Trợ lý ảo hấp dẫn du khách

Công nghệ thực tế ảo tái tạo sinh động những sự kiện lịch sử, không gian văn hóa cổ xưa... để du khách trải nghiệm ngay tại điểm du lịch

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, nhìn nhận trong kỷ nguyên của công nghệ 4.0, AirBnB (ứng dụng đặt phòng và dịch vụ lưu trú trực tuyến) đã hoàn toàn thay đổi cuộc chơi và chiếm được thị phần, các nền tảng trực tuyến khác như Booking, Agoda… đang cho phép người dùng dễ tiếp cận với khách sạn hơn. Theo các chuyên gia, công nghệ phát triển đang buộc các ngành, trong đó có du lịch, phải "thay áo" để tạo ra sự khác biệt, giữ chân du khách.

Thay đổi hành vi du khách

Ông Troy Griffiths dẫn báo cáo của Travelport Digital - một nền tảng tương tác di động cho du lịch, cho thấy khoảng 35% người dùng đã tải ứng dụng để tìm kiếm các chuyến bay, khách sạn; 27% tải ứng dụng để đặt các chuyến bay, khách sạn và 19% bật thông báo từ ứng dụng du lịch để nhận tin tức.

Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (Pata) 2019, Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi và dự kiến sẽ dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về du lịch với tốc độ tăng trưởng hằng năm 14% tính đến năm 2023. Nhưng để có lợi nhuận cao hơn, phát triển du lịch cần được dịch chuyển lên trên chuỗi giá trị, cần có sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn lực và công nghệ. Tại Việt Nam, với "Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025" của Chính phủ, phát triển công nghệ sẽ là trọng tâm cải thiện du lịch Việt Nam trong những năm tới. Các ứng dụng di động sẽ được đầu tư nhằm cải thiện chất lượng thông tin và trải nghiệm du lịch như hướng dẫn viên ảo hay ứng dụng phiên dịch.

Du khách trải nghiệm du lịch qua kính thực tế ảo tải một điểm đến Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Du khách trải nghiệm du lịch qua kính thực tế ảo tải một điểm đến Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch - cho biết có nhiều tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến ngành du lịch, từ cá nhân hóa trải nghiệm qua việc thu thập, phân tích hành vi của du khách bằng trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data; tạo các trải nghiệm mới đa dạng như không gian thông minh, giao tiếp tự động qua Chatbot, VR/AR… Công nghệ cũng làm thay đổi hành vi của du khách như giúp các trải nghiệm hấp dẫn hơn. Thống kê cho thấy hơn 67% du khách dựa vào các đánh giá trực tuyến trước khi mua tour.

Dùng ứng dụng hỗ trợ

Các trung tâm du lịch của Việt Nam như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… đã đưa vào sử dụng nhiều phần mềm tiện ích thông minh để hỗ trợ hoạt động du lịch. Trong năm 2018, Hà Nội đã dùng hệ thống thuyết minh tự động tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng Thành Thăng Long. TP Đà Nẵng, TP HCM xây dựng các hệ thống phần mềm tiện ích, triển khai một số trạm thông tin du lịch… hỗ trợ du khách.

TP HCM là một trong 2 địa phương có nhiều bảo tàng nhất trên cả nước với 13 bảo tàng. Trong 10 năm qua, các bảo tàng ở TP đã có những bước phát triển khá đa dạng, áp dụng công nghệ làm phong phú và hấp dẫn nội dung trình bày, thu hút khách tham quan. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là đơn vị đầu tiên được TP chọn thí điểm triển khai dự án Bảo tàng tương tác thông minh, có vai trò như một hướng dẫn viên điện tử với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, hệ thống xác định chính xác vị trí nơi du khách đang tham quan và giới thiệu các thông tin về hiện vật quanh du khách một cách trực quan, sinh động bằng hình ảnh, clip. Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đánh giá: "Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bảo tàng đã góp phần hiện đại hóa công tác trưng bày và nâng cao hiệu quả hoạt động của các bảo tàng. Du khách có thể xem, nghe thông tin liên quan đến bảo tàng, trải nghiệm qua các thao tác trên thiết bị di động. Ngành du lịch TP đang xây dựng phần mềm hướng dẫn tham quan hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn và ở từng bảo tàng, di tích để du khách có thể thỏa sức khám phá nội dung trưng bày tại địa điểm di sản mà không mất nhiều thời gian. Đồng thời, giúp du khách tìm quán ăn gần khu di sản, sử dụng QR Code (mã quét) truy cập vào điểm đến để tìm hiểu thông tin du lịch. Đây được xem là một trợ lý du lịch ảo uy tín cho du khách".

Lãnh đạo Công ty Vietravel cho rằng ngành du lịch cần tập trung đầu tư phát triển Big Data để cập nhật thông tin du lịch, đánh giá chất lượng dịch vụ hiệu quả hơn; từ việc số hóa các cơ sở dữ liệu du lịch như giới thiệu dạng tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, bản đồ các điểm du lịch, hệ thống nhà hạng, khách sạn, giao thông công cộng. Công nghệ 4.0 cũng giúp việc sử dụng hình ảnh, phim 3D, 4D, nhất là công nghệ thực tế ảo cho phép tái tạo sinh động những sự kiện lịch sử, không gian văn hóa cổ xưa, thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ… để du khách trải nghiệm ngay tại điểm du lịch.

Mang lại trải nghiệm du lịch tốt hơn

TS Đào Thị Thu Hằng, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP HCM, nhận định với sự trợ giúp của công nghệ, đổi mới và hợp tác sẽ mang lại trải nghiệm du lịch tốt hơn, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, điểm đến du lịch. Du lịch thông minh cũng đáp ứng tốt hơn mong đợi của du khách bằng cách cung cấp sản phẩm được cá nhân hóa và giúp cơ quan quản lý điểm đến thu thập dữ liệu, tạo ra sản phẩm tốt hơn. "Sự kết hợp của công nghệ thông tin cùng các bên liên quan do cơ quan quản lý du lịch định hướng đổi mới có thể nâng cao tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của điểm đến du lịch" - TS Đào Thị Thu Hằng nhận xét.

LINH ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-nghe/tro-ly-ao-hap-dan-du-khach-20190914210058644.htm