Trợ lý viễn thám vũ trụ lập phần mềm hỗ trợ trinh sát, tình báo

Đề tài 'Xây dựng phần mềm phân tích và xử lý thông tin ảnh viễn thám, hỗ trợ giải đoán mục tiêu' do trung tá, tiến sĩ Phạm Xuân Hoàn và một cộng sự nghiên cứu đã được trao giải Nhất Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo cấp toàn quân.

Trung tá Phạm Xuân Hoàn giới thiệu module quản lý khóa giải đoán trong phần mềm xử lý thông tin ảnh viễn thám hỗ trợ giải đoán mục tiêu

Trung tá Phạm Xuân Hoàn giới thiệu module quản lý khóa giải đoán trong phần mềm xử lý thông tin ảnh viễn thám hỗ trợ giải đoán mục tiêu

Hỗ trợ trinh sát, tình báo

Theo trung tá, tiến sĩ Phạm Xuân Hoàn (Trợ lý viễn thám vũ trụ, Cục Bản đồ, Bộ Tổng tham mưu), anh và thượng úy Nguyễn Sỹ Bách (Giảng viên của Trung tâm đào tạo nghiệp vụ địa hình quân sự, Cục Bản đồ) mất hai năm nghiên cứu đề tài, với mục đích xây dựng một phần mềm giao diện hoàn toàn bằng tiếng Việt cung cấp công cụ giúp phân tích xử lý ảnh viễn thám đơn giản, tiện lợi cho người dùng sử dụng các thuật toán và công cụ tối ưu, phổ biến nhất.

“Chúng ta đang sử dụng nhiều phần mềm phân tích xử lý ảnh viễn thám của các hãng khác nhau mà chưa xây dựng được một bộ công cụ phần mềm cũng như phương pháp hỗ trợ giải đoán ảnh số để phục vụ chỉ huy tham mưu tác chiến, gây không ít khó khăn cho các cán bộ, sỹ quan khi tác nghiệp và tính bảo mật không cao (do sử dụng phần mềm nước ngoài). Đồng thời cũng không chủ động trong việc nâng cấp phần mềm theo các yêu cầu cụ thể, thực tế tác nghiệp”, trung tá Hoàn nói.

Năm 2014, khi còn là học viên, thượng úy Nguyễn Sỹ Bách (SN 1992) đã giành giải Nhất Olympic Tin học khối Chuyên tin và giải Ba lập trình viên Quốc tế ACM ICPC. Năm 2016, anh tốt nghiệp loại giỏi Học viện Kỹ thuật quân sự. Ngoài ra, anh cũng được Bộ Giáo dục & Đào tạo, T.Ư Đoàn, Hội Tin học Việt Nam trao tặng Bằng khen.

Phần mềm này sẽ trợ giúp quá trình giải đoán mục tiêu nhằm đưa ra những nhận xét, đánh giá một cách nhanh chóng, hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, theo đó sẽ hỗ trợ công tác tham mưu, đặc biệt là trong công tác trinh sát, tình báo. Ngoài việc cơ sở dữ liệu mục tiêu quân sự đang ngày được phát triển, tích lũy và làm giàu thêm, việc tiếp tục sử dụng và phát triển hệ thống này sẽ giúp chủ động cập nhật, nhân rộng phần mềm, tiết kiệm ngân sách và thời gian, đặc biệt là đảm bảo về vấn đề bảo mật.

Theo trung tá Hoàn, trong kỷ nguyên phát triển của công nghệ vệ tinh hiện nay, dữ liệu thu được từ các vệ tinh viễn thám thương mại dần tiếp cận tới một số ranh giới của các vệ tinh viễn thám tình báo. Trong chương trình phát triển khoa học vũ trụ của Việt Nam, dự kiến sắp tới, vệ tinh radar độ phân giải không gian cao sẽ được phóng vào quỹ đạo. Vì vậy, chúng ta sẽ dần chủ động trong việc thu thập ảnh viễn thám mà không bị phụ thuộc vào các đơn vị cung cấp khác.

“Hiện nay, tôi đang chủ trì đề tài khoa học Nghiên cứu quy trình công nghệ xử lý kết hợp dữ liệu quét LiDAR và ảnh quang học thu nhận từ thiết bị bay không người lái phục vụ thành lập bản đồ 3D thành phố”, trung tá Hoàn chia sẻ.

Tham gia nhiều đề tài cấp nhà nước

Ngoài đề tài trên, trung tá Hoàn đã tham gia viết chuyên đề và bảo vệ thành công một loạt đề tài khoa học cấp nhà nước. Tiêu biểu như “Ứng dụng ảnh vệ tinh VNREDSat-1 để xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình và thông tin địa lý quân sự nâng cao hiệu quả công tác tham mưu và bảo đảm địa hình ngoài lãnh thổ”.

Đóng góp lớn nhất của anh cho đề tài này là đã nghiên cứu và đề xuất quy trình hoàn thiện đầu tiên nắn chỉnh hình học ảnh vệ tinh VNREDSat-1, tháo gỡ được một khâu kỹ thuật vô cùng hóc búa khi khai thác ảnh vệ tinh VNREDSat-1 đầu tiên của Việt Nam. Đồng thời sau khi nghiên cứu thành công đã kịp thời chuyển giao quy trình đó cho các cơ quan, đơn vị nghiên cứu có sử dụng ảnh VNREDSat-1 trong và ngoài Quân đội.

Nhờ những đóng góp hiệu quả trong nghiên cứu khoa học quân sự, trung tá Phạm Xuân Hoàn (SN 1983) trở thành Gương mặt trẻ triển vọng toàn quốc và Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2016. 5 năm liên tục (2013-2017), anh là Gương mặt trẻ tiêu biểu Bộ Tổng tham mưu; được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” giai đoạn 2014-2017…

Bên cạnh đó là tham gia đề tài “Nghiên cứu giải pháp tôn tạo và chống xói lở đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa”, đề xuất sử dụng công nghệ viễn thám UAV, kết hợp khảo sát đo đạc thực địa bằng kỹ thuật GPS-RTK để phân tích qui luật diễn biến bồi, xói lở bờ biển, hình thành bãi cát quanh đảo và địa hình đáy biển ven đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa phục vụ lập mô hình toán và lập báo cáo khảo sát.

“Chuyến đi khảo sát địa hình, bay chụp ảnh UAV tại đảo Sơn Ca diễn ra vào lúc gió mùa, biển động và kéo dài gần một tháng. Đo đạc trắc địa ở vùng gần mép xanh của đảo, chúng tôi phải lội nước trong điều kiện sóng đánh rất mạnh và trên tay cầm thiết bị đo nhưng chúng tôi luôn động viên nhau khắc phục khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ”, trung tá Hoàn nhớ lại.

Cùng với đó, anh còn tham gia xây dựng, bảo vệ đề cương, hoàn thiện chuyên đề thuộc đề tài “Nghiên cứu kết hợp ảnh viễn thám quang học và radar thành lập bản đồ chuyên đề quân sự hỗ trợ đánh giá địa hình lãnh thổ Việt Nam và vùng phụ cận phục vụ mục đích quốc phòng”; tham gia đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong việc phát hiện và đánh giá hình thái và quy mô bố trí cơ sở, trận địa quân sự”…

Nguyễn Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/tro-ly-vien-tham-vu-tru-lap-phan-mem-ho-tro-trinh-sat-tinh-bao-1660771.tpo