi phí mua xe, khẩu hao..., nhưng hiện nay không ít SMEs đã tính đến việc sử dụng xe công nghệ để vận chuyển hàng hóa mà không cần phải vay vốn lãi suất, chi phí tăng mà nhiều khi còn gây lãng phí...".

Việc cải thiện môi trường kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp xóa bỏ các loại chi phí, giảm bớt các cuộc thanh kiểm tra không cần thiết.

Theo bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Phó tổng giám đốc Kizuna, hiện tại bên cạnh mô hình khu công nghiệp truyền thống rất khó để SMEs tiếp cận, các SME có thể thuê nhà xưởng xây sẵn với với quy mô nhỏ để hoạt động hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Hiện trên thị trường đã có các mô hình khu công nghiệp kiểu mới được cung cấp dịch vụ, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng năng lượ̣ng tái tạo.

Bà Lâm Diệu Tâm Hiếu đánh giá đây thực sự sẽ là bước tiến mới trong việc cung cấp mặt bằng sản xuất cho SMEs, vốn gặp khó về việc xây dựng nhà xưởng đúng chuẩn, hiện đại, tiết kiệm chi phí.

Để có thể thúc đẩy sự phát triển của các SME Việt Nam trong thời gian tới, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, việc cải thiện môi trường kinh doanh là cần thiết, giúp doanh nghiệp xóa bỏ các loại chi phí không chính thức mà họ đang phải gánh chịu như hiện nay, giảm bớt các cuộc thanh kiểm tra không cần thiết với SMEs.

Thêm vào đó những chính sách và pháp luật có liên quan tới SMEs cần thực hiện nhằm tháo gỡ những khó khăn mà các SME đang gặp phải hiện nay. Đồng thời các chính sách phải thật thiết thực, gần gũi với doanh nghiệp nhỏ, cụ thể như hỗ trợ tiếp cận vốn, đất đai, tìm kiếm khách hàng, nhà cung cấp.

Đức Linh

Đức Linh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/tro-luc-nao-de-cac-sme-viet-nam-lon-manh/20191004020342322